Mô hình kinh tế Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo vệ môi trường bền vững

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo vệ môi trường bền vững

Ngày đăng 05/06/2015

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Nhận thức được thách thức này nên Việt Nam coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn.

Chiến lược quốc gia về BĐKH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tầm nhìn xuyên thế kỷ chính là nền tảng cho các chiến lược khác. Chiến lược đã đề ra một số chương trình, đề án ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2011-2015 như: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, xây dựng kế hoạch mở rộng cho giai đoạn 2016-2025;

Chương trình Đồng bằng sông Cửu Long và Chương trình Đồng bằng sông Hồng về quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu; Đề án kiểm kê, giám sát phát thải khí nhà kính và quản lý các hoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Chương trình ứng phó với BĐKH cho các đô thị lớn của Việt Nam; Chương trình nâng cấp và cải tạo hệ thống đê biển, đê sông phù hợp với điều kiện BĐKH và nước biển dâng…

Tuy nhiên việc chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phải trên cơ sở phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng; vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản; vừa bảo đảm toàn diện, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm; có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn; dựa vào nội lực là chính, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế. Bởi vì BĐKH là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại. Ứng phó với BĐKH phải được đặt trong mối quan hệ toàn cầu; không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững.

Phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với BĐKH, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm. Từ đó nhiệm vụ đặt ra đối với công tác bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hoà với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Là tỉnh nằm trong khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Trị được xác định là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH bởi địa hình đa dạng, có vùng đồi núi, đồng bằng, bờ biển, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều trận thiên tai nguy hiểm như lốc tố, lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất, đời sống của người dân, trong đó ảnh hưởng nhất vẫn là sản xuất nông nghiệp.

Những cơn bão, lũ hàng năm gây ngập úng lúa, hoa màu, làm hư hại công trình nhà ở, hệ thống công trình thủy lợi, làm thất thoát vật nuôi thủy sản, làm gãy đổ các loại cây trồng cao su, hồ tiêu. Vào mùa hè, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra hạn hán, nước biển ngày càng xâm nhập sâu vào hệ thống sông ngòi ảnh hưởng đến việc canh tác nông nghiệp, làm giảm năng suất nhiều loại cây trồng. Mùa mưa, nước lũ đã gây nên hiện tượng sạt lở bờ sông, làm mất đi nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất của nhân dân ở các vùng đất ven sông...

Ngoài tác động của thiên tai, thì những tác động tiêu cực đến môi trường do con người gây ra như tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác cát sạn trái phép ở các sông làm biến đổi dòng chảy gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến khả năng điều tiết nguồn nước; các nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn chưa tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xả các chất thải chưa qua xử lý ra môi trường gây tình trạng ô nhiễm môi trường...

Theo dự báo của ngành Tài nguyên-Môi trường, từ nay đến năm 2050, 2100, tỉnh Quảng Trị sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, nhiệt độ trung bình, lượng mưa trung bình sẽ tăng lên; mực nước biển sẽ dâng lên gây ngập một số diện tích vùng đồng bằng ven biển; thiên tai, khí hậu cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn, tác động xấu đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Do đó ngay từ bây giờ phải có biện pháp để thích ứng với BĐKH. Hiện nay các kịch bản đang được ngành chức năng đề ra để dự báo tác động của BĐKH đối với các ngành, lĩnh vực. Từ đó đưa ra kế hoạch hành động theo lộ trình thích hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Một thực tế đáng ghi nhận là trong những năm qua, với sự hỗ trợ của các dự án trong nước, các tổ chức quốc tế, nhiều địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm phù hợp thích ứng với BĐKH. Đó là đã triển khai dự án cải tạo vùng cát, tạo nên những làng sinh thái ở vùng đồng bằng ven biển, được phủ xanh màu xanh của rừng trồng, của các loại hoa màu có giá trị kinh tế như vùng cát Hải Lăng, Triệu Phong và mô hình trồng lúa trên ruộng cát ở Gio Linh.

Bên cạnh đó là những khu rừng ngập mặn ven biển Triệu Phong, Gio Linh được bảo vệ bằng các quy ước, hương ước làng xã, bước đầu đã cải tạo được môi sinh, môi trường. Ngoài ra còn tạo điều kiện cho nguồn lợi tôm cá tự nhiên đa dạng trở về sinh sống. Ở vùng rừng đầu nguồn, bên cạnh việc giao đất giao rừng cho hộ dân chăm sóc, bảo vệ, Công ty Thủy điện Quảng Trị là đơn vị tiên phong trong việc trả phí môi trường cho các đơn vị có diện tích rừng trên địa bàn.

Các địa phương như Hướng Hóa, Đakrông được sự tài trợ của các dự án, người dân đã ý thức được việc bảo vệ rừng, trồng thêm các loại cây có giá trị dưới tán rừng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho dân và có tác dụng bảo vệ môi trường...

Đây được coi là bước đi phù hợp hướng tới những giải pháp bài bản để ứng phó với BĐKH, bảo vệ tài nguyên, môi trường trong dài hạn, phù hợp với lộ trình chủ động ứng phó với BĐKH của cả nước theo mục tiêu đề ra đến năm 2020, Việt Nam chủ động trong thích ứng với BĐKH, phòng chống giảm nhẹ thiên tai; kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm đảm bảo chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

Để chủ động ứng phó với BĐKH, các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường trong các cấp, các ngành và trong nhân dân. Cùng với công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với BĐKH, cần tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đề cao công tác bảo vệ môi trường theo phương châm lấy phòng ngừa là chính, đi đôi với kiểm soát, xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, sử dụng tiết kiệm tài nguyên; chú trọng cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm bảo vệ môi trường một cách bền vững.


Có thể bạn quan tâm

phe-duyet-quy-hoach-tong-the-khu-va-vung-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao Phê duyệt Quy hoạch tổng… mot-ngay-ra-bien-cua-ngu-dan Một ngày ra biển của…