Mô hình kinh tế Chuyện vượt khó, làm giàu của thanh niên miền núi Ba Vì

Chuyện vượt khó, làm giàu của thanh niên miền núi Ba Vì

Tác giả TX, ngày đăng 28/06/2022

Đặc biệt, nhiều tấm gương sáng là thanh niên dân tộc Mường, Dao ở 7 xã vùng núi của huyện Ba Vì. Họ, với những mô hình kinh tế hiệu quả đã giúp tạo việc làm ổn định cho gia đình và cộng đồng, có thu nhập cao, góp phần hạn chế, ngăn chặn phát sinh tệ nạn xã hội.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

12h trưa, sau khi hoàn thành công việc của Đoàn xã, anh Bùi Thanh Hải, người dân tộc Mường ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì) lại tất tả đi về trang trại chăn nuôi, nơi đàn lợn, đàn gà đang chờ đến bữa. Ai từng đến trang trại của gia đình anh Hải sẽ thấy khuôn viên, chuồng trại được giữ sạch, gọn gàng, đàn lợn trong chuồng béo tròn, đàn gà hàng nghìn con đang mải miết ăn...

Sau 3 năm miệt mài đi các nơi "tìm thầy" để học cách chăn nuôi lợn gà, năm 2017, anh Hải chính thức khởi nghiệp bằng 300 triệu đồng, mua 100 con lợn, 2.000 con gà giống. Cũng từ đó, công việc chăn nuôi dần ổn định, phát triển. Đến nay, đàn lợn đã tăng lên 200 - 300 con, đàn gà 6.000 con. Tổng vốn đầu tư cơ sở vật chất chuồng trại, thức ăn, con giống của gia đình anh Hải lên đến 2,5 tỷ đồng, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

Hằng năm, Đoàn xã Ba Trại phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều buổi tập huấn về phát triển kinh tế như phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gà; đưa đoàn viên, thanh niên đi tham quan những mô hình làm kinh tế giỏi ở huyện và khu vực lân cận. Anh Hải cũng tích cực tham gia các buổi tập huấn để tiếp thu thêm kiến thức. Các buổi tập huấn hiệu quả này đã giúp anh Hải và nhiều hộ chăn nuôi khác hiểu rõ hơn về cách phòng, chống, chữa bệnh cho gà, lợn, bò... “Nhờ nắm bắt kiến thức về chăn nuôi nên năm 2020, khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi và cúm gà, tôi đều có biện pháp phòng chống tốt nên vật nuôi của gia đình không nhiễm dịch. Dự kiến thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng chuồng trại, nuôi thêm đàn lợn nái để sản xuất lợn giống và lợn thương phẩm với số vốn khoảng 1 tỷ đồng” - anh Hải phấn khởi chia sẻ.

Theo Bí thư Đoàn xã Ba Trại Doãn Hữu Thành, toàn xã có hơn 200 đoàn viên, thanh niên, chủ yếu đi lao động tại các xưởng sản xuất, mộc, xây dựng... Còn khoảng 40% số thanh niên đang làm kinh tế với hình thức chăn nuôi bò sữa, lợn, gà, trồng cây chè, bưởi... tại địa phương. “Những trường hợp làm kinh tế giỏi như Bùi Thanh Hải được nhiều đoàn viên, thanh niên ở các xã trong huyện như Tản Lĩnh, Minh Quang đến học hỏi kinh nghiệm” - Bí thư Đoàn xã Ba Trại Doãn Hữu Thành chia sẻ thêm.

Với mô hình chăn nuôi gà công nghiệp - gà trắng, lên tới hơn 10.000 con, anh Man Văn Thái ở thôn Choóng, người dân tộc Mường ở xã Yên Bài (huyện Ba Vì) cũng đang là tấm gương sáng để nhiều đoàn viên, thanh niên địa phương học tập. Anh Thái cho biết, gia đình phối hợp với một công ty chăn nuôi, nên chủ yếu chỉ bỏ vốn đầu tư chuồng trại và thêm 1.500 - 2.000 con gà/lứa, còn công ty đầu tư 8.000 con giống/lứa, thức ăn và bao tiêu gà thương phẩm. Theo anh Thái, đây là một mô hình hợp tác sản xuất kinh doanh khá hiệu quả và người chăn nuôi không phải lo tìm đầu ra cho gà thương phẩm, giá cả lại ổn định.

Theo Bí thư Đoàn xã Yên Bài Nguyễn Văn Luân, trên địa bàn xã hiện có 5 mô hình trang trại chăn nuôi gà và các mô hình chăn nuôi đà điểu, bò sữa, lợn, trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh, cây chè... của các đoàn viên, thanh niên, cho doanh thu từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng/năm.

Không chỉ phát triển kinh tế trang trại, nhiều đoàn viên, thanh niên ở huyện Ba Vì còn khởi nghiệp bằng các ngành nghề khác, đơn cử như đoàn viên Nguyễn An Công ở xã miền núi Khánh Thượng với mô hình kinh doanh xe đạp, xe máy điện kết hợp kinh doanh hàng tiêu dùng, vốn khởi nghiệp khoảng 200 triệu đồng. Hiện cửa hàng của anh Nguyễn An Công tạo việc làm cho 3 - 5 lao động với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm...

Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp sáng tạo

Hiện nay, nhiều cán bộ Đoàn xã trên địa bàn huyện Ba Vì thường xuyên giới thiệu cho các đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là những thanh niên ở 7 xã miền núi của huyện, tham gia những lớp tập huấn của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hợp tác xã nông nghiệp của địa phương để tìm hiểu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển nghề phụ... Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất được các cơ sở Đoàn đặc biệt chú trọng.

Bí thư Đoàn xã Ba Trại Doãn Hữu Thành cho biết thêm: Đoàn xã Ba Trại đang duy trì 1 tổ Tiết kiệm vốn vay với nguồn vốn từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì để hỗ trợ đoàn viên vay vốn, giải quyết việc làm tại địa phương. Hiện, tổng dư nợ do tổ chức Đoàn quản lý đạt hơn 2 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được các đoàn viên, thanh niên xã Ba Trại sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao và nhiều đoàn viên đang nỗ lực vươn lên làm giàu.

Theo Bí thư Huyện đoàn Ba Vì Triệu Sinh Tuyển, địa bàn huyện hiện có 132 mô hình kinh tế của các đoàn viên, thanh niên, tập trung vào những lĩnh vực vườn ao chuồng, nuôi ong lấy mật, trang trại chăn nuôi lợn, gà, bò thịt, giun trùn quế, ếch thương phẩm... Đáng nói, có nhiều mô hình của các đoàn viên, thanh niên người dân tộc thiểu số ở các xã miền núi đang cho hiệu quả khả quan, thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

Đó là mô hình trồng bưởi Diễn của anh Nguyễn Văn Hoàng (xã Khánh Thượng), anh Phùng Văn Tuấn (xã Ba Trại); mô hình nuôi đà điểu của anh Nguyễn Tuấn Anh, mô hình kinh doanh du lịch Homestay Thung lũng bản Xôi của chị Hoàng Thị Ánh (xã Yên Bài); mô hình chăn nuôi lợn, gà của đoàn viên Bùi Thanh Hải (xã Ba Trại)... Nhiều mô hình đã giúp giải quyết việc làm cho 10 - 15 lao động với thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, Huyện đoàn Ba Vì cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc thực hiện các dự án cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn... nhằm kịp thời hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập ổn định. Tính từ năm 2017 đến nay, Huyện đoàn Ba Vì đã giúp hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên được vay vốn để phát triển kinh tế, có việc làm, góp phần ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Đồng thời, Huyện đoàn tiếp tục duy trì thường xuyên 6 dự án vay vốn theo dự án Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn với tổng số vốn vay 660 triệu đồng và 13 tổ tiết kiệm vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp gần 500 đoàn viên, thanh niên vay với tổng số vốn hơn 22,35 tỷ đồng.

“Thời gian tới, Huyện đoàn Ba Vì tập trung xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác xã thanh niên tại từng địa phương nhằm phát huy lợi thế của từng vùng, nhất là ở các xã vùng núi có thanh niên dân tộc thiểu số Mường, Dao. Điển hình như mô hình trồng và chế biến chè sạch tại xã Ba Trại; trồng, chế biến cây dược liệu ở xã người Dao Ba Vì...; tiếp tục phát triển các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, lợn, gà, mở cửa hàng kinh doanh...” - Bí thư Huyện đoàn Ba Vì Triệu Sinh Tuyển nhấn mạnh./.


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-mo-hinh-chuyen-doi-cay-lua-kem-hieu-qua-sang-trong-cay-mau Hiệu quả mô hình chuyển… chang-trai-8x-nghe-an-khoi-nghiep-voi-cay-rau-chiu-man Chàng trai 8X Nghệ An…