Mô hình kinh tế Có một Thủ đô ăn gà lông

Có một Thủ đô ăn gà lông

Ngày đăng 22/11/2015

Gia cầm sống vẫn bán tại nội thành Hà Nội dù có lệnh cấm

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Câu ca trên nhằm nói đến nét thanh tao của người dân Hà Nội ngàn năm văn hiến trong trang phục, giao tiếp và đặc biệt là ăn uống.

Song, có một thói quen của người dân Thủ đô là ăn thịt gà lông rất cần thay đổi để phù hợp với xu thế.

Bán mọi chỗ, mọi nơi

Không dễ gì bằng việc đi mua gà lông tại nội thành Hà Nội, người tiêu dùng có thể mua tại một khu chợ cóc, chợ tạm, bãi đất trống ven đường, con ngõ nhỏ được tận dụng, khoảng trống giữa hai tòa nhà tập thể cũ hay thậm chí ngay trong các chợ truyền thống.

Khảo sát quanh khu vực phường Kim Liên, quận Đống Đa một buổi sáng giữa tháng 11/2015, chúng tôi nhận thấy có gần chục điểm bán gà lông màu.

Hình ảnh quen thuộc là những lồng sắt nhốt trên dưới 10 con gà, bên cạnh là cái bếp than tổ ong.

Khách hàng sau khi xem chân, vạch bụng, sờ diều thấy ưng ý, người bán gà sẽ tiến hành cắt tiết, vặt lông, làm lòng ngay tại chỗ trong một không gian không thể chật hẹp và mất vệ sinh hơn.

Sau đó, ngoài tiền gà người mua trả thêm 10 - 20 nghìn đồng công làm thịt là có gà tươi nguyên con mang về chế biến.

Theo chia sẻ của các lái buôn, từ chiều hôm trước họ đến tận các trại bắt gà để sáng hôm sau đem bán nên giá khá phải chăng.

Bên cạnh đó, cũng có những người đến các chợ gia cầm đầu mối như Hà Vĩ, Hà Đông, Bắc Thăng Long mua lại từ cánh bán buôn mang tới bán lẻ ở chợ cóc hay chợ truyền thống.

Nhìn chung, theo chia sẻ của dân bán lẻ gà lông, chỉ khi nào lấn chiếm lòng đường, vỉa hè họ mới bị đuổi còn bán tại các chợ truyền thống hay chợ có hầu như không vấn đề gì.

Về phía người tiêu dùng, do thói quen, đặc biệt là truyền thống văn hóa cúng gà nguyên con nên kiểu gì cũng phải mua bằng được con gà tươi để thắp hương ông bà tổ tiên chứ không mấy ai dùng gà đông lạnh đặt lên bàn thờ.

Hơn nữa, người dân mình vẫn có tâm lí thích ăn thịt tươi hơn thịt cấp đông nên mua gà lông còn sống tạo cảm giác yên tâm hơn so với gà đã làm thịt sẵn.

Thực tế, văn hóa ăn gà lông không chỉ hằn sâu trong nếp nghĩ của người dân Thủ đô Hà Nội mà còn du nhập theo kiều bào sang tận các quốc gia phát triển.

Trong hành trang, ký ức của những Việt kiều ăn Tết xa quê không bao giờ thiếu câu chuyện mỗi dịp đến ngày giỗ hay Tết cổ truyền phải lặn lội hàng chục, thậm chí hàng trăm kilomet tới tận các trang trại nuôi gà bên Mỹ, Nhật Bản, EU để mua bằng được con gà sống có đủ đầu, chân, lòng mề về làm lễ cúng gia tiên.

Qua đó mới thấy, để cấm người dân Thủ đô ăn gà lông không hề đơn giản một chút nào.

Nên cấm hay quản?

Quay trở lại câu chuyện quản lí nhà nước, nếu như con gà công nghiệp lông trắng việc giết mổ tập trung đã tương đối ổn định bởi đặc thù sản phẩm này hướng đến các bếp ăn công nghiệp quy mô lớn và ngành chế biến thực phẩm thì bài toán quản lí, kiểm soát giết mổ đảm bảo ATVSTP với sản phẩm gà lông màu truyền thống hiện chưa có lời giải.

Theo ông Đỗ Phú Sơn - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội: Hà Nội đã cấm buôn bán, giết mổ gia cầm sống trong các quận nội thành từ nhiều năm nay, song thực tế có cấm được hay không ai cũng rõ.

Ông Sơn cho biết, bản thân Chi cục Thú y Hà Nội cũng chỉ phối hợp kiểm tra, kiểm dịch chứ còn việc xử lí, xử phạt lại do các cơ quan chức năng của thành phố chịu trách nhiệm.

Đúng như lời giãi bày của ông Sơn, một khi nhu cầu đang rất lớn mà lợi nhuận từ giết mổ lại cao, dù cấm kiểu gì người dân họ vẫn sẽ lách được.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Giám đốc Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) Tôn Thất Sơn Phong cho rằng, không phải mô hình nào ở nước ngoài cũng có thể áp dụng tại Việt Nam.

Ngay như LIFSAP khi triển khai các chương trình hỗ trợ cũng phải vận dụng rất linh hoạt mới đáp ứng được tiến độ, yêu cầu công việc, bởi nếu cứ chiếu theo các quy định hiện hành cứng nhắc gần như không thể thực hiện.

Với giết mổ gia cầm sống, ông Phong cho biết cả Hà Nội và TP.HCM đều cấm buôn bán trong nội thành, song có vẻ TP.HCM làm tốt hơn.

TP.HCM có quy định gia súc gia cầm vào thành phố chỉ được đi theo duy nhất một tuyến đường nên dễ bề kiểm soát.

Hơn nữa, văn hóa thói quen người dân Nam bộ không cúng gà nguyên con như Bắc bộ mà cúng thịt kho hột vịt nên gà thịt rồi hay chưa không quá quan trọng.

Nhưng theo ông Phong, quan trọng nhất vẫn là con người và bộ máy.

Nói gì thì nói phải thừa nhận chính quyền, lãnh đạo trong TP.HCM họ làm tích cực và quyết liệt hơn ngoài Hà Nội.

Chính vì vậy, đến thời điểm này TP.HCM cơ bản không còn giết mổ gia cầm sống trong nội thành.

Tuy nhiên, ông Tôn Thất Sơn Phong cũng khẳng định, khó có thể dùng mệnh lệnh hành chính để cấm buôn bán gà lông tại Hà Nội được bởi đây là phong tục văn hóa đã theo người dân Bắc bộ từ hàng nghìn đời nay.

Hơn nữa, việc lúc cấm, lúc buông khiến giá cả phập phù, tiêu thụ SX khó khăn nên nguồn cung không ổn định, gây thiệt hại chung cho xã hội.

Vì vậy, ông Phong hiến kế có thể Hà Nội nên áp dụng mô hình mà Hồng Kông, Trung Quốc đang thực hiện để kiểm soát con gà lông màu hiện nay.

Đó là thay vì cấm thô bạo, chính quyền Hồng Kông quy hoạch và hình thành tại mỗi khu chợ, thậm chí là ngay trong một siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại một khu vực riêng biệt chuyên bán gà lông màu còn sống.

Qua đó, gà vận chuyển đến bằng phương tiện chuyên biệt, được nhốt trong các lồng kính.

Tại khu bán gà có hệ thống xử lí chất thải, xử lí mùi, khu giết mổ đảm bảo ATVSTP và kiểm soát dịch bệnh thú y.

Mỗi khi người dân có nhu cầu ăn gà tươi, thông qua hệ thống liên lạc bên ngoài sẽ chọn cụ thể một con gà đang nhốt trong lồng kính, sau đó nhân viên sẽ đem gà đi cân, giết thịt rồi giao cho khách hàng ngay sau đó.

Hà Nội có thể áp dụng mô hình Hồng Kông hay không?

Đem câu hỏi này đặt ra với ông Tôn Thất Sơn Phong - Giám đốc LIFSAP và ông Lại Phú Sơn - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội, cả hai ông đều cho biết rất muốn làm thí điểm.

Thực tế, hiện nay cũng có một số đơn vị tiến hành giết mổ gà lông màu truyền thống rồi đóng túi hút chân không đem bán, song nhìn trung qua khảo sát cho thấy sức tiêu thụ khá thấp do người tiêu dùng chủ yếu vẫn mua gà lông ngoài chợ.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội chia sẻ, hiện mỗi ngày đơn vị nhập khoảng 10 con gà đồi Yên Thế của Cty CP Giang Sơn (Bắc Giang), song chỉ bán được vài ba con, số còn lại chủ yếu đem tiêu thụ tại bếp ăn tập thể của siêu thị.

Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường chia sẻ: Thực trạng quản lí giết mổ gà lông màu tại Hà Nội trong những năm qua không hiệu quả, các ngành chức năng đều biết, song nói thật cũng chưa tìm ra được giải pháp tối ưu.

Với chức năng tham mưu cho Sở NN-PTNT trong lĩnh vực chăn nuôi, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đang tiến hành xây dựng một loạt mô hình HTX, hội chăn nuôi liên kết khép kín theo chuỗi như: Gà đồi Ba Vì, Gà đồi Sóc Sơn với mục đích cũng chính là kiểm soát giết mổ và truy xuất nguồn gốc gia cầm được tốt hơn.


Có thể bạn quan tâm

nang-suat-chat-luong-la-yeu-to-quyet-dinh Năng suất, chất lượng là… duoc-mat-chuyen-nuoi-lon-rung Được, mất chuyện nuôi lợn…