Mô hình kinh tế Con Tôm Càng Xanh Ngày Càng Tăng Giá Trị

Con Tôm Càng Xanh Ngày Càng Tăng Giá Trị

Ngày đăng 21/10/2012

Đồng Tháp là tỉnh có nhiều tiềm năng về kinh tế. Ngoài sản lượng lúa ổn định hàng năm trên 2,8 triệu tấn, thủy sản là thế mạnh thứ hai với chủ lực là con cá tra, mỗi năm xuất khẩu sản phẩm đông lạnh trên dưới 120.000 tấn. Những năm gần đây, con tôm càng xanh được lãnh đạo các địa phương quan tâm với mô hình nuôi trên ruộng lúa mùa nước nổi. Diện tích nuôi tôm ngày càng gia tăng. Giá trị kinh tế từ con tôm càng xanh ngày càng được khẳng định.

Đến thời điểm này, nói đến con tôm càng xanh, mọi người đều nhớ ngay đến Tam Nông. Và thực tế huyện Tam Nông đã trở thành “thủ phủ” của mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa mùa nước nổi đã trên dưới 7 năm liên tục. 
Từ 7 hộ nông dân vay vốn ngân hàng nuôi 23ha đạt lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng/ha năm 2005, năm 2006, số hộ nuôi tôm đã tăng lên 36 hộ với diện tích nuôi 143 ha, sản lượng trên 240 tấn tôm thương phẩm, trong đó trên 100 tấn tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Mùa nước năm 2007, toàn huyện thả nuôi gần 320 ha tôm. Sang năm 2008, tổng diện tích mặt nước nuôi tôm ở Tam Nông đã tăng lên trên 600 ha với 100 hộ nuôi, sản lượng đạt trên 1.100 tấn. Từ đó đến nay, mỗi năm, nông dân Tam Nông đều thả nuôi trên dưới 700ha với sản lượng từ 1.200 - 1.300 tấn tôm thương phẩm. 
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Hiền Sĩ, ngụ xã Phú Thọ nhớ lại: “Mùa nước năm 2005, tôi vay ngân hàng 800 triệu đồng, cải tạo 3,8 ha ruộng thả tôm. Sau 5 tháng nuôi, tôi thu được 1,7 tấn, bán được tổng cộng 255 triệu đồng, tính ra lời hơn 67 triệu đồng. Sang năm sau, tôi tiếp tục vay 1 tỷ đồng, nuôi 8ha tôm, cuối vụ thu được 16 tấn, bán được gần 1,5 tỷ đồng, lãi trên 600 triệu đồng”. 
Ông Nguyễn Văn Công - Bí thư huyện ủy Tam Nông cho biết, đích cuối cùng của dự án nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa là nâng diện tích toàn huyện lên 3.000ha. Từ khi bắt đầu triển khai dự án, các bước đi được tiến hành chặt chẽ theo mô hình một vụ lúa - một vụ tôm. “Đến bây giờ chúng tôi khẳng định rằng nuôi tôm trên ruộng lúa đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Với giá như hiện nay, bình quân 1 tấn tôm thương phẩm, người nuôi lời trung bình khoảng 60 triệu đồng. Qua đó cho thấy, chưa có trồng cây gì hay nuôi con gì trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà đem lại hiệu quả cao như vậy. Chưa kể một số công ăn việc làm phụ khác từ mô hình lúa - tôm này. Qua 5 năm triển khai dự án, việc nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đã trở thành thế mạnh, là thương hiệu, là ngành nghề bền vững để phát triển nông nghiệp ở Tam Nông”. 
Từ hiệu quả thực tế ở Tam Nông, hiện nay nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang triển khai thực hiện mô hình này với diện tích ngày càng tăng. 
Năm 2009, toàn huyện Lai Vung có trên 20 hộ thả nuôi tôm càng xanh trên 18 ha, với hơn 1 triệu con tôm giống, tập trung chủ yếu ở các xã: Long Hậu, Tân Phước, Tân Dương và thị trấn Lai Vung. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng hầu hết các hộ nuôi đều có lãi, lợi nhuận mỗi ha cũng đạt trên 20 triệu đồng/vụ. Ở huyện Cao Lãnh, diện tích nuôi tôm càng xanh tập trung chủ yếu ở xã Nhị Mỹ, với điện tích nuôi hàng năm gần 100 ha. Nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật và quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng... nên năng suất bình quân mỗi ha đạt khoảng 1,5 tấn, lợi nhuận tương đối cao từ 80 - 90 triệu đồng/ha.

Nông dân trong vùng dự án xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò hàng năm thả nuôi với diện tích 200 ha tôm. Các vùng ngoài dự án, nông dân cũng đã bắt đầu chuyển dịch sang mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. Năm 2010 là năm thứ hai huyện Hồng Ngự thực hiện nuôi tôm trên ruộng, với diện tích 24 ha. Trong đó, xã Thường Thới Hậu B chiếm hơn 1/2 diện tích thả nuôi. Trong vụ nuôi năm nay, nông dân thị xã Hồng Ngự cũng đã thả nuôi khoảng 160 ha tôm. Trong đó, nhiều nhất là xã Bình Thạnh với khoảng 115 ha.

Một số vấn đề đặt ra

Hiệu quả thực tế từ mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa mùa nước nổi đã thấy rõ: Rất nhiều nông dân trở nên khá giàu, có người trở thành tỷ phú nhờ nuôi tôm càng xanh. Giá trị kinh tế từ con tôm càng xanh đã được khẳng định... tuy nhiên việc gia tăng diện tích nuôi “ngoài kiểm soát” như hiện nay là rất đáng lo ngại. 
Đã một thời gian dài, nông dân Đồng Tháp, nhất là những vùng có đê bao bảo vệ lúa ăn chắc gần như vắt kiệt độ màu mỡ của đất bằng việc liên tục trồng lúa, không cho đất được nghỉ ngơi, được bổ sung phù sa. Có nơi nông dân canh tác 2 năm tới 7 vụ lúa. Cách làm này đã bộc phát dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và nhiều hậu quả khác. Thấy được hậu quả nên lãnh đạo địa phương đã giảm dần diện tích trồng lúa, chuyển sang một số loại cây trồng, vật nuôi khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 
Sau cây lúa, thủy sản là thế mạnh thứ hai của Đồng Tháp, diện tích mặt nước hiện có khả năng nuôi đạt gần 6.000 ha. Tuy nhiên, một thời gian dài người dân chỉ chú trọng đặc biệt đến con cá tra. Và cũng chính vì gia tăng diện tích nuôi một cách tự phát, không kiểm soát được mà cho đến nay, cả người nuôi và một số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu từ con cá tra đã và đang đứng trước nhiều khó khăn. 
Trở lại con tôm càng xanh. Nếu như năm 2005 diện tích nuôi tôm càng xanh toàn tỉnh Đồng Tháp chỉ trên dưới 20 ha, thì đến năm 2010 diện tích nuôi tôm đã tăng lên 1.185 ha, với sản lượng trên 2.000 tấn. Lợi nhuận của mô hình lúa - tôm này thấp nhất là 40 triệu đồng/ha/vụ, trong khi lợi nhuận 3 vụ lúa chưa được phân nửa. Chính đều này là “liều thuốc kích thích” cho tình trạng gia tăng diện tích nuôi tự phát và đột biến, chưa kiểm soát được như hiện nay. Trao đổi với chúng tôi, đa số các nhà khoa học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản đều cho rằng: “Một khi diện tích nuôi cứ tiếp tục gia tăng không kiểm soát được thì viễn cảnh của con tôm càng xanh chắc chắn sẽ giống như con cá tra mà thôi”... 
Từ khi UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển tôm càng xanh đến năm 2020 lấy mô hình “1 vụ tôm - 1 vụ lúa” làm mô hình nhân rộng để khai thác tốt tiềm năng mùa nước nổi và giải quyết việc làm cho người dân vùng nông thôn, lãnh đạo tỉnh đã xem tôm càng xanh là một trong những mặt hàng chiến lược xuất khẩu rất tiềm năng trong tương lai sau con cá tra và cá ba sa để đẩy mạnh đầu tư phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển vùng nuôi phải theo hướng an toàn, bền vững, chú trọng đến các vấn đề an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. 
Để đạt được chỉ tiêu đến năm 2015 diện tích nuôi 4.000 ha, sản lượng 6.400 tấn và đến năm 2020 diện tích nuôi tăng lên 6.000 ha, sản lượng 9.600 tấn và đảm bảo chất lượng tôm thương phẩm, ngoài các yếu tố kỹ thuật nuôi, nguồn thức ăn, thuốc chữa bệnh... một vấn đề lớn cần đặt ra là về vấn đề con giống, cụ thể là chất lượng con giống. 
Đã một thời gian tôm càng xanh giống có nguồn gốc từ Trung Quốc được vận chuyển, buôn bán tràn lan ở các tỉnh ĐBSCL. Theo một số nhà khoa học về nuôi trồng thủy sản, tuy có vẻ ngoài đẹp nhưng do không thích hợp với điều kiện khí hậu, môi trường nên tôm càng xanh giống Trung Quốc đạt tỷ lệ sống rất thấp, chậm lớn, kéo dài thời gian nuôi, giá bán rất thấp. Thậm chí có nhiều cơ sở sản xuất tôm giống tại Bạc Liêu, Cần Thơ đã nhập con giống từ Trung Quốc về ươm sau đó bán lại cho dân nói là tôm càng xanh được sản xuất ở địa phương, khiến nhiều người nuôi bị lừa. 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 25 cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh. Nếu tính theo thể tích bể ươm hiện có thì các cơ sở này đủ năng lực sản xuất để phục vụ nhu cầu tôm giống trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do thời vụ thả nuôi tập trung nên các cơ sở này không đủ khả năng cung ứng con giống cùng lúc cho các hộ nuôi. Hơn nữa, đa số hộ nuôi trong tỉnh chưa có thói quen đến ký hợp đồng mua con giống nên các cơ sở này chưa chủ động trong sản xuất. Chính vì vậy, có khoảng 60% số hộ nuôi đã mua con giống ở các cơ sở ngoài tỉnh, mà chủ yếu là tôm giống được nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo ngành chức năng, đây cũng là nguyên nhân làm cho đa số hộ nuôi tôm càng xanh thua lỗ nặng trong vụ nuôi 2008 vừa qua. 
Đến nay, con tôm càng xanh ở Đồng Tháp đang được nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu quan tâm, tìm đến như Công ty CP Đầu tư thương mại Thủy sản Incomfish và Công ty CP Thương mại Thủy sản Á Châu - Acomfish để bàn phương án ký kết, tiêu thụ. Đây là tín hiệu vui cho người nuôi tôm Đồng Tháp. Một số cơ sở sản xuất con giống trong tỉnh cũng đã có khả năng sản xuất tôm giống toàn đực, vừa rút ngắn thời gian nuôi, giống tôm đơn tính toàn đực này rất dễ nuôi, ít bị bệnh, không phải thu tỉa tôm trứng nên tôm phát triển đều, tỷ lệ tôm thương phẩm đạt loại I, loại II rất cao. Vấn đề phải giải quyết trước mắt về con giống là cần thực hiện xã hội hóa công tác sản xuất giống nông hộ cho dân nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng con giống đảm bảo chất lượng, giảm tối đa rủi ro do con giống trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc. 
Con tôm càng xanh hiện đang khẳng định giá trị kinh tế. Một vấn đề cũng cần quan tâm đầu tư là các vùng nuôi thủy sản tập trung quy hoạch phải thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc hội nghề nghiệp nhằm nâng cao vai trò, hoạt động của các tổ chức kinh tế này, hỗ trợ việc liên minh sản xuất, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sự ổn định trong quá trình sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

day-manh-phat-trien-dan-lon-nai-mong-cai-o-bach-thong-bac-kan Đẩy Mạnh Phát Triển Đàn… thanh-long-xuat-khau-co-gia-cao Thanh Long Xuất Khẩu Có…