Tin nông nghiệp Công nghệ tưới hơn cả Israel cho vùng cao Sông Mã

Công nghệ tưới hơn cả Israel cho vùng cao Sông Mã

Tác giả Kiều Thiện, ngày đăng 21/08/2016

Cải tiến để phù hợp hơn

Dù đã rời vị trí Trạm trưởng Trạm khuyến nông sang làm Chánh văn phòng UBND huyện Sông Mã nhưng kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Tiến Hải vẫn đau đáu với những ý tưởng mình theo đuổi bấy lâu nay.

“Nhiều năm gắn bó với vùng cao này, tôi biết bà con nông dân đang phải vật lộn với những khó khăn để mưu sinh, bứt phá.

Nhưng với nông nghiệp Sông Mã, muốn bứt phá là không đơn giản bởi một nguyên nhân rất cơ bản: Thiếu nguồn nước tưới chủ động” – anh Hải tâm sự.

Bà Lê Thị Yến (phải) - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã thăm và trao đổi kinh nghiệm hoàn thiện hệ thống tưới ẩm công nghệ cao theo đề án của kỹ sư Nguyễn Tiến Hải đang ứng dụng tại một vườn xoài ở xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, Sơn La.

ảnh: K.T

Quả thật, dù là địa bàn nông dân rất năng động, lại có dòng sông Mã và nhiều con suối chạy dọc, ngang nhưng với địa hình bị chia cắt dữ dội bởi những triển núi cao, độ dốc lớn nên nguồn nước tưới chủ động cho sản xuất ở huyện Sông Mã từ bao đời qua vẫn là những khao khát với nông dân nghèo.

Với những vùng thấp có thể sản xuất lúa ruộng thì huyện Sông Mã đã đầu tư hệ thống kênh mương tưới tiêu khá hoàn thiện, nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được nhu cầu nước sản xuất của gần 2.000ha lúa và rau.

"Với vùng cao nhiều khó khăn về nguồn nước tưới như huyện Sông Mã thì đề án tưới ẩm bằng công nghệ cao của kỹ sư Nguyễn Tiến Hải là rất đáng trân trọng.

Chúng tôi đang cùng các ngành chức năng nghiên cứu, thử nghiệm và sẽ đưa vào ứng dụng để góp phần tháo gỡ khó khăn, thêm điều kiện thuận lợi cho nông dân bứt phá, xóa nghèo, làm giàu”.

 

Bà Lê Thị Yến - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã

“Còn hàng ngàn ha trang trại cây ăn quả - nguồn thu lớn nhất của nông dân Sông Mã thì đang gặp khó khăn về nước tưới.

Thiếu nước thì cây không chỉ cho năng suất thấp, chất lượng kém mà còn dễ sinh ra sâu, bệnh và nhiều thiệt hại khác.

Điều ấy thôi thúc tôi tìm tòi những giải pháp hữu hiệu.

Từ cuối năm 2015, sau khi nghiên cứu công nghệ tưới ẩm tiết kiệm nước của Israel, tôi đã nghĩ tới một hướng đi mới phù hợp hơn với điều kiện thổ nhưỡng, kinh tế và những tiến bộ xã hội khác ở vùng cao” – anh Hải kể.

Để thực hiện được ước vọng mình, anh Hải đã thu hút một số kỹ sư chế tạo trong lĩnh vực tin học, nông-lâm nghiệp và đầu tư thời gian, công sức, vật chất để làm thí nghiệm.

“Cũng may có những người bạn còn dám cho tôi mượn cả trang trại của mình để thực nghiệm.

Nhờ vậy, tôi đã thành công hơn cả mong muốn.

Bây giờ, công nghệ này hoàn toàn có thể mang ra ứng dụng với giá thành chỉ khoảng 50 triệu đồng/ha, phù hợp với điều kiện kinh tế còn khó khăn của nông dân vùng cao”.

Khát vọng của nhiều người

Cùng các lãnh đạo UBND huyện Sông Mã đến thăm mô hình tưới ẩm công nghệ cao của anh Hải được ứng dụng trên trang trại trồng xoài của ông Nguyễn Chiến Thắng ở bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu, phóng viên NTNN thấy rằng đó là một sáng kiến hợp lý với điều kiện vùng cao.

Kỹ sư Vũ Văn Thắng - người trực tiếp tham gia hoàn thiện đề tài, cho biết: Theo yêu cầu của chủ nhiệm đề tài Nguyễn Tiến Hải, chúng tôi bám sát các tiêu chí: Tiết kiệm, hiệu quả và đặc biệt là thuận tiện, phù hợp với điều kiện dân trí và địa chất, thổ nhưỡng vùng cao.

Vì thế, hệ thống tưới ẩm này có nguồn lấy nước rất linh động: Có thể dùng từ sông, suối bơm lên; có thể dùng từ giếng khoan hoặc ao hồ, bể chứa.

Nếu có nguồn nước cao, áp lực lớn thì sẽ tiết kiệm được nguồn điện.

Hệ thống này thân thiện với môi trường bởi nó vừa tạo hiệu quả tưới ẩm cho cây trồng vừa tiết kiệm nguồn nước.

Kỹ sư Thắng cho phân tích: Việc xây dựng hệ thống ống dẫn và các đầu píp phun nước được sử dụng vật liệu trong nước nên rất tiết kiệm chi phí.

Hệ thống này sẽ được tích hợp với đầu máy tính và điện thoại.

Khi chủ nhân vắng nhà nhiều ngày vẫn có thể điều khiển từ xa để tưới ẩm cho cây với sự phân chia nguồn nước hợp lý.

Hệ thống này cũng dùng để bón phân (loại hòa tan) cho cây nếu ta thay nguồn nước bằng một bình (hoặc bể) chứa hỗn hợp phân bón đã hòa tan.

Anh Hải cho hay, một hệ thống như thế này chỉ dao động trong khoảng 50-60 triệu đồng, tùy thuộc vào mật độ cây trồng.

Nếu là xoài, nhãn thì giá thành sẽ giảm hơn vì mật độ cây ít hơn.

Với cây cà phê và những loài cây mật độ dày thì giá thành sẽ nhỉnh hơn chút ít.

Bất cứ ai lắp đặt hệ thống này, chỉ cần sau nửa tiếng hướng dẫn và học hỏi là có thể điều hành hệ thống bằng điện thoại…

Quan sát khu vườn của ông Thắng và những khu vườn lân cận, thấy rằng những nương vườn bên cạnh không có hệ thống tưới ẩm nên cây cối khô cằn, phát triển kém hơn.

Một số diện tích ngô trồng quanh vùng đã héo bạc lá do thiếu nước tới.

Còn trong vườn của ông Thắng, những cây xoài mới chỉ hơn 2 tuổi đã cao hơn đầu người.

“Đó là nhờ 8 tháng vừa qua cây được tưới ẩm, bón phân đầu nên phát triển rất tốt.

Sang năm, vườn xoài này sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên” – kỹ sư Thắng nói.


Có thể bạn quan tâm

chuoi-tay-tren-dat-doi-can-de-trong-ma-lai-cao Chuối tây trên đất đồi… trong-cay-an-trai-an-la-tren-bai-rac Trồng cây ăn trái, ăn…