Tin thủy sản Đã đến lúc nghĩ về phục hồi môi trường nuôi tôm, cá

Đã đến lúc nghĩ về phục hồi môi trường nuôi tôm, cá

Tác giả Hồng Thắm, ngày đăng 16/12/2024

Ngành nông nghiệp đang đi phục hồi dinh dưỡng đất; thủy sản cũng đã bắt đầu đến lúc nghĩ về phục hồi môi trường nuôi, Cục trưởng Trần Đình Luân nói.

Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức Hội nghị bàn giải pháp triển khai kế hoạch 2025 và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện quản lý tàu cá, khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết, hiện nay công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) tại nhiều địa phương đã có những chuyển biến rõ rệt, nhất là trong quản lý đội tàu và xử lý các hành vi vi phạm. Nhiều địa phương đã tích cực hỗ trợ ngư dân hoàn thiện thủ tục, giấy tờ, chuyển đổi số, tích hợp công nghệ để truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác…

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) đánh giá, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trong năm 2024 dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt là thiệt hại sau cơn bão số 3 (bão Yagi), nhưng vẫn đạt được một số kết quả tích cực.

Cụ thể, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2024 ước đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,5 triệu m³ lồng nuôi biển; tổng sản lượng ước đạt gần 5,4 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2023.

Theo đó, năm 2025, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tiếp tục đặt mục tiêu tổng diện tích đạt 1,3 triệu ha, giữ ổn định so với năm 2024; trong đó diện tích nuôi nước ngọt 380.000ha, diện tích nuôi mặn, lợ 920.000 ha và 9,5 triệu m³ nuôi biển. Sản lượng thủy sản nuôi trồng sẽ đạt 5,96 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2024; trong đó sản lượng cá tra là 1,65 triệu tấn, tôm nước lợ 1,3 triệu tấn.

Ông Thế Anh cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức mà lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã phải đối mặt trong năm 2024 và sẽ còn phải tiếp tục gặp phải trong năm 2025. Một trong những vấn đề được nhấn mạnh chính là công tác quan trắc môi trường.

Đánh giá về diễn biến môi trường nuôi trường thủy sản hiện nay, ông Thế Anh nhận định, chất lượng môi trường nguồn nước cấp cho nuôi tôm nước lợ, cá tra, tôm hùm, nhuyễn thể có hiện tượng ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của thủy sản nuôi, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện bệnh.

Ông Thế Anh cũng chỉ ra 9 vấn đề hiện nay cần mà lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cần phải ưu tiên làm ngay. Một là phải chủ động hơn, nhanh nhạy hơn, kịp thời hơn để có thể bám sát thực tiễn nhằm giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng.

Hai là, chú trọng cơ sở hạ tầng, bởi hiện nay còn khá yếu, chưa đảm bảo, do đó hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ, quy trình, thiếu đồng bộ, dẫn đến hiệu suất và hiệu quả chưa cao.

Ba là, công tác kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, bao gồm cả vấn đề dịch bệnh, hiện chưa được đồng bộ, toàn diện; năng lực quản lý của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu so với tầm quan trọng của vật tư đầu vào trong sản xuất.

Bốn là, định hướng công nghệ nuôi chưa phù hợp trình độ kỹ thuật và quản lý, hiệu quả thấp.

Năm là, quan trắc môi trường còn hạn chế, cả về tài chính, thiết bị và con người. 

Sáu là, việc cấp mã số và giấy xác nhận đối với nuôi tôm nước lợ, nuôi biển, nuôi lồng bè đang triển khai còn chậm, cần được quan tâm hơn.

Bảy là, về vấn đề an toàn thực phẩm, việc cam kết, thẩm định, chứng nhận cam kết thực hiện và sử dụng hóa chất kháng sinh còn nhiều bất cập; đặc biệt là khâu kiểm tra và thực hiện sau cam kết, sau chứng nhận. 

Tám là, liên quan đến đầu ra, chất lượng sản phẩm thủy sản không đồng đều ở các nhà chế biến và xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cuối cùng, công tác quản lý và thực thi pháp luật đối với loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm và cá nước lạnh còn nhiều khó khăn. Công nghệ nuôi những đối tượng này chưa có sự đổi mới nên cần phải quan tâm hơn.

Nuôi cá nước lạnh có nhiều lợi thế để phát triển nhưng chưa đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh: HT.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, một số vấn đề cần đặt ra và phải tìm cách tháo gỡ ngay, đó là quản lý con giống phục vụ nuôi thủy sản; thức ăn được sản xuất ở các nhà máy đồng bằng rồi vận chuyển lên miền núi và các vùng khác thì có vướng gì về chất lượng, giá cả hay không…; câu chuyện cấp mã số vùng nuôi; những vướng mắc trong việc thực thi pháp luật; chú trọng đến an toàn thực phẩm; đặc biệt cần quan tâm đến môi trường nuôi…

Ngành nông nghiệp đang đi phục hồi dinh dưỡng đất; thủy sản cũng đã bắt đầu đến lúc nghĩ về phục hồi môi trường nuôi, môi trường suy thoái thì không thể nuôi được, Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Thủy sản cũng trăn trở câu chuyện đa dạng hóa đối tượng nuôi. “Nếu như chúng ta chỉ mãi trông chờ vào việc xuất khẩu những sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra thì rất áp lực, cần phải nghĩ rộng hơn, xa hơn. Tại sao không phải là những đối tượng nuôi giàu tiềm năng như cá rô phi, lươn, cá nước lạnh...?”, Cục trưởng Trần Đình Luân trăn trở.


Có thể bạn quan tâm

nghe-an-thu-hoach-hon-4-000-tan-tom-nuoc-lo Nghệ An thu hoạch hơn… xuat-khau-tom-trong-11-thang-dau-nam-mang-ve-gan-3-6-ty-usd Xuất khẩu tôm trong 11…