Tin thủy sản Đánh thức tiềm năng cá tra

Đánh thức tiềm năng cá tra

Tác giả NGÔ CHUẨN, ngày đăng 21/06/2016

Kỹ thuật tăng, công nghệ giỏi nhưng... diện tích giảm

Dành nhiều thời gian nghiên cứu về con cá tra, ThS. Trần Hoài Giang, Phân Viện trưởng Phân viện Quy hoạch thủy sản (QHTS) phía Nam, nhận thấy, từ năm 2008 đến nay, ngành cá tra gặp rất nhiều khó khăn. Tại An Giang, một trong những vùng trọng điểm nuôi cá tra của ĐBSCL, diện tích mặt nước nuôi cá tra giảm bình quân 11,6%/năm, từ 1.913 héc-ta mặt nước năm 2008 còn khoảng 912 héc-ta hiện nay.

Mặc dù vậy, sản lượng nuôi cá tra lại có mức sụt giảm thấp hơn với tốc độ 2,34%/năm. Điều này cho thấy trình độ chuyên môn của các cơ sở nuôi đã được nâng cao, năng suất từ 141 tấn/héc-ta (năm 2008) tăng lên 192 tấn/héc-ta (năm 2014).

An Giang hiện có 16 doanh nghiệp (DN) với 23 nhà máy chế biến cá tra, đạt tổng công suất thiết kế lên tới 320.000 tấn thành phẩm/năm. Trình độ công nghệ các nhà máy chế biến cá tra tương đối hiện đại, máy móc, thiết bị được lắp đặt đồng bộ, sản phẩm có thể cạnh tranh và xuất khẩu vào các thị trường khó tính, như: Mỹ, EU, Mexico, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Canada…

Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2008 đến nay, sản lượng chế biến cá tra lại liên tục giảm với mức bình quân 3,8%/năm. Hiện nay, sản lượng chế biến hàng năm chưa được một nửa so với công suất thiết kế của các nhà máy, khiến nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng.

Khó khăn của ngành cá tra khiến giá cá nguyên liệu có xu hướng giảm từ tháng 6-2009 đến nay. Mặc dù rào cản thuế quan dần được gỡ bỏ theo lộ trình hội nhập nhưng các nước dựng lên rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe, điển hình là việc kiểm soát dư lượng hóa chất và kháng sinh cấm, như: Chloramphenicol, Fluoroquinolones, Malachite Green, tạp chất... ngày càng nghiêm ngặt tại các thị trường nhập khẩu.

“Dù giá cá tra nguyên liệu thấp nhưng giá thức ăn lại tăng lên nên người nuôi không có lời. Diện tích nuôi giảm khiến nhu cầu về con giống cũng giảm theo. Thời gian qua, các trại sản xuất cá tra bột đều bị thua lỗ. Một số trại ít vốn đã bán đàn cá bố mẹ và ngưng hoạt động” – ThS. Giang nhận xét.

Tái cơ cấu theo hướng liên kết

Trước những khó khăn trên, ngày 2-6-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu đặt ra cho ngành hàng cá tra là phấn đấu đến năm 2020, phát triển 1.430 héc-ta liên kết tiêu thụ ổn định với DN, tập trung ở Long Xuyên, Thoại Sơn, Tân Châu, Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới và Phú Tân.

Các vùng chuyên canh nuôi cá tra này sẽ được tập trung ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất giống, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, quy cỡ sản phẩm, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế...

Tỉnh khuyến khích các cá nhân, tổ chức xây dựng trại sản xuất giống đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến, tuyển chọn giống cá tra cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và fillet. Đối với DN, tỉnh quy hoạch các cơ sở chế biến cá tra xuất khẩu có công suất phù hợp với sản lượng nuôi.

DN phải đầu tư công nghệ, đa dạng sản phẩm, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, đáp yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu. Về lâu dài, An Giang đề xuất các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ xây dựng “liên kết cấp vùng” để tiến đến quản lý số lượng, chất lượng cá tra và xây dựng thương hiệu cho cá tra Việt Nam, mang lại lợi ích cao nhất cho người nuôi và DN.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Trần Anh Thư cho biết, từ năm 2015, đơn vị đã phối hợp Phân viện QHTS phía Nam xây dựng quy hoạch chi tiết vùng nuôi, chế biến cá tra đến năm 2020 theo quyết định của UBND tỉnh.

Trên cơ sở vùng nuôi đã lựa chọn, tỉnh quy định chi tiết về tiêu chuẩn nuôi VietGAP, tiến hành cấp mã số nhận diện, giúp công tác quản lý hoạt động sản xuất, tiêu thụ cá tra sẽ dễ dàng và khoa học hơn.

Đối với lĩnh vực chế biến, tỉnh định hướng không gia tăng về công suất để tập trung vào đổi mới dây chuyền công nghệ của các nhà máy hiện có để đến năm 2020, tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng đạt từ 15-20% trên sản lượng 220.000 tấn thành phẩm.

Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư 5-7 nhà máy chế biến phụ phẩm cá tra để tận dụng nguồn nguyên liệu 264.000 tấn/năm, biến phụ phẩm thành những sản phẩm giá trị kinh tế rất cao, như: Dầu cá, bột cá, mỡ cá, gelatin, colagen...

Đối với dịch vụ hậu cần, An Giang phấn đấu nâng diện tích sản xuất và ương dưỡng giống cá tra đạt 475 héc-ta mặt nước vào năm 2020 (tăng 75 héc-ta so với hiện nay) để đáp ứng nhu cầu gần 738 triệu con giống theo quy hoạch.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu có 7 cơ sở tại Long Xuyên, Tân Châu, Chợ Mới, Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Phú và Châu Thành đạt công suất trung bình 50 triệu con cá bột/đợt/trại sản xuất vào năm 2020...


Có thể bạn quan tâm

bac-si-chuyen-tri-benh-may-tau Bác sĩ chuyên trị bệnh… som-mua-tam-tru-200-000-tan-muoi-cho-diem-dan Sớm mua tạm trữ 200.000…