Tin thủy sản Đây là lối tắt đã giúp thủy sản Singapore bứt tốc! (Phần 2)

Đây là lối tắt đã giúp thủy sản Singapore bứt tốc! (Phần 2)

Tác giả Hà Tử, ngày đăng 06/04/2021

Nuôi trồng thủy sản Singapore phụ thuộc nhiều vào công nghệ mới và kiến thức về sinh học.

Nhiều tiềm năng giúp Singapore trở thành trung tâm R&D và giáo dục cho nuôi trồng thủy sản toàn khu vực. Sau khi đã nắm bắt được tình hình hiện tại, phần 2 sẽ tiếp tục mở rộng góc nhìn đến những thách thức và hướng phát triển cho ngành nuôi trồng thủy sản Singapore.

Xem phần 1 để tìm hiểu tổng quan ngành thủy sản Singapore về điều kiện phát triển và tình hình nuôi trồng thủy sản hiện nay.

Thách thức của ngành nuôi trồng thủy sản Singapore

Mặc dù nghiên cứu thủy sản đang phát triển mạnh và đóng một vai trò quan trọng ở Singapore, nhưng nuôi trồng thủy sản vẫn đang đối mặt với một số thách thức lớn.

Thứ nhất là nguồn bột cá chất lượng cao không đủ cung cấp cho vật nuôi và không có nguồn cung ổn định. Thường phải nhập khẩu từ các nước láng giềng, nhiều nhất là Trung Quốc

Thứ hai là hầu hết cá con được tạo ra bằng cách giao phối ngẫu nhiên, mà không có bất kỳ sự cải thiện di truyền nào. Đây là một điểm hạn chế việc mở rộng nuôi trồng thủy sản ở Singapore. Ngoài ra các trang trại ở Singapore đa số đều hoạt động đơn lẻ, do hộ gia đình quản lý. Cơ sở hạ tầng ở các trại này còn hạn chế và chỉ sản xuất được 20-600 tấn cá mỗi năm. Người nuôi chưa sẵn sàng đầu tư cho những công nghệ mới, vì họ sợ không thu hồi được vốn, nếu công nghệ đó không thành công.

Thứ ba là hiện tượng tảo tàn và nguy cơ tràn dầu. Bởi vì Singapore là một trong những hải cảng thương mại nhộn nhịp nhất trên thế giới. Do đó rất nhiều vụ tràn dầu xảy ra, cộng thêm việc tảo nở hoa quá mức, dẫn đến một lượng lớn cá chết trên biển. Mặc dù nhiều nỗ lực đã được thực hiện, nhưng đến nay, vẫn chưa có cách hiệu quả để dự đoán thời gian và quy mô nở hoa của tảo.

Tổng kết lại thì vẫn có cách giải quyết được những thách thức trên. Ngành nuôi trồng thủy sản của Singapore rất có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp trên nền tảng các công nghệ cao hơn.

Hướng phát triển cho ngành nuôi trồng thủy sản Singapore

Sự phát triển của nuôi trồng thủy sản phụ thuộc nhiều vào công nghệ mới và kiến thức về sinh học. Điều quan trọng là có cách thuyết phục người nuôi áp dụng những công nghệ mới này, bao gồm robot và AI. Đây cũng là cách để nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Do Singapore là một quốc đảo nhỏ nên không thể tiến hành R&D trên tất cả các khía cạnh của nuôi trồng thủy sản, do đó có thể R&D tập trung vào các lĩnh vực sau:

Cải thiện di truyền và sinh sản cho cá

Nuôi trồng thủy sản Singapore cần chuyên môn kỹ thuật cao để khép kín vòng đời của các loài cá được sử dụng làm thực phẩm. Vì vậy phải có sự phối hợp để nghiên cứu về sinh học sinh sản ở các loài có giá trị cao. Cải thiện di truyền sẽ không bao giờ dừng lại, do đó nên thực hiện các chương trình chọn giống, cải thiện tăng trưởng, khả năng kháng bệnh và tăng lượng omega3 trong cơ thịt một số loài cá khác và cả tôm.

Phát triển công nghệ sản xuất giống 

Các cơ sở sản xuất giống và thức ăn tươi sống ở Singapore phát triển rất tốt. Trên đà phát triển đó, các cơ sở này còn có thể cải thiện hơn nữa nếu tập trung vào việc khép kín vòng đời của các loài mới, cải thiện di truyền và phát triển thức ăn tươi sống cho các loài trên.

Phát triển các hệ thống nuôi trồng thủy sản công nghệ cao

Việc chia sẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong sản xuất cũng rất cần thiết đối với nông dân và các nhà nghiên cứu. Người nuôi cá nên hợp tác với các kỹ sư và trường đại học, để áp dụng được các hệ thống nuôi trồng thủy sản hiện đại, cho năng suất và lợi nhuận cao hơn.  Đặc biệt đối với các trại nuôi lồng ven biển, cần tập trung vào các quy trình làm sạch lưới tự động, nhằm giảm nhu cầu nhân lực và chi phí đầu tư. Ngoài ra, cần áp dụng thêm các kỹ thuật và công nghệ mới để chống ô nhiễm, từ việc giám sát sự hấp thụ thức ăn bằng máy quay video đến tích hợp các bộ lọc thức ăn vào hệ thống nuôi những loài ăn lọc. 

Sự chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản công nghệ thấp sang công nghệ cao là khả thi ở Singapore vì thế hệ trẻ có trình độ học vấn cao và hiểu biết về công nghệ. Đồng thời sẽ giúp tạo ra nhiều công việc thú vị hơn và cần kỹ năng cao hơn, trả lương cũng cao hơn trong ngành. 

Phát triển vaccine mới

Tiêm phòng đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi cá thương phẩm quy mô lớn và là chìa khóa dẫn đến thành công của các hệ thống nuôi cá hồi. Việc phát triển vaccine đối với các loài cá nhiệt đới sẽ đảm bảo sự thành công của ngành nuôi trồng thủy sản. Hy vọng trong tương lai gần nhiều vaccine cho cá nhiệt đới sẽ được sản xuất.

Nuôi trồng thủy sản là một ngành đang được đầu tư rất lớn ở Singapore. Với rất nhiều nghiên cứu về di truyền và cải tạo gen của cá chẽm đã được thực hiện, tạo ra đến 3 dòng con lai vượt trội. Mặc dù ngành thủy sản phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, nhất từ phải chuyển từ công nghệ thấp sang công nghệ cao. Nhưng nếu có sự hợp tác từ nhiều phía, để nghiên cứu phát triển các chương trình chọn giống, cải thiện di truyền, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời áp dụng các hệ thống nuôi trồng mới và đào tạo nguồn nhân lực trẻ tâm huyết thì Singapore sẽ có một chỗ đứng vững chắc trong ngành nuôi trồng thủy sản trên toàn thế giới.


Có thể bạn quan tâm

dem-ky-thuat-ve-dong-dat-que-huong Đem kỹ thuật về đồng… day-la-loi-tat-da-giup-thuy-san-singapore-but-toc-phan-1 Đây là lối tắt đã…