Mô hình kinh tế Đẩy Mạnh Chăn Nuôi Gia Cầm Theo Hướng An Toàn Sinh Học Ở Bắc Ninh

Đẩy Mạnh Chăn Nuôi Gia Cầm Theo Hướng An Toàn Sinh Học Ở Bắc Ninh

Ngày đăng 13/05/2013

Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trên đàn gia súc, gia cầm thì chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) được xem là giải pháp hữu hiệu, không những giúp người chăn nuôi bảo vệ được gia cầm của gia đình mà còn bảo đảm được vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để giúp nông dân nâng cao nhận thức, trình độ kỹ thuật chăn nuôi gia cầm theo hướng ATSH, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi ở địa phương theo hướng tập trung, từ năm 2011 Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Ninh phối hợp Viện Khoa học sự sống (Trường Đại học Thái Nguyên) thực hiện mô hình nuôi gà thịt theo hướng ATSH tại một số địa phương thuộc huyện Quế Võ, Yên Phong với hàng trăm hộ nông dân tham gia. Ngoài tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, các hộ tham gia mô hình còn được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống, 30% thức ăn và thuốc thú y.

Vì vậy, các hộ chăn nuôi đều rất phấn khởi và thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, phòng chống dịch bệnh đã được hướng dẫn. Thực tế tại các hộ tham gia mô hình chăn nuôi theo hướng ATSH, chỉ sau 2 - 3 tháng thực hiện, đàn gà phát triển tương đối đồng đều, trọng lượng trung bình đạt 2,1 - 2,5 kg/con, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/hộ. Điều đáng mừng ở đây không chỉ về hiệu quả kinh tế mà bà con đã biết vệ sinh, phòng trị bệnh cho đàn gà, hình thành được thói quen vệ sinh chuồng trại, máng ăn, uống... điều mà trước đây ít thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thành, một trong những hộ tham gia mô hình tại xã Dũng Liệt (Yên Phong) bộc bạch: “Lần đầu tiên nuôi gà theo hướng ATSH, mặc dù thời gian đầu hơi bỡ ngỡ vì phải thay đổi thói quen chăn nuôi. Tuy nhiên, rất mừng là vì chăn nuôi theo hướng này, đàn gà phát triển tốt hơn, lại an tâm về dịch bệnh”.

Theo ông Vũ Thái Ninh, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp & PTNT), trong kỹ thuật chăn nuôi ATSH, người dân cần chú ý đến nguồn giống phải có xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm dịch; gia cầm mới mua về trước khi nhập đàn phải nuôi cách ly và theo dõi ít nhất 3 tuần; chuồng nuôi cần phải thông thoáng, cách ly với nơi ở, nhà chứa thức ăn, khu tiêu hủy phân; có các khu vực chăn nuôi riêng lẻ từng lứa tuổi nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan từ đàn này sang đàn khác; vườn thả gia cầm nên có diện tích rộng, có bóng cây mát và xung quanh có rào kín; nguồn nước uống phải bảo đảm sạch sẽ, hợp vệ sinh.

Ngoài ra, hàng ngày người nuôi phải vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi và chuồng nuôi, thay chất độn chuồng bị ẩm ướt định kỳ (khoảng tuần một lần); tổng tẩy uế khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc thuốc sát trùng; gia cầm phải được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin, cho uống thuốc phòng bệnh đúng lịch; thức ăn phải đủ dinh dưỡng phù hợp với từng giống, từng giai đoạn nuôi.

Trên thực tế, các mô hình chăn nuôi ATSH được thực hiện trên địa bàn tỉnh cũng đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi tập quán chăn nuôi nông hộ, hướng đến phương pháp chăn nuôi bền vững ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, khi nhân rộng mô hình thì gặp nhiều khó khăn, bởi nếu triển khai chăn nuôi ở quy mô nhỏ thì hiệu quả đạt được không cao do vậy không khuyến khích người chăn nuôi, còn để triển khai ở quy mô lớn đòi hỏi cần có nguồn vốn lớn. Vì vậy, để chăn nuôi theo hướng ATSH có thể mở rộng, phát triển, các cấp, ngành cần quan tâm tạo điều kiện để nông dân được vay vốn mua con giống, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi..


Có thể bạn quan tâm

thua-lo-keo-dai-nguoi-chan-nuoi-can-tro-giup Thua Lỗ Kéo Dài, Người… nguoi-tien-phong-xay-dung-trang-trai-theo-tieu-chuan-cp-o-thanh-hoa Người Tiên Phong Xây Dựng…