Tin nông nghiệp Đề án tôm, lúa: Nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp

Đề án tôm, lúa: Nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp

Tác giả Phú Hữu, ngày đăng 20/09/2016

Cà Mau có tiềm năng và lợi thế cả hai lĩnh vực nuôi tôm và trồng lúa: 298.000ha nuôi trồng thủy sản, trên 92.000ha đất sản xuất lúa; cơ cấu mùa vụ phong phú, nguồn nhân lực dồi dào… Một trong những yếu tố góp phần cho thành công của Đề án là việc tổ chức xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất tôm, lúa có hiệu quả. Hầu hết diện tích nuôi tôm và trồng lúa đạt năng suất và hiệu quả cao tăng nhanh so với trước khi triển khai Đề án.

Năm 2015, có nhiều chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng cao so với mục tiêu đặt ra: Năng suất lúa bình quân từ 3,65 tấn/ha, tăng lên 4,33 tấn/ha; năng suất tôm bình quân 356kg/ha, tăng gần 49%. Có gần 50% hộ trồng lúa và nuôi tôm nắm được quy trình, kỹ thuật cơ bản qua các lớp khuyến nông, khuyến ngư. Nhiều mô hình sản xuất lúa giống chất lượng, tôm giống được nhân rộng. Mô hình sản xuất tôm, lúa cánh đồng lớn; mô hình nuôi tôm công nghiệp, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, tôm sinh thái… làm bước đột phá cho cả con tôm và cây lúa. Lượng tôm giống sản xuất từ 4,6 tỷ con năm 2009 đã tăng lên 9 tỷ con năm 2015, tăng hơn 15%; chất lượng tôm giống cũng nâng lên từng bước.

Ở lĩnh vực giống nông nghiệp, vai trò của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh ngày càng được khẳng định bằng sự phối hợp với các viện, trường, công ty giống. Mỗi năm có hơn 20 loại giống lúa phù hợp được lựa chọn với các tiểu vùng sinh thái được đưa vào cơ cấu giống lúa của tỉnh. Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, ông Phạm Văn Mịch phấn khởi: “Đặc biệt hơn, khi tổ chức khảo nghiệm thành công 2 giống lúa chịu mặn đó là CXT30 và Sói lùn, năng suất thu hoạch gần 5 tấn/ha, rất phù hợp với sản xuất lúa - tôm trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Cà Mau là tỉnh duy nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long làm được điều này”. Bên cạnh đó, mô hình trại sản xuất giống tập trung tại huyện Ngọc Hiển đã góp phần tạo nguồn giống sạch và đạt chuẩn cho ngành nuôi tôm Cà Mau.

Có được bước chuyển đó, một trong những nguyên nhân là ngành đã tận dụng tốt các nguồn vốn đầu tư của tỉnh và tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, theo đó đã thực hiện được 450 công trình với chiều dài hơn 1.500km, tổng vốn đầu tư 345,1 tỷ đồng. Riêng hạ tầng nuôi trồng thủy sản thì tỉnh được Trung ương đầu tư 25 dự án, công trình với tổng kinh phí 315,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trước khi thực hiện Đề án, tỉnh có 107 hợp tác xã thì đến nay có 169 và trên 35% hoạt động khá, từng bước hình thành chuỗi sản xuất. Nhìn chung, ý thức, tập quán sản xuất của nông dân đã thay đổi; năng lực quản lý của các cơ quan chuyên ngành, chính quyền được nâng lên đáng kể.

Song, trong quá trình triển khai Đề án cũng gặp những khó khăn nhất định: Thời tiết diễn biến bất thường làm tôm chậm phát triển và nhiễm bệnh; việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nuôi trồng đôi khi chưa đi sát vào từng hộ dân. Ngoài ra còn có nguyên nhân chủ quan: Khi triển khai đề án quan trọng này, nhiều địa phương còn tỏ ra lúng túng, triển khai chậm một số nội dung; do chưa nắm vững nội dung, mục tiêu, kế hoạch thực hiện Đề án dẫn đến việc quán triệt trong dân còn nhiều hạn chế. Một số địa phương không phát huy tính chủ động, vẫn trông chờ, ỷ lại vào nguồn kinh phí hỗ trợ của trên. Xây dựng mô hình sản xuất, kế hoạch thực hiện còn dàn trải nội dung, thực hiện rộng khắp ở nhiều địa phương dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát. Thêm vào đó, kinh phí đầu tư thực hiện mô hình còn ít so với thực tế, đầu tư nhỏ lẻ chưa có tính thuyết phục cao…

Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, ông Sử Văn Minh trăn trở về vấn đề liên kết "4 nhà": “Sẽ không thực hiện được chuỗi sản xuất khi các “nhà” chưa chịu liên kết, nhất là nhà doanh nghiệp. Khổ nhất vẫn là nông dân, khi phải chịu cảnh được mùa - mất giá, đụng hàng - dội chợ…”.

Tỉnh đã nhìn nhận hiện nay có nhiều đề án cùng tồn tại và đang chủ trương hợp nhất lại các đề án có cùng một hướng đi. Có vậy thì chuỗi liên kết mới thông suốt và Đề án lúa tôm mới thật sự đi vào đời sống, góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo: Ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục thực hiện nội dung Đề án Tái cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan rà soát, điều chỉnh Đề án Tái cơ cấu lại sản xuất ngành Nông nghiệp, trong đó quan tâm đến việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất lúa - tôm; tiếp tục tuyên truyền và nhân rộng hiệu quả các mô hình sản xuất lúa - tôm; hoàn thiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các cơ sở sản xuất giống… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành Nông nghiệp tỉnh thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm

dat-ngang-da-quy-vi-sao-sam-my-van-duoc-lung-mua-o-chau-a Đắt ngang đá quý, vì… tap-trung-ho-tro-nong-dan-xay-dung-kinh-te-hop-tac Tập trung hỗ trợ nông…