Để nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm – lúa
Mô hình nuôi tôm sú luân canh với trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu long từ lâu được đánh giá là mô hình canh tác bền vững, đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao và ít rủi ro. Trong những năm gần đây, tôm càng xanh (TCX) toàn đực được đưa vào mô hình nuôi xen canh trong vụ lúa đã nâng cao hiệu quả đáng kể cho người nuôi.
Nhằm hoàn thiện qui trình kỹ thuật canh tác thông minh này, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 2 thực hiện Dự án nuôi tôm sú luân canh với trồng lúa và xen canh tôm càng xanh toàn đực trong vụ lúa tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu và huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Dự án đã cung cấp các thông số kinh tế và kỹ thuật có thể áp dụng trong thực tế sản xuất tại địa phương.
Tôm càng xanh toàn đực được ương từ 30-45 ngày với mật độ ương 13 con/m2, cho tôm ăn 04 cử/ngày trong giai đoạn ương, thường xuyên bổ sung dinh dưỡng và vi sinh vào thức ăn. Trước khi thả ra ruộng lúa trọng lượng trung bình đạt 5g/con, tỷ lệ sống đạt 85%. Tôm tiếp tục được đưa ra ruộng nuôi xen canh với lúa với mật độ 4-5 con/m2 trong 3,5 tháng tiến hành thu tỉa, đến 4 tháng nuôi thì thu hoạch toàn bộ. Trong quá trình nuôi theo dõi và quản lý chặt chẽ các thông số môi trường quan trọng như: pH, độ kiềm và độ trong. Định kỳ sử dụng vi sinh, đá vôi, Dolomit, Zeolit để điều chỉnh chất lượng nước trong ao ương, mương ruộng lúa. Cho tôm ăn 02 cử/ngày, kết hợp sàng ăn và chài kiểm tra thức ăn trong đường ruột tôm trước và sau khi cho tôm ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Khi thời tiết thay đổi hoặc thời điểm tôm lột xác thì giảm lượng thức ăn. Bón vôi cho ruộng nuôi khi thay nước hoặc sau những cơn mưa lớn với liều lượng 3 kg/100 m2. Thường xuyên quan sát màu sắc cơ thể, mang, hệ thống gan tụy, khả năng bắt mồi, hành vi bơi, và mức độ phản xạ của tôm. Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho tôm. Sử dụng probiotic 10 ngày/lần và định kỳ bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa... trộn vào thức ăn cho tôm ăn nhằm giúp tăng cường sức đề kháng và giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn. Duy trì mức nước trên ruộng khoảng 0,2 - 0,3 m theo mức nước cần cho lúa, không dùng thuốc trừ sâu trong khi nuôi tôm.
Trong mùa khô, tôm sú cũng được ương 30 ngày trước khi thả ra ao nuôi (trên cùng một diện tích nuôi xen canh TCX và trồng lúa), mật độ ương 30 con/m2, giống cỡ P15, cho tôm ăn 4 lần/ngày, mật độ nuôi ngoài ao tại Bạc Liêu là 4 con/m2, tại Sóc trăng là 7 com/m2, sau giai đoạn ương chỉ cho ăn bổ sung 1 – 2 lần/ ngày tùy vào tình hình thực tế ao nuôi.
Thả ghép cua với mật độ 0,2 con/m2, cá rô phi 0,5 con/m2 sau khi thả tôm sú được 01 tháng. Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, độ mặn, NH3, H2S, từ đó có giải pháp quản lý ao nuôi phù hợp. Sử dụng chế phẩm vi sinh làm sạch nền đáy định kỳ 15 – 30 ngày/lần.
Tại Bạc Liêu, năng suất TCX đạt trung bình 441 kg/ha, kích cỡ tôm đạt 30 - 35 con/kg, lợi nhuận đạt từ 3-11 triệu đồng/ha. Năng suất lúa đạt trung bình 4,5 tấn/ha, lợi nhuận từ TCX và lúa đạt từ 6,1 – 14,6 triệu đồng/ha. Ngoài ra trong mùa khô tôm sú cũng được nuôi trên diện tích này đạt năng suất 410 kg/ha, lợi nhuận đạt 18,7 triệu/ha. Thu nhập từ cá rô phi đạt 100-150 kg cá (2-3 triệu đồng/ha) và 100 kg cua (11-12 triệu đồng/ha).
Tại Sóc Trăng, năng suất TXC thu hoạch đạt từ 576 - 796 kg/ha (kích cỡ 25-30 con/kg), lợi nhuận đạt từ 21,5-50 triệu đồng/ha. Năng suất lúa đạt trung bình 5,14 – 6,71 tấn/ ha, lợi nhuận thu từ lúa đạt 3,5 -8,5 triệu/ha, lợi nhuận từ TCX và lúa đạt từ 31,6 – 57,4 triệu đồng/ha. Năng suất tôm sú từ 1.050 – 1.210 kg/ha, FCR = 1.3, lợi nhuận 43,18 - 53,5 triệu đồng/ha. Thu nhập từ cá rô phi 150-250 kg cá (2-3 triệu đồng/ha/hộ).
Kết quả thực hiện mô hình đã cho thấy nuôi TCX xen trong ruộng lúa có tính khả thi và hiệu quả cao, góp phần đa dạng hóa thêm đối tượng sản xuất và tận dụng khai thác tốt hơn diện tích canh tác. Việc thực hiện ương nuôi TCX 1 tháng trước khi thả ra ruộng lúa là cách tiếp cận hợp lý, và cũng cần chừa một phần diện tích để tiếp tục nuôi TCX khi thu hoạch lúa (tiếp tục nuôi 1-2 tháng) do thời gian canh tác lúa chỉ khoảng 3-4 tháng, trong khi chu kỳ phát triển của TCX đến lúc thu hoạch kéo dài khoảng 5-6 tháng. Việc bố trí, thiết kế một ao ương và tiến hành ương tôm (kể cả TCX và tôm sú) trước khi chuyển ra ruộng nuôi giúp kiểm soát tốt hơn tỷ lệ sống, giúp đầu tư hợp lý hơn, hạn chế rủi ro và dễ quản lý ao nuôi hơn.
Phòng Sinh thái nghề cá và tài nguyên thủy sinh vật
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ