Diêm Dân Đầu Tư Tiền Tỷ Sản Xuất Muối
Vụ sản xuất năm 2012, nhiều diêm dân ở Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đã đầu tư hàng tỷ đồng để mua bạt lót, xây ruộng bằng xi măng để tăng năng suất, chất lượng muối.
Đầu tư lớn
Thời điểm đầu tháng 4 này, cánh đồng muối Sa Huỳnh đang bắt đầu vào vụ sản xuất mới. Không ngơi tay cùng người thân chuyển bạt xuống ruộng để lót, chị Nguyễn Thị Thủy (34 tuổi), ở thôn Tân Diêm, cho biết: Sau khi tìm hiểu và tính toán kỹ, chị đã quyết định đầu tư 10 triệu đồng để mua bạt lót cho 3/5 đám ruộng muối của gia đình, với tổng diện tích 150m2.
Không dùng bạt như chị Thủy, với ruộng muối khoảng 100m2, anh Võ Văn Thu (42 tuổi), diêm dân thôn Long Thạnh đã đầu tư 15 triệu đồng để làm nền xi măng.
Không chỉ chị Thủy, anh Thu, vụ muối năm 2012, ước tính trên 100 hộ diêm dân sản xuất trên cánh đồng muối Sa Huỳnh, thuộc 2 thôn Tân Diêm và Long Thạnh đã sử dụng nền bạt, xi măng thay cho nền đất.
Ông Võ Sẵng - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Muối 2, thôn Tân Diêm cho biết: “Do nhiều ruộng muối vẫn chưa rút hết nước nên chúng tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng không dưới 70 hộ trong thôn sẽ làm nền bạt và xi măng”.
Ông Nguyễn Duy Trinh - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, xác nhận: “Ngoài 44 hộ đã áp dụng mô hình làm muối mới, với tổng diện tích gần 8.300m2, vụ muối năm nay có 80 hộ diêm dân đã vay tổng số 1,6 tỷ đồng để xây ruộng xi măng, phủ bạt làm muối.
Lấy sản lượng, chất lượng để bù giá
Không phải đến bây giờ, mà từ năm 2006 -2008, ngành nông nghiệp tỉnh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây ruộng làm muối bằng xi măng, với sự tham gia của hàng chục hộ.
Ông Võ Sẵng, một trong những hộ đầu tiên xây ruộng muối bằng xi măng cho biết: So với cách cũ, sản xuất muối theo phương pháp mới tiền đầu tư tăng khoảng 4 triệu đồng cho 100m2 đối với lót bạt và 13 triệu đồng đối với làm bằng xi măng, nhưng bù lại, tạp chất lẫn trong muối giảm trên 95%; sản lượng muối đạt trên 50 tấn/ha, tăng từ 17-20 tấn/ha; giá bán cũng tăng 20-30% so với muối sản xuất theo truyền thống.
Mặt khác, thời gian chuẩn bị đi vào sản xuất cho vụ mới chỉ 10 ngày, giảm 20 ngày so với trước; thời gian muối kết tinh cũng rút ngắn hơn từ 2-4 ngày...
Hỏi lý do vì sao đến nay mới áp dụng phương pháp này, nhiều ngư dân không giấu giếm: Trước đây do ruộng muối chưa được cấp sổ đỏ nên không dám đầu tư; một số khác do thiếu vốn. Nay 100% diện tích sản xuất muối đã được cấp sổ đỏ, nếu có thiếu tiền đầu tư diêm dân có thể mang sổ đỏ đến ngân hàng thế chấp để vay vốn.
Bác Nguyễn Văn Thành (60 tuổi), ở thôn Long Thạnh, tâm sự: Nếu được vay thêm vốn, hỗ trợ lãi suất thì số diêm dân làm muối theo cách mới sẽ nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Thế Nhân- Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Ngãi: Việc áp dụng sản xuất theo hình thức lót bạt, xây ruộng bằng xi măng thay thế cho nền đất truyền thống, nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng muối là cần thiết. Nhưng đại đa số diêm dân Sa Huỳnh đều có hoàn cảnh khó khăn; giá muối hiện nay quá thấp, thị trường tiêu thụ khó... nên Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND huyện Đức Phổ giúp diêm dân vay vốn theo hình thức tín chấp.
Tuy nhiên số tiền vay chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 đến 1/2 so với vốn đầu tư. Để người làm muối đầu tư sản xuất theo phương pháp mới, các cấp ngành cần nâng mức vốn vay, hỗ trợ nhiều hơn nữa về lãi suất, tìm thị trường tiêu thụ muối cho diêm dân...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ