Tin thủy sản Điều trị bệnh nấm nhớt trên cá rô đồng

Điều trị bệnh nấm nhớt trên cá rô đồng

Tác giả Lê Cung, ngày đăng 26/12/2015

Tác nhân gây bệnh

Bệnh xuất hiện nhiều ở giai đoạn cá thịt, khi cá được 75 ngày đến cuối vụ.

Nguyên nhân chính do ba nhóm vi nấm là Fusarium, Acremonium và Geochitrum gây nên.

Đây là những vi nấm thuộc bậc cao, có vách ngăn ngang và sinh sản vô tính bằng bào tử.

Bệnh xảy ra khi nhiệt độ trong ao nuôi thấp, khi thời tiết thay đổi hay giao mùa;

Mưa dầm, trời u ám;

Mật độ nuôi quá dày; Cải tạo ao chưa triệt để; Đặc biệt, khi chất lượng nước trong ao nuôi xấu đi, bị nhiễm bẩn có nhiều khí độc H2S, NH3; Chăm sóc và quản lý thức ăn chưa tốt; Chất lượng thức ăn kém.

Dấu hiệu bệnh lý

Cá mắc bệnh có biểu hiện như: trên thân xuất hiện nhiều lớp nhớt nhầy, trắng đục, vảy xù xì sau đó lan rộng ra toàn thân, đôi khi có nhiều đốm đỏ.

Nấm bám vào cơ thể cá thành từng mảng trắng.

Khi môi trường thay đổi làm cho cá ít ăn nên cơ thể suy yếu, sức đề kháng giảm càng làm cho bệnh phát triển mạnh.

Nấm bám vào cơ thể hút chất dinh dưỡng và sinh trưởng rất nhanh, nhất là khi cá bị nhiều vết thương.

Cá bị bệnh yếu ớt, bỏ ăn, bơi lộ lờ đờ và chết sau vài ngày.

Trong trường hợp ao nuôi bị nhiễm bệnh trầm trọng sẽ làm giảm sút rất nhiều đến sản lượng cá, hệ số thức ăn cao, cá ốm, gầy.

Khi soi tươi dưới kính hiển vi, phần cơ bên dưới vùng tổn thương có thể thấy sự hiện diện của các bào tử nấm.

Phòng bệnh

Phòng bệnh là giải pháp tối ưu nhằm ngăn chặn các tác nhân gây bệnh, tránh được các thiệt hại xảy ra.

Phòng bệnh cho cá rô đồng từ đầu vụ nuôi: Chuẩn bị ao nuôi kỹ, cải tạo ao, sên vét lớp bùn đáy ao; Dùng vôi để xử lý đáy ao với liều 7 - 10 kg/100 m2.

Nên kiểm tra các chỉ tiêu trong ao như pH đáy ao để bón lượng vôi phù hợp;

Chọn con giống khỏe mạnh, không có mầm bệnh, có nguồn gốc rõ ràng;

Thả cá với mật độ phù hợp (khoảng 40 con/m2 là thích hợp nhất); Quản lý tốt môi trường nuôi, hạn chế khí độc trong cả quá trình nuôi;

Cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, quản lý thức ăn hợp lý (nhất là vào cuối vụ);

Định kỳ xử lý diệt mầm bệnh trong ao nuôi bằng các thuốc sát trùng như Iodine, Chlorine…

Hoặc định kỳ tạt nước vôi với lượng 3 kg/100 m2 vào những tháng cuối vụ nuôi; sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý các chất thải, mùn bã hữu cơ, làm sạch đáy ao nuôi;

Tránh gây sốc, tránh xây xát trong quá trình san thưa, chuyển bể hoặc phân cỡ cá; Tăng sức đề kháng cho cá bằng việc bổ sung Vitamin C, thuốc bổ, men tiêu hóa.

Điều trị

Khi cá có dấu hiệu bị bệnh cần tiến hành thay 20 - 30% nước trong ao nuôi.

Dùng các thuốc diệt khuẩn, sát trùng nguồn nước nhằm diệt các mầm bệnh xung quanh cho cá như  BKC, Chlorine, Vicato…

Dùng các loại hóa chất như  KMnO4 liều 10 g/m3 hay Formol với liều 20 ml/m3 tắm cho cá trong thời gian 30 - 60 phút, liên tục trong 3 - 5 ngày để trị bệnh cho cá.

Phải chú ý đến nồng độ thuốc, không nên điều trị lúc trời quá nóng dễ dẫn đến tình trạng sốc thuốc.

Hoặc có thể dùng CuSO4.5H2O nồng độ 0,2 - 0,5 g/m3 tạt đều ao, kết hợp với rải muối hạt với liều 5 kg/100 m2 để điều trị cho cá.

Kết hợp xử lý đáy ao bằng zeolite, than hoạt tính để làm sạch đáy, loại bỏ khí độc và làm sạch đáy ao.

Bổ sung cho cá thêm Vitamin C, men tiêu hóa, thuốc bổ gan nhằm hỗ trợ cá tăng sức đề kháng trong quá trình điều trị.

Cùng đó, hãy lựa chọn và tìm kiếm những sản phẩm của các công ty có uy tín, có sự hỗ trợ kỹ thuật tại ao nuôi để mang lại hiệu quả trong việc trị bệnh cho cá nuôi.


Có thể bạn quan tâm

ky-vong-phien-bien-cuoi-nam Kỳ vọng phiên biển cuối… nuoi-ca-koi-loi-lon Nuôi cá Koi lời lớn