Mô hình kinh tế Doanh Nghiệp Chưa Mặn Mà Với Cánh Đồng Mẫu Lớn

Doanh Nghiệp Chưa Mặn Mà Với Cánh Đồng Mẫu Lớn

Ngày đăng 23/09/2014

Sau 2 năm triển khai thực hiện, cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã từng bước khẳng định mô hình sản xuất lúa kiểu mẫu tại Hậu Giang. Tuy nhiên, các hình thức đầu tư khép kín từ sản xuất đến thu mua sản phẩm giữa người dân với doanh nghiệp chưa thực sự mạnh mẽ, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tiến tới xây dựng cánh đồng lớn cho tỉnh.

Trong 2 vụ lúa Đông xuân 2013-2014 và Hè thu năm nay, CĐML điểm của tỉnh, với diện tích 225ha tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A đã mang lại lợi nhuận vượt trội cho người trồng lúa. Cụ thể, lợi nhuận ở vụ Đông xuân tăng gần 11% và Hè thu vừa rồi tăng gần 29% so với bên ngoài CĐML tại địa phương.

Thế nhưng, người dân tham gia canh tác trong CĐML nơi đây vẫn băn khoăn, thậm chí hoài nghi về sự khác biệt của mô hình so với cánh đồng lúa truyền thống. Bởi hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa vốn đã ít, nhưng thường dở dang vào thời điểm cuối vụ.

Mối liên kết chưa chặt chẽ

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành A Ngô Xuân Hiền cho rằng: Việc quy hoạch sử dụng đất theo từng vùng đã bắt đầu phù hợp với điều kiện sản xuất. Từ đó, đa số người dân đồng tình hưởng ứng tham gia CĐML.

Đặc biệt là các doanh nghiệp đã có sự tham gia thực hiện khâu cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Song, giữa doanh nghiệp và nông dân thiếu sự thấu hiểu những khó khăn lẫn nhau, cũng như có chung quan điểm chia sẻ lợi ích và rủi ro nên chưa thể xây dựng được mối liên kết chặt chẽ.

Ông Huỳnh Phước Hải, Giám đốc HTX Vị Thanh, có đất sản xuất trong CĐML điểm của tỉnh thuộc địa bàn xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, thừa nhận: Những năm qua, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đê bao, cống bọng khá hoàn thiện.

Còn người dân trong CĐML được các doanh nghiệp tham gia cung ứng, hỗ trợ vật tư nông nghiệp đầu vào như giống, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Nhờ vậy, đã góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, gia tăng năng suất, lợi nhuận đáng kể trên cùng diện tích canh tác so với ruộng lúa bên ngoài.

Cũng theo ông Hải, không thể phủ nhận thực tế là trong các vụ lúa vừa qua, doanh nghiệp thu mua lúa nguyên liệu theo hợp đồng đã ký kết trước đó với người dân không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do rào cản về giá bao tiêu so với thị trường cùng thời điểm, chưa kể là phương thức thu mua sản phẩm của doanh nghiệp.

Ông Hải thông tin: “Mỗi khi bước vào thời điểm thu hoạch, thương lái khắp nơi thường quy tụ về khu vực CĐML Vị Thanh. Đáng nói là họ luôn chủ động ngã giá thu mua lúa tươi ngay tại ruộng cao hơn mức mà doanh nghiệp đưa ra. Do đó, phần lớn người dân đã chuyển hướng bán cho thương lái nhưng hoàn toàn không vi phạm hợp đồng”.

Cần xây dựng chuỗi giá trị

Đến nay, người dân trong CĐML xã Trường Long Tây đã bắt đầu thu hoạch lúa Thu đông năm 2014 với tâm trạng khá phấn khởi, vì giá lúa vẫn đang duy trì ở mức cao. Anh Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Trung, xã Trường Long Tây, cho biết: HTX đang làm đầu mối thu mua lúa của người dân cho Công ty TNHH MTV Thủy sản Hoàng Long ở huyện Châu Thành A.

Hiện mức giá mà phía công ty đưa ra đối với các giống OM 4218 và OM 5451 hơn 4.900 đồng/kg, nhích hơn vài chục đồng so với thị trường. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ thêm chi phí thu hoạch 10.000 đồng/công cho xã viên.

Trường hợp cùng thời điểm, giá lúa cao hơn hợp đồng, thì người dân được phép bán cho thương lái bên ngoài. Thế nhưng, số hộ ký hợp đồng bao tiêu còn khá “khiêm tốn”. Cụ thể là trong tổng số 126ha lúa nằm trong khu vực CĐML tại địa phương, HTX chỉ mới ký được với người dân chưa đầy 50% diện tích.

Anh Triều lý giải: Người dân chưa quen với phương thức định giá mua lúa kéo dài trong khoảng thời gian nhất định của doanh nghiệp. Vì vậy, họ chấp nhận bán cho thương lái quen thuộc từ các vụ lúa trước. Đáng nói là vụ này, Công ty TNHH MTV Thủy sản Hoàng Long chưa có cung ứng vật tư đầu vào cho người dân, nên cũng chẳng có sự ràng buộc trong quá trình mua bán sản phẩm lẫn nhau.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Đồng cho rằng: 2 năm qua, dù tỉnh thực hiện khá quyết liệt, nhưng chưa thể đạt kết quả như mong muốn và tiến lên cánh đồng lớn. Thực tế là doanh nghiệp tham gia tuy nhiều nhưng không mạnh, không thực hiện đúng mục tiêu về CĐML.

Vì thế, trong thời gian tới phải lựa chọn một doanh nghiệp đủ mạnh đứng ra lo liệu từ đầu vào cho đến đầu ra lúc cuối vụ. Qua đó mới tạo được chuỗi giá trị sản xuất thông qua việc gắn kết với vùng nguyên liệu đúng nghĩa của CĐML hiện nay. Mặt khác, tạo nhận thức cho người dân gieo sạ những loại giống đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong buổi làm việc với xã Trường Long Tây về công tác xây dựng nông thôn mới, CĐML của địa phương vào thời điểm vụ lúa Thu đông năm nay mới bắt đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh đã yêu cầu các sở, ngành tỉnh, doanh nghiệp, ngân hàng tiếp tục quan tâm hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh cho HTX, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi.

Đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư khép kín từ sản xuất đến thu mua sản phẩm của người dân trong CĐML, tạo tiền đề cần thiết để từng bước hướng đến xây dựng cánh đồng lớn cho tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

lam-thao-chuyen-huong-san-xuat-vu-dong Lâm Thao Chuyển Hướng Sản… hieu-qua-thiet-thuc-nguon-von-vay-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon Hiệu Quả Thiết Thực Nguồn…