Mô hình kinh tế Được, mất chuyện nuôi lợn rừng

Được, mất chuyện nuôi lợn rừng

Ngày đăng 22/11/2015

Từ nhu cầu của thị trường, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã mạnh dạn chăn nuôi lợn rừng và không ít hộ có thu nhập ổn định từ loại vật nuôi này.

Tuy nhiên, cũng có những gia đình chăn nuôi không hiệu quả phải từ bỏ hoặc chuyển sang loại vật nuôi khác.

Vượt qua quãng đường đồi khá xa, chúng tôi mới đến được gia trại nuôi lợn rừng của gia đình ông Nguyễn Xuân Trường, ở xóm Lò Gạch, xã Mỹ Yên (Đại Từ).

Trên quãng đường đi, chúng tôi đã nhìn thấy từ xa những chú lợn rừng nhởn nhơ dũi đất, gặm cỏ dưới tán cây.

Thấy bóng người, chúng vội lẩn vào bụi rậm.

Anh Nguyễn Xuân Trường cho biết: Gia đình tôi có hơn 30 con lợn rừng.

Do nuôi bằng hình thức chăn thả tự do nên chúng vẫn giữ được bản tính hoang dã, ban ngày, chúng tự do đi kiếm ăn, buổi tối mới về chuồng.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Trường bắt đầu nuôi lợn rừng từ năm 2010, sau khi nhận được 5 con lợn rừng giống Thái Lan hỗ trợ từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ.

Chỉ sau một thời gian ngắn, đàn lợn sinh sản, giữ số lượng đàn từ 30 đến 40 con.

Mỗi năm gia đình anh xuất bán được gần 8 tạ lợn hơi với giá 130 nghìn đồng/kg, cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Anh Trường cho biết: Đàn lợn rừng mỗi năm cho thu nhập 100 triệu đồng là không cao nhưng loại vật nuôi này hầu như không bị dịch bệnh, gia đình lại chăn thả tự do trên rừng, tốn ít công chăm sóc, thức ăn nên tính ra hiệu quả hơn các loại vật nuôi khác.

Trái ngược với gia đình anh Nguyễn Xuân Trường, gia đình ông Đỗ Văn Việt, xóm Quang Trung, xã Bản Ngoại lại gặp nhiều khó khăn khi nuôi lợn rừng.

Gia đình ông Việt cũng nhận được nguồn hỗ trợ khuyến nông từ xã nên đối ứng mua 4 con lợn rừng giống Thái Lan năm 2011.

Nhưng do diện tích đất nhỏ hẹp, gia đình ông Việt nuôi nhốt trong chuồng, có thể vì lý do này mà đàn lợn hay bị dịch bệnh, một số con bị chết.

Thấy không hiệu quả ông Việt đã chuyển sang loại vật nuôi khác.

Ngoài ra, ở xã Bản Ngoại còn có gia đình ông Lê Văn Năm, xóm Quang Trung cũng vội vã từ bỏ việc nuôi lợn rừng vì không tìm được đầu ra.

Ông Năm cho biết: Gia đình tôi bắt đầu nuôi lợn rừng từ tháng 6-2011, sau 1 năm, tổng đàn đã lên tới hơn 70 con nhưng chào hàng nhiều nơi mà chẳng ai mua.

Cuối cùng, gia đình tôi quyết định bán hết đàn lợn cho một gia đình trên Bắc Kạn với giá 100 nghìn đồng/kg.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, trên địa bàn huyện có trên 100 hộ dân nuôi lợn rừng với khoảng 200 lợn nái, mỗi năm xuất bán 2.000 con lợn rừng thương phẩm.

Trong số những hộ dân nuôi lợn rừng, nhiều hộ có thu nhập ổn định nhưng không ít hộ gặp khó khăn.

Nguyên nhân là do lợn rừng vẫn mang tập tính sinh sống hoang dã nên không phù hợp với điều kiện nuôi nhốt.

Những gia đình nuôi hiệu quả hầu hết là chăn thả tự do hoặc chăn thả trên diện tích đất rộng có quây tường, lưới sắt.

Ngoài ra, loại vật nuôi này có giá cao nhưng trọng lượng lại nhỏ và lớn chậm, trung bình 1 con lợn rừng phải nuôi từ 9 đến 12 tháng mới có trọng lượng 20 đến 30kg.

Nếu chăn bằng các loại cám công nghiệp, lợn rừng cũng lớn không đáng kể và người chăn nuôi sẽ bị thua lỗ nặng.

Bên cạnh đó, do giá còn cao nên việc tiêu thụ lợn rừng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cũng vì những lý do này mà nhiều gia đình đã tính toán hiệu quả kinh tế, chuyển sang loại vật nuôi khác phù hợp điều kiện sẵn có, dễ tiêu thụ, lãi cao hơn.

Trong những “con đặc sản” người dân đưa vào chăn nuôi thời gian qua, lợn rừng đang dần khẳng định là loại vật nuôi được thị trường đón nhận, mang lại giá trị kinh tế cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, từ thực tế chăn nuôi và nhu cầu thị trường, những người dân có ý định chăn nuôi lợn rừng cũng cần chú ý chuẩn bị chuồng trại, sân bãi có không gian rộng để lợn rừng thoải mái hoạt động phù hợp với tập tính của loài vật này.

Đồng thời, chủ động nguồn thức ăn tự nhiên như rau, củ, quả, chuối… không lạm dụng cám công nghiệp để tránh thua lỗ.

Bên cạnh đó, các gia đình cũng nên cân nhắc trước quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi vì đầu ra sản phẩm có thể gặp nhiều khó khăn.


Có thể bạn quan tâm

co-mot-thu-do-an-ga-long Có một Thủ đô ăn… kho-phat-trien-dan-heo-den Khó phát triển đàn heo…