Tin thủy sản Được mùa hến tiền

Được mùa hến tiền

Tác giả Lê Thọ, ngày đăng 09/06/2016

Ít khi xuất hiện

Khoảng 8 giờ sáng, tại đập cửa Lác (xã Điền Hòa), hơn chục chiếc thuyền của bà con ngư dân cập bờ. Con đập này chính là “vựa hến” của không chỉ người dân Điền Hòa mà cả vùng Ngũ Điền. Ngư dân ở đây chỉ cần chiếc thuyền nhỏ chèo bằng tay, từ 4 giờ sáng men theo con nước rặc (cạn) dùng dụng cụ mà người dân địa phương gọi là dũi để khai thác hến. Ngoài những loại hến thông thường, năm nay, người dân ở đây đánh bắt được hến tiền, loại hến có giá trị cao.

Giải thích về tên gọi hến tiền, một người dân nơi đây bảo: Hình thù loại này giống đồng tiền và khó đánh bắt nhất trong các loại hến. Anh Đặng Văn Mẫn (thôn 9, Điền Hòa) cho biết: “Loại hến này ít khi xuất hiện và nếu có chỉ trong vòng 3 tháng, từ thời điểm này đến khoảng tháng 7 là hết. Năm nay, có thể nước mặn lên sớm nên hến xuất hiện nhiều. Từ sáng sớm, thôn tui ai cũng chèo ghe để khai thác các loại hến và may mắn bắt được hến tiền”.

Hến xuất hiện nhiều nên hầu hết các gia đình sông nước nơi đây đều huy động mọi lực lượng trong gia đình để đánh bắt. Người lớn chèo thuyền đánh bắt, trẻ con phụ giúp phân loại hến.

Tại bến đập này, không phút nào ngư dân ngơi tay, muốn trò chuyện với họ không phải dễ. Trên bến, các tiểu thương chờ sẵn để thu gom hàng nên công việc phân loại, rửa hến được làm không ngừng nghỉ. Với giá bán từ 10 - 12 nghìn đồng/kg, sau mỗi chuyến đánh bắt, mỗi thuyền kiếm được 500 – 700 nghìn đồng. “Mỗi chiếc thuyền bắt được 50 - 70kg hến/ngày, nếu gặp may có thể lên đến hơn cả tạ. Hến tiền được các thương lái ưa chuộng nên mua ngay tại bến để xuất đi Hà Nội hay các tỉnh lân cận”, ông Nguyễn Văn Bảo, ngư dân khai thác hến cho biết.

Cần đánh bắt hợp lý

Mùa hến về, bà con vùng sông nước có thêm một nguồn thu nhập đáng kể, mang lại niềm vui cho ngư dân. Thế nhưng, nghề bắt hến lại hủy hoại môi trường, sinh thái nếu không khai thác đúng cách và đánh bắt vượt quá giới hạn phạm vi cho phép. Theo nhiều ngư dân, trước đây bà con hay dùng xung điện đánh bắt thủy sản trên đầm phá khiến nguồn hến thuyên giảm đáng kể. Những năm trở lại đây, các cơ quan chức năng khoanh vùng đánh bắt trong giới hạn cho phép, hạn chế được xung điện và cào xới bắt lươn nên hệ sinh thái được ổn định, hến xuất hiện nhiều hơn mọi năm.


Hến tiền là loại hến có giá trị kinh tế cao, ít khi xuất hiện

Ông Nguyễn Đăng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho biết, diện tích mặt nước của phá Tam Giang thuộc địa phận xã Điền Hòa rất ít khi có hến. Ngư dân khai thác hến chủ yếu ở vùng mặt nước giáp ranh với xã Điền Hải (Phong Điền) và Quảng Thái (Quảng Điền). Ở mỗi thôn đều có một chi hội nghề cá để quản lý hoạt động đánh bắt, khai thác của ngư dân nhằm đảm bảo hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản. “Thời điểm này, bà con vùng sông nước đang vào mùa khai thác hến. Ở xã Điền Hòa có khoảng 20 hộ dân làm nghề này. Chúng tôi khuyến cáo bà con tuyệt đối không nên khai thác hủy diệt mà cần có cách đánh bắt hợp lý để đảm bảo nguồn lợi thủy sản về sau”.

Anh Võ Giang, cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, trong số các loại hến, hến tiền là loại hến có giá trị cao sinh sống ở đầm phá, vùng nước cạn nhưng rất ít khi xuất hiện. Chúng tôi luôn khuyến cáo bà con đánh bắt hợp lý, tuyệt đối không dùng xung điện hay thuyền máy để cào hến; đồng thời cần tuân thủ những quy định của Nhà nước ban hành để có hướng khai thác thủy sản bền vững, anh Giang cho biết thêm.

Quy chế khai thác thủy sản đầm phá của UBND tỉnh nghiêm cấm các hành vi làm huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản, gây ô nhiễm môi trường thuỷ sinh đầm phá sau: Sử dụng hoá chất độc hại, chất nổ, xung điện (kích điện, rà điện, kết hợp điện), để khai thác nguồn lợi thuỷ sản; xả, thải, để rò rỉ các chất độc hại, ô nhiễm vượt quá giới hạn quy định; khai thác các loại nghề: te quệu; giã cào; cào lươn, lưới quét, lưới kìm (vây), lưới xiếc, nạo (cào) hến, cào rong bằng thuyền máy; phá rừng ngập mặn, các rạn đá, các bãi thực vật ngầm và các sinh cảnh đặc biệt khác; thả thuỷ sản bị nhiễm bệnh vào nơi nuôi trồng hoặc vào các vùng nước đầm phá; xây dựng mới, phá bỏ, thay đổi các công trình liên quan đến thuỷ vực đầm phá khi chưa được cấp phép của cấp có thẩm quyền làm thiệt hại lớn đến nguồn lợi thuỷ sản.


Có thể bạn quan tâm

ve-noi-nuoi-artemia-tot-nhat-the-gioi Về nơi nuôi artemia tốt… tranh-ton-dong-muoi-diem-dan-can gio-lam-theo-don-dat-hang Tránh tồn đọng muối, diêm…