Gà, lợn tăng thêm 20% trọng lượng nhờ ứng dụng máy móc hiện đại
"Ứng dụng công nghệ cao và phát triển theo chuỗi giá trị được coi là chìa khóa để phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hiện nay, không chỉ góp phần tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm mà còn đảm bảo ATTP".
Công nhân áp dụng máy móc công nghệ cao để chăm sóc, phát triển đàn lợn tại trang trại của Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long ở huyện Thanh Oai (Hà Nội). ảnh: Hải Đăng
Đó là nhận định của ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) tại hội thảo “Giải pháp để phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, hiệu quả” do Sở NNPTNT Hà Nội vừa tổ chức tại Hà Nội.
76 vùng chăn nuôi theo xã trọng điểm
Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 24.000 con trâu, hơn 137.000 con bò, 1,6 triệu con lợn, gần 30 triệu con gia cầm. Trong những năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, tạo tiền đề quan trọng để tổ chức liên kết chăn nuôi theo chuỗi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Đến nay, toàn thành phố đã hình thành 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm và 29 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm. Hàng năm, các vùng này cung cấp cho thị trường 160.000 tấn thịt hơi, 610 triệu quả trứng, 870.000 con lợn giống, 35 triệu con gia cầm thủy cẩm giống chất lượng tốt.
Ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết: “Đến nay toàn thành phố đã xây dựng được 23 chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm và 5 chuỗi được cấp nhãn hiệu tập thể. Trong đó có những chuỗi đã được thử thách qua nhiều lần thị trường bấp bênh, sản phẩm vẫn giữ được giá bán ổn định”.
Để ngành chăn nuôi của Thủ đô phát triển bền vững, ông Tường cho rằng, phương thức tổ chức sản xuất truyền thống cần phải thay đổi theo hướng liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao. "Hà Nội tiếp tục phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch, đi sâu vào chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư và liên kết chuỗi. Trong đó tập trung phát triển chăn nuôi con giống chất lượng cao, lai tạo giống bản địa, ứng dụng công nghệ cao kể cả quy mô vừa và nhỏ" - ông Tường nói.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi
Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi là khâu then chốt, đột phá nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm lên 15-20%, từ đó giúp giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong nước với các sản phẩm nhập khẩu".
PGS-TS Nguyễn Văn Đức - Trưởng ban Khoa học - Công nghệ (Hội Chăn nuôi Việt Nam)
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội thảo, dù ngành chăn nuôi của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nhưng từ đầu năm đến nay, rõ ràng bộ mặt chăn nuôi của thành phố đang đứng trước những thách thức và rủi ro lớn. Sản phẩm sữa tươi rớt giá từ 14.000 đồng/lít xuống còn 7.000 - 8.000 đồng/lít, nhiều lúc sữa không bán được phải cho lợn ăn.
Giá thịt lợn hơi từ mức 45.000 - 50.000 đồng/kg đã giảm còn 18.000 - 20.000 đồng/kg mà vẫn không tiêu thụ được, nhiều nông hộ phải giết lợn nái, bán đổ bán tháo lợn thịt, ngừng chăn nuôi, có hộ thua lỗ lớn, mất vốn…
Để cái thiện tình hình trên, theo ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, cần tập trung tuyên truyền định hướng phát triển chăn nuôi của Hà Nội, đó là tập trung phát triển sản xuất giống vật nuôi năng suất chất lượng cao, chăn nuôi lợn với 25 con/nái/năm trở lên. Lấy doanh nghiệp là đầu tàu trong việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển giao công nghệ với hộ chăn nuôi, HTX.
“Cần thiết phải xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi: Doanh nghiệp chăn nuôi lợn nên theo chuỗi khép kín từ sản xuất con giống, sản xuất thức ăn, giết mổ, chế biến và lưu thông sản phẩm. Các trang trại và hộ chăn nuôi nên liên kết với doanh nghiệp sản xuất thức ăn, giết mổ, chế biến tiêu thụ để giảm giá thành sản phẩm”- ông Đăng nói.
Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, ngành chăn nuôi Hà Nội có vai trò rất lớn đối với ngành chăn nuôi cả nước. Do đó, Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi trên cơ sở bám sát quy hoạch chăn nuôi gắn với thị trường. Có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, hình thành các chuỗi liên kết, nhất là chính sách ưu đãi về vốn, đất đai. Tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố và các tổ chức quốc tế để trao đổi, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. /.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ