Mô hình kinh tế Gà Thanh Chương Thương Hiệu Một Vùng Đồi

Gà Thanh Chương Thương Hiệu Một Vùng Đồi

Ngày đăng 22/01/2014

Là huyện trung du miền núi thấp, trừ một số ít xã nằm dọc đôi bờ sông Lam, đất Thanh Chương (Nghệ An) là cả một chuỗi nối nhau của những quả đồi hình bát úp. Ở đó, dưới tán mít, đồi cọ trải dài, những chú gà thơ thẩn kiếm ăn đã làm nên một thương hiệu riêng không thể lẫn - gà đồi Thanh Chương, góp thêm một món ăn độc đáo của vùng đất này ngoài quả tro, nhút mít.

Từ một món ăn đặc sản

Thương hiệu “Gà đồi Thanh Chương” vốn có từ lâu, không chỉ trong niềm tự hào của mỗi người con Thanh Chương xa quê, mà còn quen thuộc trong mỗi người dân đất Nghệ. Từ ngàn xưa, bắt đầu từ những con gà rừng hoang dại, cha ông đã đưa về, thuần hóa, trải qua từ đời này sang đời khác để có được giống gà kiến thịt ngon, săn chắc, rất khó lẫn vào bất kỳ giống gà nào, được nuôi ở bất kỳ vùng nào khác.

Chẳng ai biết được, nghề nuôi gà đồi ở Thanh Chương bắt đầu có tự bao giờ, những cụ ông, cụ bà đã gần trăm tuổi, cũng chỉ biết được, khi mình bắt đầu biết nhận thức những thứ xung quanh, thì ngoài vườn, trên đồi, những con gà đã ngày ngày cần mẫn bới tìm con sâu, con kiến. Bà Nguyễn Thi Biển (xóm 1, xã Thanh Mỹ) năm nay đã trên 80 tuổi. Mắt đã mờ, chân đã chậm, thế nhưng trừ những lúc ốm liệt giường, không ngày nào bà quên cho đàn gà của mình ăn ngô, ăn thóc.

Đối với người đàn bà đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm” này, đó không chỉ là cứu cánh, mưu sinh những ngày khốn khó, là đôi dép mới, tập vở cho con đến trường, là món ăn sang trọng dành tiếp khách trong những ngày giỗ chạp, lễ tết, mà còn là sự gắn bó sâu xa, là tình yêu với những quả đồi cằn cỗi, với chốn quê nghèo. Ngày xưa, khi người còn chưa đủ ăn, gà được nuôi đơn giản lắm, hầu như không nhà nào có chuồng gà.

Mỗi buổi sáng, sau tiếng kêu “chụt chụt” của bà, của mẹ, đàn gà túa ra, tranh nhau nhặt những hạt ngô, hạt thóc ít ỏi được vãi tung trên sân, rồi tỏa ra, thơ thẩn kiếm ăn hết quả đồi này sang quả đồi kia, nhặt nhạnh từng con sâu, con mối, thậm chí ăn cả cỏ.

Mỗi chiều, khi hoàng hôn buông xuống trên những mái làng, đàn gà lại tự động tìm về, được hưởng thêm một lần nữa “khẩu phần” ngô, lúa, sắn ít ỏi trong ngày, rồi tự động tìm chỗ trên cây ổi, cây nhãn, ràn trâu hay chui vào một đống rơm ấm áp. Ngày ấy, gà là loài vật nuôi quý.

Mỗi lần dựng vợ, gả chồng cho con, gia đình nào dù nghèo đến mấy cũng cố dành lại đôi gà, khấm khá hơn thì có thêm vài cái xoong, làm hành trang ban đầu cho một cặp vợ chồng để từ đó gây dựng nên một gia đình mới đầm ấm và hạnh phúc. Những “người trẻ” đó, khi ra riêng, đều được nghe lời dặn dò nghiêm khắc của cha mẹ, ông bà, những con gà đó, dù khó khăn đến đâu cũng không được bán đi hay giết thịt, bởi nếu không, sau đó họ rất khó gây dựng lại đàn gà.

Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng thực tế, những con gà được cho làm vốn liếng đầu tiên ấy, đều được các cặp vợ chồng trẻ chăm sóc cẩn thận. Có thể, ngoài niềm tin có chút “thần bí” kia, đối với họ, đó còn là kỷ niệm, tình cảm thiêng liêng, là sự gửi gắm, là niềm mong ước chân thành về một cuộc sống no ấm của họ trong lòng những bậc sinh thành.

Gắn với con gà, cũng có nhiều câu chuyện thú vị. Ở xã Cát Văn xưa, từ cái ngày mà một gia đình có vài ba chục con gà đã được coi là khấm khá bậc nhất trong làng, cho đến thời nay, khi nhà có hàng trăm con gà thả trong vườn đồi cũng chỉ được coi là chuyện thường, vẫn tồn tại những “phường gà”- một nét đẹp mang đậm chất tình làng nghĩa xóm.

Nếu những người ngoài phường, khi dựng vợ, gả chồng cho con, rất khó kiếm đủ số gà đồi để làm cỗ dù đã dặn khắp trong làng, thì với những ai tham gia phường hội này, việc đó hoàn toàn đơn giản. Mỗi gia đình trong phường sẽ có trách nhiệm góp cho “gia chủ” 2 kg gà, và cứ xoay vòng như vậy, không ai bị thiệt.

Gà đồi Thanh Chương ngon là nhờ nhiều yếu tố. Giống gà kiến nhỏ, năng suất không cao, có nuôi mãi cũng chỉ được 1,5kg trở lại, nhưng thịt thì không chê vào đâu được. Gà suốt ngày chạy nhảy trên đồi, ăn ngô, lúa, con sâu con kiến chứ hiếm hộ dân nào dùng thức ăn công nghiệp. Cũng bởi thế, đến các vùng đồi của Thanh Chương bây giờ, muốn mua một con gà đồi ‘xịn’’ thế này không phải dễ.

Xưa nghèo, chỉ những khi nhà có khách, hoặc có công buổi, trên mâm cơm mới có món thịt gà, mọi thứ quần áo, sách vở, tiền đi học cho con… đều trông vào đấy. Nay đời sống khấm khá lên, người Thanh Chương hầu như chỉ nuôi gà đồi để ăn và làm quà chứ không chịu bán, trừ những trường hợp cần tiền, vừa ôm con gà chưa ra đến chợ đã có người đón lấy, hỏi mua. Hoặc trong làng, trong xóm có nhà tổ chức đám cưới cho con, dặn trước, bà con nể, giúp nhau, góp bán mỗi nhà vài ba con làm cỗ.

Phàm đã là người Thanh Chương, dù có đi xa, chẳng ai quên được món gà nấu xáo. Chắc cũng do cái đói, cái nghèo, mà Thanh Chương mới có được cái món canh (xáo) gà nổi tiếng. Miếng thịt gà chặt nhỏ, ướp gia vị xong để nửa tiếng đồng hồ cho ngấm rồi mới bắc lên đun. Thịt gà chín, nhắc xuống, rắc thêm ít lá răm, lộc chanh thái nhỏ, trộn đều. Chỉ cần mở vung nồi, cái mùi thơm ngọt ngào, không lẫn vào đâu được của thịt gà quyện lẫn với rau răm, lộc chanh, hành tăm, nghệ, ớt tươi đã bốc lên ngào ngạt. Có lẽ cũng chỉ ở Thanh Chương mới có món viên gà.

Toàn bộ xương ống vứt hết, chỉ lấy toàn bộ xương mình, dọc xương lưng, xương cổ đem băm nhuyễn chứ không xay, đem trộn lẫn với hành tăm, ớt cay tươi, nghệ cũng chỉ dùng nghệ tươi chứ không dùng bột nghệ. Miếng ăn tận dụng ngày đói kém, giờ đã trở thành món đặc sản cực kỳ được ưa chuộng. Cho miếng viên gà vào miệng, vị ngọt đậm đà tan ra, thấm vào nơi đầu lưỡi, ai được nếm một lần chắc rất khó quên.

Đến tư duy và cách làm ăn mới

Chiều cuối năm, ngồi trên chiếc xe máy chạy phành phạch dã chiến của cậu cán bộ văn phòng đảng ủy xã miền núi Thanh Mỹ của huyện Thanh Chương, đi qua gần hết 15 xóm của xã, đến đâu, cũng bắt gặp những chú gà trống, những ả gà mái mẹ và cả gà con chạy lăng xăng hay thơ thẩn kiếm ăn dưới những tán cây đồi, làm nên khung cảnh yên bình và ấm áp. Trang trại nuôi gà của gia đình anh Trần Công Sơn (xóm 13 Thanh Mỹ) nằm trên một quả đồi.

Có “truyền thống” nuôi gà đồi từ xưa, nhưng cách đây chừng 4 năm, trong vườn đồi nhà anh chị khi có vài trăm con gà đã là nhiều lắm. Nhưng với cơ ngơi cả mấy quả đồi rộng, trong khi anh nhận thấy, nhất là trong những dịp lễ tết, gà cỏ được ưa chuộng, lùng tìm nhưng đắt mà vẫn không có bán, đơn vị anh Sơn đóng quân là Sư đoàn 324 ở Đô Lương, có lúc cần mua hàng tạ mà không gom nổi.

Vậy là anh về bàn với chị, tập trung nuôi gà cỏ theo quy mô công nghiệp. Hệ thống chuồng trại sạch sẽ, khang trang được xây dựng, ngoài nuôi gà thịt với lượng xuất bán gần 2 tấn/năm, trang trại còn sản xuất gà giống với lò ấp tự động, mỗi năm xuất bán trên dưới 3 vạn con gà giống. Do nuôi với quy mô lớn, hàng hóa, nên cách nuôi của anh chị có những nét khác với cách thả gà đồi truyền thống.

Gà được nuôi trong chuồng trại, nhất là gà con một tháng tuổi trở lại, vào mùa rét được ở trong chuồng, có hệ thống điện sưởi ấm, đàn gà mái mẹ được tiêm phòng đầy đủ, tách nuôi riêng với đàn gà thịt. Và đặc biệt, trong khi người dân chủ yếu vẫn cho gà phối giống tự do, thì nguyên tắc bất di bất dịch của anh Sơn là không bao giờ cho lai đồng huyết. Dù trang trại có sẵn gà trống rất đẹp nhưng anh vẫn đi cách huyện, sang Đô Lương mua một lúc 60- 70 con gà trống để về đạp mái, nhằm giữ gìn chất lượng đàn gà.

Trong nhà có máy đập, mỗi vụ mùa, anh mua về hàng chục tấn ngô, lúa để làm thức ăn cho gà, thức ăn công nghiệp chỉ được coi là giải pháp khi lúa, ngô quá đắt. Dù nuôi theo quy mô lớn, nhưng có những nguyên tắc anh chị cương quyết giữ. Gà trong trang trại hoàn toàn là giống gà cỏ, không hề có gà lai, “gà công nghiệp”. Hàng ngày, khi có nắng lên, đàn gà được thả ra đồi, ăn thêm thức ăn tự kiếm.

Bởi vậy, dù không phải là những con gà đồi được người dân thả rông, vốn được khách sành ăn cực kỳ ưa chuộng, nhưng gà trong trang trại của gia đình anh Sơn luôn đắt khách. Anh cho biết: gà thịt ở đây nuôi tận 4- 4,5 tháng mới bán chứ không gói gọn được trong 3 tháng như các giống gà lai, thế nhưng gà trống cũng chỉ nặng 1,8- 2,2 kg, gà mái 1,4- 1,6 kg là “kịch kim” chứ không có lớn hơn, thịt ngon và chắc.

Thanh Chương là huyện có tiềm năng trong phát triển gà đồi. Ngoại trừ một số xã đồng bằng nằm ven bờ con sông Lam, còn lại toàn huyện có khoảng 32 xã có diện tích vườn đồi tương đối lớn, có thể chăn thả gà đồi. Huyện cũng nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, có đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 46 chạy qua, thuận tiện cho giao thương, đi lại cả vào trong Nam, ra ngoài Bắc.

Bên cạnh đó, với khoảng 6.000 ha ngô, 13.000 ha lúa mỗi năm, lại nằm cạnh những địa phương chuyên sản xuất nông nghiệp như Đô Lương, Nam Đàn, nguồn thức ăn cho gà rất dồi dào. “Tất cả những yếu tố đó, cộng thêm việc gà đồi Thanh Chương vốn đã có “thương hiệu” trong người dân, đã thúc đẩy chúng tôi quyết tâm xây dựng nên một thương hiệu gà đồi Thanh Chương”- Phó bí thư huyện ủy Thanh Chương- ông Đặng Anh Dũng cho biết.

Dăm bảy năm lại đây, đã có nhiều hộ tăng quy mô nuôi theo hướng tự phát, với khoảng 1.500- 2.000 con/trang trại, tập trung nhiều ở các xã vùng đồi Thanh Mỹ, Thanh Chi, Thanh Ngọc… Để học hỏi kinh nghiệm, Thanh Chương đã tổ chức cho lãnh đạo huyện, các xã và một số hộ dân có điều kiện phát triển gà đồi đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở vùng gà đồi Yên Thế (Bắc Giang).

Qua khảo sát Thanh Chương thậm chí còn có những lợi thế hơn vùng nuôi gà đồi nổi tiếng này, ở địa bàn rộng, giao thông đi lại cực kỳ thuận tiện. Hiện tại, huyện đã có ý tưởng về xây dựng đề án đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng trang trại, cố gắng phấn đấu mức tối thiểu 1.000 con/hộ ở những hộ đăng ký tham gia.

Huyện sẽ tổ chức hướng dẫn ban hành quy trình kỹ thuật chăn nuôi đúng quy trình, đồng thời hình thành nên một số hộ chăn nuôi gà giống để cung cấp giống cho các hộ chăn nuôi gà thịt, đăng ký thương hiệu gà đồi Thanh Chương.


Có thể bạn quan tâm

thiet-lap-chuoi-thuc-pham-an-toan-trong-chan-nuoi-lon Thiết Lập Chuỗi Thực Phẩm… trung-mua-ca-bong-lau Trúng Mùa Cá Bông Lau