Gặp nữ hoàng chanh không hạt miền Tây
Mười năm trước, bà Bùi Thị Ba, 56 tuổi, quê Bến Lức có 2 ha đất phèn nên chỉ trồng được mía, do giá cả bấp bênh nên thường xuyên thua lỗ, gia cảnh chỉ đủ ăn.
Năm 2000, bà Ba chặt mía chuyển sang trồng cây sơ ri, nhưng do tốn nhiều chi phí thuê người chăm sóc nên tiếp tục thua lỗ. Bà lại chuyển sang nuôi gà công nghiệp, nhưng trong dịch cúm vào năm 2003, đàn gà bị tiêu hủy, bà Ba lâm cảnh nợ nần khi thiệt hại lên đến vài trăm triệu đồng.
Không chịu thua, sau đó không lâu bà lại gượng dậy đi nhiều nơi để tìm mô hình làm ăn hiệu quả. Trong một lần thăm vườn của bạn ở Bình Dương, bà Ba chú ý đến cây chanh không hạt thời điểm đó có giá cao gấp 10 lần chanh bình thường. Bà về bàn với chồng gom góp tiền đến một số tỉnh miền Tây và Viện nghiên cứu cây quả miền Nam để học hỏi kinh nghiệm trồng chanh không hạt.
Sau thời gian học hỏi kỹ thuật, đầu năm 2006, bà Ba quyết định đốn toàn bộ vườn sơ ri đang cho trái chuyển sang trồng chanh không hạt. Thời điểm này ở Long An và miền Tây gần như chưa có loại cây này.
“Khi chanh cho trái mùa đầu tiên thì lũ về, khoảng 70% vườn cây bị ngập nước thối rễ chết. Tôi hoảng quá xuống Đại học Cần Thơ nhờ các chuyên gia giúp đỡ cứu được phần còn lại, nhưng đến khi thu hoạch xong thì tiếp tục dở khóc dở cười”, bà Ba nhớ lại. Bởi khi chở chanh ra các chợ, thương lái đều lắc đầu vì so với chanh thường, khích cỡ chanh không hạt trông quá... khủng. Sau đó, người con trai của bà phải bỏ ra 2 tháng "ăn bờ ngủ bụi", chở chanh đến các nhà hàng, chợ đầu mối ở TP HCM để... cho không, và không quên lưu lại địa chỉ.
Lạ là với cách tiếp thị độc đáo này, chỉ một thời gian ngắn, với giá cả phải chăng, chanh không hạt của bà Ba thu hút nhiều khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tìm đến đặt hàng, khiến gia đình bà thời điểm đó phải thuê thêm đất mới đủ chỗ trồng.
Đến năm 2008, không chấp nhận qua trung gian, bà Ba tự đứng ra xuất khẩu chanh của gia đình, sau đó kiêm luôn đầu nậu mua chanh cho các hộ dân trong vùng. Bà còn mạnh dạn bỏ ra 800 triệu đồng thuê người chế tạo máy làm sạch và phân loại chanh.
Từ 2ha đất ban đầu, chỉ trong vòng mười năm, bà Ba mua thêm 10ha đất và thuê tiếp 20ha của nông dân trong vùng để mở rộng canh tác. Vậy mà sản phẩm vẫn không đủ cung cấp cho nhiều siêu thị tại TP HCM. Hiện nay, mỗi ngày nông trại này còn xuất khoảng 40 tấn chanh đi Singapore, Thái Lan và các nước Trung Đông, thu lãi gần 3 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài cơ sở chính ở Long An, bà Ba còn có một cơ sở thu mua khác ở TP Cần Thơ để gom hàng từ các tỉnh miền Tây.
Ngoài chuyện kinh doanh, bà Ba còn giúp nhiều công nhân ở nông trại làm giàu. Trước đó, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga ở Bến Lức không có đất đai, sống qua ngày bằng nghề làm thuê. Bà Ba thấy hai vợ chồng thật thà, chịu khó nên nhận vào làm công nhân. Được vài năm, khi đã tin tưởng bà đứng ra thuê 0,5ha đất, hỗ trợ cả cây chanh giống cho chị Nga trồng. Buổi sáng, chị Nga làm tại cơ sở của bà Ba, chiều về chăm sóc chanh nhà mình. 6 năm sau, chị Nga đã tích lũy được 1ha đất trị giá hàng tỷ đồng. Khi thấy chị Nga đã có vốn, bà Ba vận động chị nghỉ việc ở nông trại để ra làm ăn riêng. Nhiều công nhân có con nhỏ còn được bà Ba cất nhà cho ở để yên tâm làm việc.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, đến nay, địa phương đã tăng diện tích chanh không hạt lên gần 500 ha và đang là cây trồng cải thiện đáng kể đời sống người dân, trong đó, công lao tiên phong là của bà Ba.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ