Mô hình kinh tế Giá Lúa Ở Mức Cao Lúc Nông Dân Hết Lúa

Giá Lúa Ở Mức Cao Lúc Nông Dân Hết Lúa

Ngày đăng 07/01/2014

Khoảng 1 tháng qua, giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL ở mức cao, nhưng thời điểm giá này, nông dân không còn lúa để bán và đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014. Nông dân không đủ điều kiện tạm trữ để chờ giá nên luôn chịu thiệt thòi, hầu hết nông dân phải bán lúa tươi tại ruộng ngay khi thu hoạch.

Ngày 2-1-2014, đang "chỉ huy" người làm sạ 5 ha lúa đông xuân của gia đình, lão nông Nguyễn Văn Lam, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, nói: "Lúc giá lúa lên cao, nông dân ở đây không còn lúa bán nên tiếc lắm. 42 tấn lúa vụ hè thu vừa rồi của tôi vì không có điều kiện trữ lại, phải bán hết với giá 4.300-4.400 đồng/kg tại ruộng.

Hơn 1 tháng nay, giá lúa tăng vùn vụt, lúc cao điểm giá lúa tăng tới mức 5.300 đồng/kg lúa tươi giống IR50404. Vụ lúa đông xuân 2013-2014, nước lũ rút chậm, nông dân xuống giống trễ, phải đến tháng Giêng, tháng 2 (âm lịch) mới có thu hoạch. Giá lúa đang giảm, nông dân tụi tôi chỉ biết thở dài và hồi hộp chờ giá ngày thu hoạch lúa tới".

Nông dân Trần Văn Màn, ngụ tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: "Tôi đang giặm 2ha lúa đông xuân 2013-2014 mới xuống giống được 16 ngày tuổi. Vụ này, tôi làm giống Jasmine, vừa qua thương lái mua với giá 8.000 đồng/kg, tôi đang hy vọng giá lúa này sẽ giữ tới lúc thu hoạch vụ đông xuân, nhưng cũng chưa chắc ăn".

Vụ hè thu 2013 rồi, ông Màn làm lúa chất lượng cao nhưng chỉ bán được 4.300-4.400 đồng/kg tại ruộng, lúa khô chưa tới 5.000 đồng/kg. "Khi chuẩn bị xuống giống đông xuân, thương lái đến tận nhà mua từ 5.500-5.900 đồng/kg, có lúc lên tới 6.100-6.200 đồng/kg nhưng số người còn lúa chỉ đếm trên đầu ngón tay"- ông Màn nói.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thời điểm này, nông dân Cần Thơ đã xuống giống lúa đông xuân đạt 100% diện tích. "Nông dân không còn lúa để bán với giá cao.

Điệp khúc này cứ lặp đi lặp lại nhiều năm qua"- ông Quỳnh nói. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhìn nhận: Đây là một thiệt thòi rất lớn! Cái khó hiện nay là nông dân không có khả năng và điều kiện trữ lúa lâu dài, chờ giá cả thuận lợi để bán và đặc biệt là thiếu thông tin thị trường lúa gạo.

Giá lúa ở mức cao, nông dân không còn lúa để bán và khi nông dân ĐBSCL chuẩn bị thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014, giá lúa lại bất ngờ giảm nhẹ, khiến nhiều nông dân thấp thỏm. Sau một thời gian có xu hướng tăng, hiện giá nhiều loại lúa gạo tại vùng ĐBSCL đã giảm trở lại khoảng 200-300 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tuần.

Giá lúa IR50404 đã phơi, sấy khô tại nhiều tỉnh ĐBSCL như: Kiên Giang, Bạc Liêu… từ mức 5.700 – 5.800 đồng/kg hiện giảm xuống chỉ còn 5.400-5.500 đồng/kg (lúa tươi khoảng 4.800-4.900 đồng/kg). Giá nhiều loại lúa hạt dài từ 5.950 – 6.100 đồng/kg giảm xuống còn 5.700-5.900 đồng/kg (lúa khô), lúa tươi chỉ 5.200-5.300 đồng/kg. Trong khi đó, gạo lứt nguyên liệu xuất khẩu đang được nhiều doanh nghiệp tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận thu mua với giá 7.300-7.500 đồng/kg.

Giá lúa gạo trong nước không thể tiếp tục duy trì đà tăng như cách đây một vài tuần do hoạt động thu mua không được các doanh nghiệp và cơ sở thu mua đẩy mạnh như trước. Bởi đang vào thời điểm giáp vụ, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tạm thời ngừng thu mua để duy tu máy móc và nhà xưởng nhằm sẵn sàng cho vụ thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014.

Riêng các doanh nghiệp và cơ sở thu mua lúa gạo để phục vụ cho thị trường nội địa trong dịp Tết Nguyên đán 2014 đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, tạm thời chưa cần tăng cường lấy thêm hàng do sức của thị trường hầu như chưa có biến động tăng. Theo nhiều tiểu thương kinh doanh lúa gạo, giá lúa gạo có khả năng sẽ còn giảm nhẹ trong thời gian tới.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết: "Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên ào ạt bán lúa ra ngay lúc thu hoạch rộ mà nên đầu tư tạm trữ lúa tại nhà, chờ giá thuận lợi.

Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp nhằm giảm tối đa giá thành sản xuất; giảm tối đa các khâu trung gian trong chuỗi sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống kho chứa, phơi sấy lúa đáp ứng nhu cầu của toàn vùng".

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: "Phải tập trung đẩy mạnh nhân rộng các cánh đồng mẫu lớn liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất theo chuỗi ngành hàng; phân chia lợi nhuận một cách công bằng, hợp lý.

Đồng thời, khuyến khích thành lập các công ty cổ phần nông nghiệp, hợp tác xã kiểu mới để nông dân chủ động sản xuất, quyết định giá cả sản phẩm làm ra…". Có làm một cách bài bản như vậy, sản xuất lúa phải sớm đi vào "quỹ đạo", người trồng lúa mới có lợi nhuận cao.


Có thể bạn quan tâm

phu-xanh-cat-trang-nho-da-dang-hoa-cay-trong Phủ Xanh Cát Trắng Nhờ… san-xuat-khao-nghiem-cac-giong-lua-chiu-man Sản Xuất Khảo Nghiệm Các…