Mô hình kinh tế Giải pháp nâng chất lượng đàn trâu

Giải pháp nâng chất lượng đàn trâu

Ngày đăng 02/06/2015

Nghệ An là một trong những tỉnh có tổng đàn trâu lớn so với cả nước. Tính đến tháng 4/2015, trên địa bàn toàn tỉnh có 297.722 con trâu, trong đó có 71% (210.155 con) được nuôi ở các huyện miền núi. Giống trâu chủ yếu là trâu Phủ Quỳ và Thanh Chương với ngoại hình tương đối to, khỏe.

Tuy nhiên, do điều kiện chăn thả tự do, lai đồng huyết khá phổ biến nên tỷ lệ trâu phối giống đạt thấp, có xu hướng giảm về khối lượng và chất lượng giống. Trong khi đó, việc chăn nuôi trâu đang có xu hướng chuyển dần từ mục đích lấy sức kéo sang nuôi lấy thịt, vì vậy, đòi hỏi người chăn nuôi phải thay đổi nhận thức, cách làm và trang bị những kiến thức khoa học kỹ thuật (KHKT) mới để phát triển chăn nuôi trâu, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trước nhu cầu cấp thiết cải tạo giống trâu, từng bước khắc phục hiện tượng cận huyết, cải thiện tầm vóc của đàn trâu, Trung tâm Giống chăn nuôi Nghệ An đã triển khai Đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng giống trâu” bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Quy mô thực hiện tại các xã Thanh Khê, Thanh Long, Thanh Ngọc, Võ Liệt (Thanh Chương); xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Bình (Tân Kỳ); xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn). Triển khai dự án, nguồn giống trâu đực nhân tạo Murrah có nguồn gốc từ Ấn Độ được cung cấp để phối cho 150 con trâu cái địa phương.

Mô hình đối chứng theo dõi có 6 con trâu đực khỏe (500 kg/con) cho phối giống trực tiếp với 156 con trâu cái. Qua quá trình chăm sóc cả 2 mô hình đều có cùng chế độ nuôi dưỡng như nhau, đàn trâu phối giống nhân tạo đã sinh sản được 50 con nghé lai F1 có trọng lượng sơ sinh bình quân đạt 29,4 kg/con, đến 12 tháng tuổi đạt 216,4 kg/con. Ở mô hình đối chứng phối giống trực tiếp đàn trâu có tỷ lệ sinh sản cao hơn, được 73 con nghé, nhưng nghé sơ sinh chỉ nặng 23,4 kg/con, sau 12 tháng tuổi nặng 194 kg/con. Tính nổi trội của mô hình phối giống nhân tạo là con nghé và trâu đều có trọng lượng tăng hơn hẳn so với giống phối trực tiếp.

Qua ứng dụng đề tài, tại huyện Thanh Chương đã lai tạo được 20 con nghé F1 giống trâu Murral, ở Tân Kỳ được 17 con, Nghĩa Đàn được 13 con. Sản phẩm trâu sau lai tạo có trọng lượng lớn hơn, tốc độ sinh trưởng, phát triển tăng khoảng 15% so với giống trâu nội. Dự án đã tổ chức cho 600 lượt hộ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu; hỗ trợ giống cỏ cho 30 hộ tham gia dự án và đã trồng được 10.000 m2 cỏ VA06; hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật dự trữ thức ăn sản xuất bánh dinh dưỡng. Áp dụng công nghệ điều trị chậm sinh bằng việc sử dụng hóc môn để nâng cao khả năng sinh sản ở đàn trâu cái...

Anh Dương Phúc Văn ở xóm Tiền Phong, xã Kỳ Sơn (huyện Tân Kỳ) cho biết: “Gia đình tôi đã nuôi trâu cái sinh sản từ nhiều năm, song trong xóm không có trâu đực tốt để phối giống, vì vậy, mấy năm trâu mới đẻ một lần.

Được cán bộ Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh giới thiệu về phương pháp truyền tinh nhân tạo giống trâu ngoại có trọng lượng lớn, gia đình tôi cũng mạnh dạn ứng dụng. Sau 15 tháng, trâu đã đẻ được một con nghé khoảng 34 kg, nặng gần gấp rưỡi so với nghé đẻ bằng phương pháp nhảy trực tiếp”... Là địa phương có thế mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, những năm gần đây, người dân Kỳ Tân đã chú trọng phối giống trâu để tạo ra nghé lai có ưu điểm tăng trọng nhanh, khối lượng lớn, ngoại hình đẹp, được thị trường ưa chuộng. Hiện tổng đàn trâu của toàn huyện Tân Kỳ có 29.526 con trâu, từ năm 2013 đến nay đã có 34 con nghé lai giống Murrah ra đời.

Giống trâu lai có ngoại hình đẹp, con trưởng thành bình quân trên 5 tạ thịt nên có thể tăng sức cày kéo, vận chuyển vật tư, sản phẩm thu hoạch cho bà con tại nhiều đồng ruộng. Đặc biệt, trong cùng một giai đoạn sinh trưởng (khoảng 18 tháng tuổi) thì giống trâu lai dùng để lấy sức cày kéo được người mua lựa chọn với mức giá đạt từ 23 - 25 triệu đồng/con, tăng 1,5 lần so với giống trâu truyền thống (15 - 17 triệu đồng/con). Và nếu bán làm hàng hóa thì lượng thịt cũng lớn hơn. Theo ông Lê Khắc Lương, Trạm trưởng Trạm Giống chăn nuôi Tân Kỳ: “Thông qua dự án, người dân đã được tiếp cận tiến bộ KHKT đối với công tác đưa giống mới vào chăn nuôi, biết cách chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại và cách phòng trừ dịch bệnh. Đội ngũ dẫn tinh viên cũng được đào tạo bài bản về công tác phối giống trâu...”.

Với tổng đàn trâu 18.255 con, năm 2014, huyện Anh Sơn cũng đã khảo sát, chọn lọc được 200 con trâu cái địa phương có vóc dáng to, khỏe để tiến hành thụ tinh nhân tạo. Đến thời điểm này đã có 12 con nghé ra đời và 130 con trâu đang có chửa. Đánh giá từ mô hình gia đình anh Nguyễn Sỹ Thanh ở xóm 5, xã Cẩm Sơn, hộ anh Trần Đăng Anh ở xóm 5, xã Tường Sơn đều cho thấy, trâu lai F1 Murrah có trọng lượng trưởng thành cao, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với môi trường nuôi.

Chi phí để phối giống thấp hơn so với chi phí nuôi trâu đực giống và có thể triển khai trên diện rộng cùng một thời điểm, rút ngắn chu kỳ sinh sản cũng như chi phí đầu tư ban đầu, giảm tỷ lệ cận huyết, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, đồng thời cải tạo được chất lượng và tăng số lượng đàn trâu trong tương lai.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Giống chăn nuôi Nghệ An, tính đến tháng 4/2015, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 200 con trâu lai F1 giống Murral ra đời; riêng trong năm 2014, đã có 1.322 liều tinh trâu nội và trâu ngoại cấp cho Trung tâm Giống chăn nuôi thực hiện tại 3 huyện làm mô hình thí điểm nêu trên và cấp cho TP Vinh, huyện Anh Sơn, Nam Đàn, Yên Thành. Năm 2015, công tác cải tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tiếp tục được thực hiện trên địa bàn tỉnh, dự kiến có khoảng 1.500 liều sẽ được phối giống tại các địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Vĩnh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giống chăn nuôi thì: “Do đặc thù trâu nuôi theo hình thức thả rông, mang tính bầy đàn cao, khó khăn lớn nhất trong việc nâng cao khả năng sinh sản của trâu cái là phát hiện động dục. Các phương pháp phát hiện động dục thông qua các triệu chứng chưa được khẳng định chắc chắn, bởi biểu hiện động dục của trâu thường âm thầm. Điều này đã gây khó khăn cho việc áp dụng rộng rãi kỹ thuật thụ tinh nhân tạo ở trâu.

Để đạt kết quả cao trong việc thụ tinh nhân tạo, đòi hỏi chủ hộ chăn nuôi phải phát hiện được thời điểm phối giống, báo cáo kịp thời với dẫn tinh viên thôn xóm. Về lâu dài, cần hình thành các trang trại chăn nuôi lớn để chủ động được nguồn giống phục vụ nhu cầu cho bà con nông dân. Phương pháp thụ tinh nhân tạo trên đàn trâu là một kỹ thuật mới, vì vậy các địa phương cần tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình để người dân hiểu rõ hơn và áp dụng vào chăn nuôi”.


Có thể bạn quan tâm

binh-dinh-dàu-tu-dụ-án-chan-nuoi-chát-luọng-cao Bình Định đầu tư dự… binh-thuan-chuyen-dich-chan-nuoi-tu-nho-le-sang-quy-mo-lon Bình Thuận chuyển dịch chăn…