Tin thủy sản Giải pháp nuôi thủy sản trong điều kiện biến đổi khí hậu

Giải pháp nuôi thủy sản trong điều kiện biến đổi khí hậu

Tác giả PGS. TS Nguyễn Văn Kiểm, ngày đăng 19/11/2019

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích gần 4 triệu ha (trong đó có trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 700 ngàn ha đất nuôi trồng thủy sản). Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, vùng hạ lưu sông Mê Kông (Việt Nam) được xếp trong nhóm cực kỳ nguy cấp do biến đổi khí hậu.

Diễn biến khí hậu hiện nay và tương lai là những yếu tố bất lợi cho sản xuất, sinh kế và đời sống của người dân ĐBSCL. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng phải có những thay đổi để phù hợp với thay đổi của thiên nhiên để có thể mang lại hiệu quả trong sản xuất.

1. Thay đổi cơ cấu cơ cấu loài thả nuôi theo khả năng chịu mặn

Theo dự báo, tùy theo mức độ xâm nhập mặn vào nội địa, ĐBSCL sẽ hình thành 7 vùng có độ mặn khác nhau. Như vậy cũng sẽ hình thành vùng nuôi thủy sản khác nhau tùy theo khả năng thích ứng với độ mặn của từng loài.

Ở các thủy vực nước ngọt (độ mặn nhỏ hơn 4‰) nên thả những loài như cá mè lúi, mè hôi, cá hô.

Những thủy vực có độ mặn 5-10‰ có thể thả nuôi được nhiều loài như cá chẽm, rô phi, cá nâu, sặc rằn, rô đồng, cá lóc, cá tra, tai tượng, …  Cần lưu ý, những loài cá này (trừ cá chẽm, cá nâu) có thể sống trong môi trường nước có độ mặn cao hơn 10‰ nhưng sinh trưởng rất chậm, vì vậy chỉ nên nuôi chúng trong môi trường có độ mănn thấp hơn  9‰.

Tôm sú, tôm thẻ chân trắng được thả nuôi trong thủy vực có độ mặn từ 10 - 25‰, nhưng thích hợp nhất là 15-20‰. 

Đối với những thủy vực có độ mặn cao hơn 20‰ có thể quy hoạch thả nuôi cá mú, cá giò, tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

Điều chỉnh cơ cấu đối tượng nuôi đồng nghĩa với việc chọn hình thức nuôi đơn hoặc nuôi ghép. Thực tế nghi nhận nuôi ghép thường có hiệu quả kinh tế cao, gặp ít rủi ro (trừ trường hợp nuôi thâm canh và siêu thâm canh).

2. Xác định thời vụ thả nuôi theo nhiệt độ

Mỗi loài thủy sản chỉ thích ứng trong một dải nhiệt độ nhất định. Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển 25 - 30oC, lớn hơn 35oC hoặc thấp hơn 12oC kéo dài sẽ làm tôm sinh trưởng chậm.

Đa số các loài cá nuôi ở ĐBSCL đều là loài cá nhiệt đới, nhiệt độ thích hợp để thả nuôi dao động từ 25-32oC. Nếu nhiệt độ cao hơn 35oC hoặc thấp hơn 20oC kéo dài, cá giảm bắt mồi, sinh trưởng chậm và giảm khả năng chịu đựng với môi trường. Các loài tôm, cá nuôi hiện nay rất nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ. Chỉ cần thay đổi với biên độ 1oC cũng tác động rất lớn đến khả năng tiêu hóa, bắt mồi, sinh trưởng và giảm khả năng đề kháng của cơ thể với môi trường, làm tăng nguy cơ bệnh tật. 

Cần coi trọng lịch thời vụ thả giống tôm của các cơ quan quản lý nhà nước. Đối với tôm sú có thể thả 2 đợt: đợt 1 từ tháng 1 đến tháng 9 và đợt 2 từ  tháng 11 đến 12 hằng năm. Đối với tôm thẻ chân trắng có thể thả nuôi từ tháng 11 năm trước tới tháng 9 năm sau. Riêng đối với hình thức nuôi tôm quảng canh, nuôi trong nhà màng, có thể thả nuôi quanh năm.

Mặc dù chưa có lịch thời vụ đối với từng loài cá nuôi nhưng theo thực tế thì những nơi thả cá đầu vụ và chính vụ thường đem lại kết quả cao hơn so với những nơi thả nuôi vào cuối vụ.

3. Chọn mô hình nuôi và mật độ thả

Vấn đề chọn mô hình nuôi phù hợp với điều kiện thực tế rất quan trọng. Xác định đúng mô hình nuôi sẽ tiết kiệm được chi phí, giảm rủi ro do bệnh tật … Nhiều mô hình nuôi tôm biển, nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu và mặn xâm nhập đã thực hiện ở ĐBSCL và thu được kết quả khả quan.

Nuôi tôm trong ruộng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long được coi là mô hình canh tác nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao tại nhiều địa phương trong vùng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Có nhiều hình thức như nuôi luân canh, xen canh hoặc luân canh gối vụ. Mỗi hình thức nuôi đều có ưu nhược điểm riêng. Vì vậy, tùy điều kiện cụ thể người nuôi có thể chọn hình thức nuôi phù hợp.

Hình thức luân canh gối vụ, sau 1-2 vụ nuôi tôm, có thể tiến hành nuôi rô phi hoặc cá chẽm để cắt đứt vòng đời của mầm bệnh trong ao, sau đó lại thả tôm vào vụ tiếp.

Ngoài ra, đối với những ao nước tĩnh hoặc không có nguồn nước tốt có thể nuôi tạo dòng chảy trong ao. Cá được thả nuôi trong các hồ xây trong ao, phần cuối hồ là lưới chắn giữ cá, sau khi nước ra khỏi bể nuôi sẽ được tuần hoàn trở sau khi qua xử lý ở phần ngoài ao (phần ao ngoài hồ có thể thả lục bình để xử lý nước và thả những loài cá ăn phù du, mùn bã hữu cơ). Hình thức nuôi như vậy có thể tăng mật độ nuôi, tỷ lệ sống của cá có thể đạt 85-90%, sau 6-7 tháng nuôi có thể thu hoạch.

- Mật độ thả nuôi: Tùy theo mô hình nuôi và điều kiện của ao mà chọn mật độ thả thích hợp nhưng người nuôi cần tuân theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật.

Dưới đây là mật độ thả tôm thẻ chân trắng và tôm sú do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông sản - thủy sản đề nghị:

Mật độ thả tôm thẻ chân trắng và tôm sú Độ sâu ao Mật độ thả (PL12-PP15)/m2
Tôm Thẻ chân trắng Tôm sú
Bán thâm canh H ≈ 1m 10-15 10-20
Thâm canh H > 1,2m 45-60 25-40
Thâm canh cao H > 1,4m 200-250
Quảng canh cải tiến (đầm, đìa nuôi có diện tích lớn) H < 1m 5-7
Quảng canh (đầm, đìa nuôi có diện tích lớn) H<1m 2-4

 

Đối với hình thức nuôi quảng canh, thu hoạch tôm lớn sau 60-70 ngày nuôi và thả bù 10-20% so với mật độ thả ban đầu.

4. Chất lượng con giống

Hiện nay, đàn tôm bố mẹ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) trong nước thiếu trầm trọng, do đó phải nhập từ Thái Lan, Trung Quốc hoặc châu Mỹ. Tuy nhiên, nguồn tôm bố mẹ và tôm bột (post larvae) nhập khẩu có thể chưa được kiểm dịch một cách chặt chẽ về nguồn bệnh, chất lượng con giống ngay từ cửa khẩu.

Để nâng cao chất lượng tôm giống, các Viện nghiên cứu, Trường Đại học cần đầu tư nghiên cứu (hoặc kết hợp với các công ty có tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật) tạo tôm bố mẹ trong nước như: gia hóa, thuần hóa, sử dụng công nghệ gen tạo ra đàn tôm sinh sản có chất lượng cao (tăng trưởng nhanh, kháng bệnh tốt…). Ngoài ra cũng cần khuyến khích các cơ sở sản xuất tôm giống có chất lượng cao nâng cao năng suất, đầu tư, cải tiến biện pháp kỹ thuật để có thể ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất với thời gian ngắn nhất.

5. Quản lý dịch bệnh

Cần coi trọng biện pháp phòng bệnh hơn trị bệnh. Theo Tổng cục Thủy sản, sau đây là một số pháp chính sau:

- Tăng cường quản lý và giám sát vùng nuôi, bao gồm

Thời gian thả giống: Cần được thông tin rộng rãi, cụ thể tới từng hộ nuôi. Cần xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ lịch thời vụ đã được ban hành.

Thả nuôi đúng mật độ đã khuyến cáo, không thả mật độ quá cao.

Chế độ chăm sóc quản lý (thức ăn, chất lượng nước) hợp lý.

Xử lý triệt để ao nuôi khi có dịch bệnh xảy ra.

Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất tôm giống, kiên quyết xử lý những trường hợp tôm giống không rõ nguồn gốc,

Chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh.

Tuyên truyền thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tuyên truyền trước mùa vụ nuôi và khi có dịch bệnh xảy ra.

Xác định quan điểm phòng chống dịch bệnh thủy sản, phòng là chính, áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, có sự tham gia phối hợp và chia sẻ thông tin của nhiều đơn vị liên quan nhất là người nuôi.

- Giám sát dịch bệnh và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bao gồm:

Thiết lập hệ thống giám sát dịch bệnh tới các cơ sở, tổng hợp thông tin dịch bệnh, phục vụ cho công tác cảnh cảnh báo và phòng chống dịch bệnh.

Khi có dịch bệnh phải kịp thời báo cáo đơn vị cấp trên để có biện pháp hướng dẫn người nuôi xử lý dịch bệnh hiệu quả, tránh lây lan

Định kỳ họp hàng tháng thú y tỉnh, huyện, xã để đánh giá công tác giám sát dịch bệnh, thảo luận và đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả cho thủy sản nuôi.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác giám sát, phát hiện và xử lý dịch bệnh thủy sản tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh.

- Quan trắc môi trường

Các cơ quan chuyên môn cần lấy mẫu nước thường xuyên ở khu vực có liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản thuộc các vùng nuôi để phân tích, đánh giá các thông số thủy lý, thủy hóa và thủy sinh. Thông báo, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, hạn chế nguy cơ dịch bệnh do môi trường cho người nuôi.

- Tập huấn phòng chống dịch bệnh thủy sản

Tổ chức tập huấn kiến thức về bệnh, các giải pháp phòng trị bệnh và các quy định phòng chống dịch bệnh cho người nuôi thủy sản. Chú trọng đến phổ biến các quy định mới của Nhà nước về công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản; các loại bệnh mới trên các đối tượng thủy sản nuôi.

6. Sản xuất gắn với thị trường

- Các cơ quan chức năng cần dự báo thị trường tiêu thụ và quy cách sản phẩm (phẩm chất, chủng loại,quy cách đóng gói, màu sắc, mùi vị sản phẩm, chất lượng sản phẩm) dựa vào tiêu chuẩn của từng thị trường.

- Hướng dẫn - Hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh đủ lớn cho từng loại ngành hàng để đảm bảo nhu cầu xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa.

- Hình thành chuỗi liên kết giữa người sản xuất, chế biến tiêu thụ, các hợp đồng liên kết như vậy cần dựa trên cơ sở pháp lý chặt chẽ để tránh tính trạng phá vỡ hợp đồng và cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất.

- Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm (giảm bớt tiến tới ngừng hẳn tình trạng xuất thô) để khắc phục tình trạng ép giá.

- Tránh hiện tượng đầu tư theo hội chứng đám đông vì sẽ phá vỡ cơ cấu sản xuất, tạo ra sự mất cân đối cung và cầu.

- Giảm chi phí các khâu trung gian để giảm giá thành sản phẩm.


Có thể bạn quan tâm

chu-dong-cac-bien-phap-de-nuoi-tom-an-toan-mua-lu Chủ động các biện pháp… giai-phap-kiem-soat-tao-lam-trong-ao-nuoi-thuong-pham Giải pháp kiểm soát tảo…