Trồng lúa Giống lúa chịu hạn DH39

Giống lúa chịu hạn DH39

Tác giả Nguyễn Hải, ngày đăng 11/12/2018

Giống lúa chịu hạn DH39 do TS. Lại Đình Hòe, ThS. Trần Văn Tứ, KS. Đỗ Minh Hiện, KS. Nguyễn Thị Cẩm Tú cùng cộng sự Viện Khoa học Nông nghiệp VN chọn tạo thành công.

Lúa DH 39 năng suất cao

DH39 đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống lúa sản xuất thử cho vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên từ tháng 08/2017.

Đặc điểm chính: Thời gian sinh trưởng 95 - 117 ngày ở vùng Nam Trung Bộ, 106 - 122 ngày ở vùng Tây Nguyên. Cây cao 95 - 100cm. Khả năng đẻ nhánh trung bình. Trỗ thoát cổ bông. Trọng lượng 1.000 hạt đạt 25 - 26gram. Năng suất trung bình đạt 60 - 65 tạ/ha trong điều kiện nước tưới bấp bênh. Giống có khả năng chịu hạn tốt. Nhiễm trung bình với bệnh đạo ôn và rầy nâu. Hạt thóc màu nâu. Cơm mềm, hàm lượng Amylose 23,5%.

Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật: Giống lúa chịu hạn DH39 thích hợp cho gieo cấy vụ Đông Xuân và Hè Thu ở những vùng nước tưới bấp bênh, vùng phụ thuộc vào nước mưa tại chỗ, và những vùng chủ động tưới tiêu.

Thời vụ gieo sạ cho vùng Nam Trung Bộ: Vụ Đông Xuân với các chân đất cao không chủ động tưới, ruộng sản xuất một vụ lúa/năm nhờ nước mưa tại chỗ, nên gieo từ cuối tháng 11 đến 15/12 để tranh thủ nước mưa đầu vụ và tránh gặp hạn vào cuối vụ. Vụ Hè Thu ở khu vực nước tưới bấp bênh, nên gieo vào cuối tháng 6 để thu hoạch lúa vào đầu tháng 10 cùng với lúa sản xuất vụ 3 (nếu có), tránh gặp mưa lớn, bão lụt thường xảy ra từ cuối tháng 10 và đầu tháng 11 hàng năm. Vụ Mùa với các vùng sản xuất phụ thuộc nước mưa tại chỗ, tranh thủ làm đất và gieo hạt (gieo khô) khi đất còn đủ ẩm.

Thời vụ gieo sạ cho vùng Tây Nguyên: Vụ Đông Xuân gieo từ 20/12 - 20/1 để lúa chín và thu hoạch trong tháng 4. Vụ Mùa gieo từ 10/6 - 30/7, thu hoạch lúa vào cuối tháng 10.

Lượng giống gieo sạ 110kg/ha. Kỹ thuật ngâm ủ hạt giống và thúc mầm áp dụng như các giống lúa thông thường khác.

Lượng phân bón/1ha: 5 - 10 tấn phân hữu cơ + 100kg N + 60kg P2O5 + 80kg K2O + 300kg vôi bột (nếu đất chua). Tương đương bón 500 - 1.000kg phân hữu cơ vi sinh + 217kg đạm urê + 122kg kali clorua + 500kg lân supe + 300kg vôi bột (nếu đất chua). Nên thay các loại phân hóa học đơn bằng NPK tổng hợp, nhưng cần qui đổi ra liều lượng đạm, lân, kali tương ứng nêu trên.

Cách bón: Bón lót toàn bộ lượng vôi trước khi làm đất lần 2. Phân chuồng bón sau khi rút cạn nước để bừa. Phân lân bón trước khi trang phẳng mặt ruộng để sạ giống. Bón thúc (lần 1) 30% lượng đạm urê sau sạ giống 10 - 12 ngày đổi với lúa Đông Xuân, và sau sạ giống 7 - 8 ngày đổi với lúa Hè Thu. Bón thúc (lần 2) 40% lượng đạm urê + 50% lượng kali clorua sau sạ giống 20 - 22 ngày đối với lúa Đông Xuân, và sau sạ giống 18 - 20 ngày đổi với lúa Hè Thu. Bón thúc (lần 3) 30% lượng đạm urê + 50% lượng kali clorua khi lúa có đòng dài 1 - 2mm (trước trỗ 20 - 22 ngày).

Chú ý thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại chính như sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh khô vằn, đạo ôn và nghẹt rễ lúa sinh lý... Cần phun phòng khi vết bệnh chớm phát sinh, phun trừ khi sâu non tuổi 1, tuổi 2.

Điển hình đã áp dụng thành công: Giống lúa chịu hạn DH 39 đã đưa và sản xuất thương phẩm đạt hiệu quả cao tại một số tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.


Có thể bạn quan tâm

giong-lua-moi-dh-815-6 Giống lúa mới ĐH 815-6 san-xuat-vu-lua-dong-xuan-2018-2019-cay-ai-som-cat-mam-benh Sản xuất vụ lúa đông…