Trồng lúa Giống nếp Hương và giống lúa chất lượng Hương Bình

Giống nếp Hương và giống lúa chất lượng Hương Bình

Tác giả Định Xuân, ngày đăng 15/06/2021

Vụ xuân 2021, Công ty Hồng Quang triển khai một loạt điểm sản xuất từ ĐBSH, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ. Đâu đâu nếp Hương và lúa Hương Bình cũng bội thu.

Giống lúa nếp Hương và giống lúa chất lượng Hương Bình do Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang - Ninh Bình (Công ty Hồng Quang) chọn tạo từ nguồn vật liệu nhập nội, giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận lưu hành tại Quyết định số 100/QĐ-TT-CLT ngày 7/5/2020 và QĐ số 125/QĐ-TT-CLT ngày 19/6/2020; đăng ký bảo hộ quyền tác giả, bằng bảo hộ số 34.VN.2021. Vùng công nhận lưu hành gồm các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Giống lúa nếp Hương

Có thời gian sinh trưởng ngắn, trong điều kiện thời tiết nghiêng rét của vụ xuân 2021, giống lúa này từ gieo sạ đến thu hoạch chỉ 125 ngày, vụ mùa trên dưới 100 ngày, thích hợp gieo cấy cả 2 vụ, chân đất vàn, vàn thấp. Cây cao trung bình 105-110cm, cứng cây chống đổ khá tốt. Dạng hình tổng thể của nếp Hương đẹp hơn N97 hoặc N98, đẻ nhánh trung bình, đẻ gọn, lá xanh đậm, lá đứng bản lá vừa phải, góc lá đòng hẹp và tuổi thọ lá đòng cao, lá đòng vẫn xanh khi bông lúa đã chín đỏ đuôi. Hạt bầu tròn, vỏ trấu màu vàng sáng, mã thóc khá hấp dẫn, tỷ lệ hạt chắc cao, ở vụ xuân 2021 hạt chắc đạt trên 95%, hạt to hơn N98, khối lượng 1000 hạt 26-27 g. Nếp Hương rất thích hợp cho chế biến tinh bột nếp, làm bánh và nấu rượu. Theo nhận xét của các hộ chế biến thì nếp Hương nấu rượu có tỷ lệ thu hồi rượu cao hơn các giống khác (N87 hoặc N97).

Về chất lượng: Nếp Hương có mùi thơm nhẹ, hơn hẳn N97 và N98, mặt gạo đồng màu, trắng đục và đều gạo, nếu thu tươi, sấy thì tỷ lệ gạo xát cao 69-70%, cơm dẻo, đỡ dính; độ mềm cơm gần tương đương N98.

Đặc biệt giống nếp Hương chống chịu tốt với bệnh đạo ôn, theo dõi 4 vụ, gồm cả các vụ có điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh đạo ôn phát sinh gây hại, các giống nhiễm bị cháy, nhưng nếp Hương vẫn an toàn, khô vằn và bạc lá ở vụ mùa cũng nhẹ, vì vậy gieo cấy nếp Hương chi phí thuốc bảo vệ thực vật thấp, tiết kiệm chi phí.

Nếp Hương cho năng suất khá cao, vụ xuân đạt trung bình 70-75 tạ/ha, thâm canh cân đối, chân ruộng tốt đạt 8,0-8,5 tấn/ha, trong khảo nghiệm nếp Hương vượt N97 10-12%.

Giống lúa năng suất, chất lượng cao Hương Bình

Giống có thời gian sinh trưởng 125-130 ngày vụ xuân và 100-105 ngày ở vụ mùa; thích hợp gieo cấy cả 2 vụ trong năm ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, chân đất vàn, vàn thấp.

Hương Bình có dạng cây gọn, đẻ nhánh khá, tỷ lệ thành bông cao, bông to trung bình, hạt xếp dầy, dạng hạt thon dài, vỏ trấu mỏng màu vàng sáng. Khối lượng hạt 23-24 g/1000 hạt, tỷ lệ gạo cao 67-68%, mặt gạo đẹp, trong gạo, chất lượng ăn uống được đánh giá là khá ngon, cơm mềm, dẻo, cơm nấu để qua đêm không bị ướt và vẫn duy trì độ dẻo, đậm cơm, hàm lượng amiloze 17-18%.

Về dạng hình tổng thể: Hương Bình có chiều cao cây trên dưới 110cm, lá có màu xanh đậm, bản lá dầy, cứng lá, chiều rộng bản lá trung bình 0,8-1cm, góc lá đứng, tuổi thọ lá công năng cao. Dạng hình chấp nhận thang điểm 1 (tốt nhất).

Hương Bình chống chịu khá với đạo ôn, khô vằn, chưa thấy rầy nâu gây hại nghiêm trọng, vụ mùa bạc lá rất nhẹ, chỉ ở chân ruộng trũng hẩu và bón đạm muộn. Nhược điểm của Hương Bình là cổ bông không thoát dài (cổ bông bằng 0-0,5cm).

Năng suất trung bình trên các chân đất ở vụ xuân đạt 7,5-8,5 tấn/ha (270-300kg/sào Bắc bộ).

Trúng mùa khắp mọi nơi

Vụ xuân 2021, Công ty Hồng Quang đã liên kết với một số doanh nghiệp chế biến, xay xát thóc gạo, triển khai một loạt các điểm sản xuất từ khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, và Duyên hải Nam Trung bộ. Đâu đâu nếp Hương và Hương Bình cũng bội thu, lúa thương phẩm 2 giống này lại được doanh nghiệp thu mua tươi với giá từ 6,0-6,7 ngàn đồng/kg khiến bà con nông dân vô cùng phấn khởi, vì vừa được mùa, vừa được giá lại đỡ công chi phí phơi rê.

Tại Quảng Nam, gia đình ông Nguyễn Văn Chu, Hợp tác xã Điện An 1, huyện Điện Bàn cấy già 1.000 m2 giống Hương Bình, thu 1.080 kg lúa tươi, quy khô hơn 8 tấn/ha. Gia đình bà Nguyễn Thị Lĩnh, xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An cấy 1,5 ha giống nếp Hương, thu trên 13 tấn lúa tươi, năng suất 8,6 tấn/ha. Ông Hoàng Văn cũng ở Yên Thành, xóm 7, xã Công Thành cấy 5.000m2 (5 sào Trung bộ) giống Hương Bình thu bình quân 460 kg thóc tươi/sào.

Tại Lệ Thủy - Quảng Bình, nhiều vùng nguyên liệu bà con gieo cấy giống lúa Hương Bình và nếp Hương cũng đều đạt năng suất khủng 400-450kg/sào Trung bộ, nhiều người nói chưa thấy vụ nào lúa tốt và nhiều thóc như vụ này, ông trời đền bù cho thiệt hại lũ lụt vụ trước, mất hết cả giống má, của nả...

Tại Quảng Xương, Nông Cống (Thanh Hóa), 4 vùng nguyên liệu gieo cấy nếp Hương và Hương Bình có hợp đồng thu mua với doanh nghiệp đều trúng mùa, được giá.

Tại Ninh Bình, HTX Khánh Trung, huyện Yên Khánh, chúng tôi gặp đoàn các hộ nông dân và HTX dịch vụ nông nghiệp thăm đồng đánh giá 2 giống này ngoài đồng ruộng vụ xuân, ngày 25 tháng 5 năm 2021. Hộ ông Suất tại thôn 7 xã Khánh Trung nhận xét, ông đã cấy giống nếp Hương mấy vụ rồi, rất thích vì nó cứng cây, chống đổ tốt và nhất là không bị đạo ôn, khi thu hoạch lại có doanh nghiệp cân tươi, giá cao. Bà Lại Thị Hảo cũng ở Khánh Trung có nhận xét tương tự ông Suất và nói sẽ mở rộng các vụ sắp tới 2 giống lúa này.

Ông Đinh Văn Thuyết, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Khánh Trung cùng đánh giá thực tế ngoài đồng ruộng với nhóm nông dân tiên tiến nói với PV rằng: Qua 3 vụ rồi, nông dân đánh giá cao 2 giống này và nó lại do một doanh nghiệp ở huyện chọn tạo, người thật, việc thật, chúng tôi chứng kiến cán bộ kỹ thuật của công ty lặn lội chọn lọc, đo đếm và đưa ra thử nghiệm, so sánh, rồi ra diện đại trà, tin tưởng lắm. Vụ sau chúng tôi có kế hoạch đưa ra 140-150 ha. Ở xã đây, thương lái vào cũng mua tươi và còn tranh nhau, thôn và xã phải xếp lịch và địa điểm.

Tại Yên Mô, Ninh Bình, với điểm 10 ha giống Hương Bình, năng suất tươi bình quân 280 kg/sào Bắc bộ, nhiều hộ trên 300 kg tươi/sào Bắc bộ.

Doanh nghiệp thu tươi trả cho dân 6.000 – 6.500 đ/kg tùy loại. Với mức năng suất bình quân 8,5- 10 tấn/ha lúa tươi, tính ra nông dân thu về trung bình 56-57 triệu đồng/ha, tổng chi phí từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công làm đất (90.000đ/sào BB, tương đương gần 2.500.000đ/ha, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp 100.000đ/sào, tương đương 2.800.000đ/ha…). Theo tính toán dồn hết tất cả mọi khoản chi phí, mỗi ha hết 19,5 triệu đến già 20 triệu đồng, như vậy vụ này với giống nếp Hương và Hương Bình nông dân bỏ ra 100.000 đồng sẽ thu lại 280.000 đồng, lợi nhuận thuần là 25-26 triệu đồng/ha.


Có thể bạn quan tâm

nhung-luu-y-cho-su-khoi-dau-cua-cay-lua Những lưu ý cho sự… giong-lua-lai-long-huong-8117 Giống lúa lai Long Hương…