Mô hình kinh tế Giúp Cây Tiêu Phát Triển Bền Vững

Giúp Cây Tiêu Phát Triển Bền Vững

Ngày đăng 22/12/2013

Trong những năm trở lại đây, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu ngày càng khó kiểm soát, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người trồng tiêu. Trước tình hình đó, huyện Chư Sê đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, góp phần đưa cây tiêu Chư Sê (Gia Lai) phát triển theo hướng bền vững và bước đầu đã mang lại kết quả.

Tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Chư Sê trong những năm qua, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện tổng diện tích cây tiêu trên toàn huyện có gần 3.000 ha.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê cho biết: Thời gian qua, tình hình sâu bệnh hại trên cây tiêu bùng phát, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm gây thiệt hại lớn cho nông dân. Do giá tiêu ngày càng tăng mạnh, bà con ồ ạt mở rộng diện tích bất chấp các khuyến cáo của ngành chức năng, càng làm cho dịch bệnh khó kiểm soát.

Để khắc phục, năm 2013, Trạm Khuyến nông đã xây dựng và chuyển giao mô hình “Nâng cao năng lực quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu”, góp phần hạn chế sự phát triển và lây lan của nấm bệnh và tuyến trùng gây hại, khắc phục tình trạng bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu, giữ vững tính ổn định và bền vững của vườn cây.

Theo đó, Trạm đã đầu tư 56 triệu đồng thực hiện thí điểm mô hình cho 2 hộ dân tại xã Bờ Ngoong và Bar Maih với quy mô mỗi hộ 400 trụ tiêu (0,2 ha). Trạm hướng dẫn 2 hộ tham gia mô hình và các hộ dân trồng tiêu lân cận quy trình sử dụng các loại sản phẩm, đồng thời cấp 100% các loại chế phẩm cho 2 hộ này.

Theo ông Nguyễn Văn Hợp, kết quả của mô hình rất khả qua, vườn tiêu sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với vườn tiêu đối chứng, đặc biệt không xảy ra tình trạng chết nhanh, chết chậm. Trong thời gian tới, Trạm sẽ tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí để nhân rộng thêm mô hình, đồng thời cử cán bộ thường xuyên theo dõi hướng dẫn người dân thực hiện.

Anh Đinh Vôh, ở thôn Tờ Drăh 1, xã Bar Maih nói: “Mô hình hiệu quả lắm. Cây tiêu có dấu hiệu của bệnh chết nhanh, chết chậm nhưng nhờ được cán bộ Trạm phun thuốc kịp thời nên đã ngăn chặn được. Vườn tiêu không thực hiện theo mô hình thì chết nhiều lắm, hơn 80 trụ rồi. Mùa tới, mình sẽ áp dụng cho toàn bộ vườn tiêu”. Tương tự, bà Mã Thị Nồm, ở thôn Đồng Tâm, xã Bờ Ngoong cũng phấn khởi cho biết: “Đến thời điểm này, vườn tiêu của tôi vẫn đang sinh trưởng và phát triển tốt, không có dấu hiệu của bệnh chết nhanh, chết chậm”.

Ngoài ra, ông Hợp cho biết thêm, hiện nay nhiều diện tích tiêu trên địa bàn canh tác trên nền đất lâu năm, bón nhiều loại phân hóa học đã làm thoái hóa bạc màu, vi sinh vật có lợi trong đất không còn. Vì vậy, Trạm triển khai thí điểm mô hình cải tạo đất, phục hồi tiêu suy yếu trên nền đất canh tác lâu năm cho 2 hộ dân tại xã Kông Htok và Al Bá, với tổng kinh phí thực hiện là 36 triệu đồng. Theo đó, Trạm tập trung hướng dẫn các hộ sử dụng các loại chế phẩm sinh học, phân hữu cơ… nhằm cải tạo đất, tạo môi trường đất tơi xốp, tăng số vi sinh vật có lợi trong đất lên, làm cho cây tiêu sinh trưởng tốt hơn, năng suất cao hơn.

Với những giải pháp trên, hy vọng cây tiêu trên địa bàn sẽ sinh trưởng và phát triển tốt, là cây trồng chủ lực góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện.


Có thể bạn quan tâm

xoai-trai-vu-mat-mua Xoài Trái Vụ Mất Mùa giong-ngoai-ben-re-o-tp-hcm Giống Ngoại “Bén Rễ” Ở…