Hải Lạng (Quảng Ninh): Hắt Hiu “Mùa Tôm Chín”
Ngày đăng 21/06/2012
Người nuôi tôm, đặc biệt là nuôi theo hình thức quảng canh ở Hải Lạng (Tiên Yên, Quảng Ninh) vẫn nói với nhau đây là nghề “đánh bạc với trời”. Bão gió, thiên tai, dịch bệnh luôn rình rập đe doạ đến kế sinh nhai của các chủ đầm. Vậy mà trong vụ nuôi năm nay, khi thời tiết vẫn đang thuận lợi, chuẩn bị đến kỳ thu hoạch thì tôm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Người nuôi tôm thì lo lắng, bất an. Địa phương và ngành chức năng đã vào cuộc để xác định nguyên nhân, song tôm thì vẫn chết và người nuôi thì “một mất mười ngờ” cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước ở đây đã bị ô nhiễm nặng.
Nuôi tôm béo cò
Có mặt tại khu nuôi tôm các đầm Hà Dong, Hà Thụ, Cái Đản vào những ngày này chúng tôi hiểu tại sao người nuôi tôm ở đây lại tỏ ra lo lắng, hoang mang đối với kế sinh nhai của mình đến vậy. Người thì tất bật thu dọn ao đầm, thu vớt tôm chết tại ao nuôi; người thì sốt sắng với những loại thuốc thú y nhằm vớt vát những con tôm còn sót lại dưới đầm nuôi. Và có không ít người nuôi tỏ ra chán nản, bởi theo họ, việc ra thăm đầm chỉ theo thói quen hàng ngày chứ tôm chết hàng loạt như hiện nay thì “vô phương cứu chữa”. Anh Vũ Văn Để, một hộ nuôi tôm tại khu vực đầm Hà Thụ cho biết: “Vụ nuôi năm nay tôi thả hơn 14 vạn tôm giống trên diện tích hơn 1ha. Trong khi tôm đang lớn nhanh, chuẩn bị cho thu hoạch thì mọi công sức, tiền của bỏ xuống đầm coi như mất trắng. Cách đây hơn nửa tháng, buổi sáng, khi ra thăm đồng, từ xa nhìn lại thấy cò đậu trắng quanh bờ đầm là tôi biết ngay có chuyện chẳng lành xảy ra. Đến nơi thì tôm đã chết hàng loạt quanh bờ. Cả trên mặt nước và đáy ao, tôm chết đỏ. Những ngày sau cũng vậy, tôm cứ
nối đuôi nhau từng đàn lao vào bờ chết hàng hoạt. Đến nay thì cả ao nuôi nhà tôi chắc chỉ còn vài con tôm còi. Vụ nuôi này, coi như tôi vỗ béo đàn cò”. Anh Để còn cho biết thêm, ao nuôi nhà anh là một trong số những ao nuôi có tôm chết sớm nhất, khi thời tiết chưa có mưa to đã xuất hiện tôm chết. Nuôi tôm từ năm 2000, nhiều kinh nghiệm, cộng với đầm nuôi nhà anh cao hơn các đầm khác nên hàng chục năm nay, đây là lần thứ 2 ao nuôi nhà anh có tôm chết như vậy, lần trước thì tôm chỉ chết lác đác. Lần này coi như mất sạch. Anh Phạm Văn Tuấn, thôn Hà Thụ một hộ nuôi tôm nổi tiếng trong vùng không phải vì nuôi nhiều về diện tích mà vì tính cẩn thận. Trước khi thả nuôi, mọi công việc cải tạo ao đầm luôn được anh làm một cách hết sức chu đáo, đảm bảo yêu cầu trước khi lấy nước, thả giống. Cùng với đó, các biện pháp phòng chống dịch bệnh luôn được anh thực hiện một cách chu đáo vậy mà vụ nuôi năm nay, ao nuôi của anh Tuấn cũng lại là một trong những hộ có tôm chết sớm nhất. Đến nay, toàn bộ 17 vạn giống đã thả xuống đ
ầm coi như mất trắng. Không chỉ hộ nuôi anh Để, anh Tuấn bị mất trắng số tôm đã nuôi, theo thống kê của cán bộ kỹ thuật xã Hải Lạng, chỉ tính trong khu vực đầm Hà Thụ, đã có gần 30 ao nuôi có tôm chết. Hiện tại, chỉ còn 6 ao nuôi là chưa có hiện tượng tôm chết. Người nuôi ít thì thả nuôi một vài vạn giống trên dưới 1 ha; người nuôi nhiều như anh Trần Văn Hoanh, đầm Hà Thụ thả nuôi hơn 100 vạn giống, vụ nuôi năm nay cũng đã thất thu do tôm chết.
Toàn bộ tôm nuôi trong ao của gia đình ông Vũ Văn Để, thôn Hà Thụ đã bị chết, một số con còn sót lại cũng đang thoi thóp.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Yên, từ ngày 12-5, tại xã Hải Lạng đã có 3 ha nuôi tôm bị chết với tổng số 45 vạn tôm giống thì đến ngày 4-6, đã có 72,5 ha tôm nuôi bị chết tại 33 hộ nuôi ở 3 vùng nuôi: Hà Dong, Cái Đản, Hà Thụ với 9,71 triệu tôm giống đã thả nuôi bị chết.
Mập mờ xác định nguyên nhân
Trước tình trạng tôm chết hàng loạt tại cả 3 vùng nuôi trên địa bàn xã Hải Lạng, người dân ở đây hết sức hoang mang, lo lắng. Một mặt thì vẫn phấp phỏng chờ kết quả xét nghiệm, phân tích của cơ quan chức năng. Mặt khác, bằng kinh nghiệm nghề nuôi họ phỏng đoán nguyên nhân do nguồn nước ở vùng nuôi này bị ô nhiễm. Một số người dân ở đây cho biết, hàng năm cứ vào khoảng tháng giêng, tháng hai, toàn bộ khu vực nguồn nước lấy vào vùng nuôi này đều nổi váng đen. Không lấy nước vào ao thì tôm cũng chết, mà lấy vào thì chết nhiều hơn. Trong khi ông Lý Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Hải Lạng vẫn băn khoăn “Phải chờ kết quả của các nhà khoa học mới có thể xác định, khẳng định được nguyên nhân tôm chết” thì phần lớn những hộ nuôi tôm ở đây đều cho rằng do nguồn nước bị ô nhiễm và nguyên nhân sâu xa là do việc xả nước thải của nhà máy giấy tại Ba Chẽ đổ ra sông Ba Chẽ gây ô nhiễm đến nguồn nước.
Một trong số 6 ao nuôi tại khu vực đầm Hà Thụ chưa có tôm chết, song chủ ao nuôi không khỏi lo lắng.
Còn tại cuộc họp UBND tỉnh đánh giá về phát triển thuỷ sản vừa qua, ông Vũ Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên thì hết sức lo lắng trước hiện tượng tôm chết hàng loạt tại các vùng nuôi xã Hải Lạng mà theo ông Thắng thì có nguyên nhân từ việc nhà máy giấy Ba Chẽ xả nước thải ra sông Ba Chẽ. Ngành chức năng cần sớm vào cuộc để xác định rõ nguyên nhân và có kết quả đánh giá chính xác; đảm bảo cho những vụ nuôi sau và không để tình trạng người nuôi tôm nghi ngờ về vấn đề này.
Trước tình trạng tôm chết hàng loạt tại Hải Lạng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Yên đã kiểm tra và chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nuôi tôm xử lý môi trường, quản lý nguồn nước cung cấp cho ao nuôi, vớt xác tôm nuôi bị chết xử lý vôi bột, chôn và báo cáo với ngành chức năng để kiểm tra, đánh giá chính xác nguyên nhân tôm chết. Ngày 6-6, Chi cục Thú y tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản, Trung tâm khoa học và sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh đã lấy mẫu tôm, mẫu nước ao nuôi để phân tích, kiểm tra, đánh giá nguyên nhân. Ông Phạm Minh Trường, cán bộ phòng Thú y thuỷ sản, Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Qua phân tích 2 mẫu tôm, kết quả của Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương dự báo do tôm mắc bệnh MBV - một loại bệnh còi, chậm lớn ở tôm. Tuy nhiên, phần lớn những hộ nuôi tôm ở Hải Lạng thì khẳng định: Trước khi có hiện tượng tôm chết hàng loạt thì tôm vẫn phát triển bình thường, màu sắc đẹp, nhanh lớn. Toàn bộ số tôm chết đều là tôm to. Những con còi cọc thì không chết.
Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Phạm Đình Tuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất hàng xuất khẩu ANT cho biết: Công ty chúng tôi có 2 xưởng sản xuất giấy tại Tiên Yên và Ba Chẽ, sản xuất các loại giấy vàng mã, công nghệ đơn giản để xuất sang Đài Loan. Xưởng sản xuất giấy tại Ba Chẽ có khối lượng nước thải rất ít, 112 lít/ngày/đêm và luôn được xử lý qua hệ thống lắng, lọc đảm bảo. 4 công nhân làm công tác môi trường luôn túc trực 24/24 giờ. Một năm chúng tôi thực hiện việc quan trắc các chỉ số không dưới 2 lần. Kết quả cho thấy các chỉ số luôn ở mức cho phép. Hơn nữa, tại khu vực cửa xả nước thải của nhà máy ra sông Ba Chẽ, tôm cá vẫn sống bình thường và từ đây ra khu đầm nuôi xã Hải Lạng dài hàng chục km. Như vậy có thể cho thấy Nhà máy không ảnh hưởng gì tới việc nuôi thuỷ sản tại Hải Lạng. Nói tôm nuôi ở Hải Lạng bị chết do ảnh hưởng từ nguồn nước thải của Nhà máy là không có cơ sở. Còn việc khu nhà máy có mùi khó chịu thì khó tránh được. Công ty đã cố gắng hạn chế tới mức thấp nhất.
Trong khi chờ các kết quả phân tích, kiểm tra của cơ quan chức năng thì người nuôi tôm ở Hải Lạng vẫn không thể kiểm soát, ngăn chặn được việc tôm nuôi chết hàng loạt. Mối nghi ngờ của người dân về việc nguồn nước cấp cho ao nuôi ở đây bị ô nhiễm theo đó cứ tăng lên. Vì vậy, các ngành chức năng cần vào cuộc một cách tích cực, sớm có đánh giá chính xác, xác định rõ nguyên nhân để địa phương và người nuôi tôm có định hướng cho vùng nuôi; khắc phục cho những vụ nuôi sau và tránh hiện tượng “một mất mười ngờ” như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Feed Balancer
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Hydroponics Calculator
Pha dung dịch thủy canh
Feeding Calculator
Định mức cho tôm ăn
NPK Calculator
Phối trộn phân bón NPK
Survival Calculator
Xác định tỷ lệ tôm sống
Fertilizers Converter
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Aeration Calculator
Xác định công suất sục khí
Shrimp Converter
Chuyển đổi đơn vị tôm
Greenhouse Calculator
Tính diện tích nhà kính
Pond Calculator
Tính thể tích ao hồ