Mô hình kinh tế Hai "Mảng Màu" Rau Xuân Đà Lạt

Hai "Mảng Màu" Rau Xuân Đà Lạt

Ngày đăng 24/02/2014

Rau xanh Đà Lạt thu hoạch trước và sau Tết Giáp Ngọ khoảng 20 ngày, phần lớn đều giảm giá liên tục; chỉ tăng giá một vài loại rau sản lượng không đáng kể. Hai “mảng màu” rau xuân Đà Lạt đang đặt ra việc thay đổi “nông lịch” gieo trồng sao cho phù hợp hơn với thị trường.

Trong Tết Giáp Ngọ 2014, vườn cà rốt 0,4 ha của gia đình anh Lê Minh Sơn (phường 11, Đà Lạt) đã được bán cho thương lái với giá gần 25 triệu đồng, chỉ gần bằng một nửa so với giá bán lứa cà rốt trồng trước đó 3 tháng. Theo anh Sơn, với giá bán này không đến mức phải chịu lỗ vốn đầu tư, nhưng chi phí bù đắp vào tiền công lao động lại rất hạn chế.

Trên cơ sở tham khảo “nông lịch” của phần lớn hộ nông dân quanh vùng, trong một tháng vừa qua, gia đình anh Sơn đã xuống giống trồng trên diện tích 0,6 ha chia đều với các loại rau dền, atisô và cà rốt. “Hy vọng với đa dạng chủng loại rau trồng mới trên cùng một diện tích sẽ tránh được những rủi ro thu hoạch khi giá tiêu thụ xuống thấp…”- anh Sơn chia sẻ.

Với nhà nông, nhà doanh nghiệp Vũ Trọng Đức (số 64, Đồng Tâm, Đà Lạt) thì doanh thu giảm sút không chỉ trong sản xuất mà cả trong kinh doanh. Cụ thể, vườn rau VietGAP của hộ gia đình ông Đức có diện tích 2 ha, trong 7 loại rau trồng, thu hoạch thì có 5 loại rau chịu lỗ khoảng 20%; chỉ còn 2 loài rau đạt lãi trên 50% vốn đầu tư để bù đắp lại.

Tính riêng trong 10 ngày gần cuối tháng giêng âm lịch, ước gần 20% sản lượng rau xà lách trong vườn nhà ông Đức phải để tự khô héo làm phân xanh cho lứa rau tiếp theo. Bởi nếu thu hoạch, vận chuyển vào Nam, ra Bắc tiêu thụ sẽ gánh thêm những chi phí lưu thông lỗ chồng lỗ.

Riêng khối lượng rau đầu xuân thu mua mỗi ngày từ nông dân của ông Vũ Trọng Đức chỉ mới đạt chưa quá 2 tấn, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thu mua rau ở đây nằm ở “điểm cao” so với mặt bằng thu mua chung hàng ngày ở thị trường Đà Lạt, nhưng tính mức bình quân đã liên tục giảm xuống từ giữa tháng chạp đến nay là gần 40%.

Như giá mua rau bắp cải, cải thảo từ 1.500 - 2.000 đồng/kg (giảm 1.000đồng/kg); giá các loại xà lách 2.000 đồng/kg (giảm trên dưới 5.000 đồng/kg); giá khoai tây 13.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg). Ông Đức hạch toán trên 1.000m2 sản xuất rau xà lách, cải bắp trong thời gian từ 35-90 ngày vừa qua chịu lỗ khoảng 20 triệu đồng. Phần kinh doanh rau của ông Đức cũng phải chấp nhận nhiều tấn rau bán lỗ 20% vì “dội chợ”.

Anh Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Anh Đào, Đà Lạt cho rằng, nhiều hộ nông dân địa phương bị thua lỗ trong lứa rau xuân vừa qua là do thiếu thông tin thị trường. Bởi mùa xuân thời tiết mát mẻ, rất thuận lợi để mở rộng các diện tích trồng rau xanh ở khắp 3 miền Bắc – Trung - Nam, đặc biệt là 2 vành đai rau xanh lớn ở Hà Nội và Sài Gòn (là 2 thị trường tiêu thụ rau lớn nhất của Đà Lạt), đã tăng lượng “cung” lên, giảm lượng “cầu” xuống. Dự báo trước điều này, vùng nguyên liệu rau xanh 120ha của HTX Anh Đào ở huyện Lạc Dương vẫn sản xuất ổn định với các loại rau đạt chuẩn VietGAP được “chốt giá” hợp đồng trước.

Tuy nhiên, lượng “cung” rau xanh từ HTX Anh Đào, Đà Lạt đưa xuống Sài Gòn và ra Hà Nội cũng đã phải giảm 2 tấn/ngày (còn 33 tấn/ngày). Tương tự ở trang web bán rau trực tuyến vuonrau.com, trong 3 tuần sau Tết Giáp Ngọ vừa qua chỉ bán ra trên dưới 500kg rau xanh/tuần, giảm 1,5 tấn so với những tuần lễ ngày thường.

Nhưng không phải tất cả rau xuân Đà Lạt đều giảm sản lượng và giảm giá. Như 1 trong 2 loại rau “bù đắp giá” nói trên của ông Vũ Trọng Đức là ớt ngọt đã mang về thu nhập trên dưới 50 triệu đồng/tuần, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, từ tháng 8/2013, ông Đức dành riêng 2.000m2 nhà kính (trong tổng số diện tích 2 ha) để trồng ớt ngọt. Đến tháng 1/2014, ông Đức thu hoạch đều đặn hàng tuần, dự kiến thu đến tháng 4/2014 mới trồng vụ rau mới. Nếu thị trường vẫn giữ giá bán 50.000 đồng/kg, ông Đức thu lãi ròng khoảng 500 triệu đồng trên diện tích 2.000m2 này.

Thống kê trong năm 2013, Đà Lạt gieo trồng gần 1.860 ha rau các loại, đạt tổng sản lượng gần 285 ngàn tấn. Dự kiến sản lượng và diện tích rau năm 2014 sẽ tăng lên nhưng không đáng kể so với năm 2013. Từ thực trạng hai “mảng màu” rau xanh Đà Lạt đầu xuân đang đặt ra việc điều chỉnh hợp lý hơn nữa cơ cấu các giống rau sản xuất trong 10 tháng còn lại của năm 2014.


Có thể bạn quan tâm

gia-dieu-tai-dinh-quan-dang-o-muc-cao Giá Điều Tại Định Quán… sau-tet-nguoi-chan-nuoi-van-chua-dam-tai-dan Sau Tết, Người Chăn Nuôi…