Tin nông nghiệp Hạn mặn tại ĐBSCL lúa giảm sản lượng, giá tăng vùn vụt

Hạn mặn tại ĐBSCL lúa giảm sản lượng, giá tăng vùn vụt

Tác giả Huỳnh Xây, ngày đăng 25/03/2016

Lúa đắt như…tôm tươi

Ngày 23.3, theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, nông dân ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) hối hả thu hoạch nhiều diện tích lúa đông xuân 2015-2016. Người dân nơi đây cho biết, mặc dù năng suất lúa không cao, nhưng bù lại bán được mức giá kỷ lục. Cụ thể, lúa tươi IR 50404 (lúa thường, hạt tròn) bán tại ruộng từ 4.900-5.000 đồng/kg; các loại lúa hạt dài ở mức 5.200 đồng/kg; lúa thơm 5.600 đồng/kg (mức giá trên cao hơn từ 200 -500 đồng/kg so với tháng trước và cao hơn từ 700-1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2015 mặc dù không có chính sách tạm trữ).

Lão nông Lê Văn Trường ở xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè vui mừng cho biết, vợ chồng ông vừa làm tiệc liên hoan vì lúa trúng, bán giá cao. “Tôi vừa thu hoạch 5 công lúa (5.000m2) hạt tròn và đã bán hết cho thương lái. Với năng suất 1 tấn/công và giá bán 4.900 đồng/kg, tôi thu lợi nhuận khoảng 2,5 triệu đồng/công” – ông Trường nói.

Tuy năng suất lúa không cao nhưng bà Lê Thị Sáu (ngụ cùng xã Phong Thạnh) phấn khởi nói: “Lúa hạt dài của nhà tôi có năng suất thấp hơn hạt tròn, chỉ đạt khoảng 850kg/công, nhưng tôi bán được giá hơn, tới 5.200 đồng/kg. Tôi không ngờ giá lúa năm nay lại cao đến vậy”. Không riêng gì Trà Vinh, nhiều nhà nông ở Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang cũng đang khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân trên đồng. Do giá lúa liên tục tăng nên trước khi thu hoạch khoảng 1 tuần, các thương lái phải tranh nhau nhờ “cò” bỏ tiền cọc trước (khoảng 200.000 đồng/công) cho người dân. Tuy nhiên, theo các thương lái thông tin thì “nguồn cung không đủ cầu”.

Theo VFA, trong 2 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất khẩu trên 856.000 tấn gạo (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái). Việc tăng số lượng này chủ yếu do hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm 2015 còn nhiều, đặc biệt là hợp đồng cấp chính phủ với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại với Trung Quốc.

Anh Lê Hải Minh -thương lái chuyên thu mua lúa ở Cần Thơ, Vĩnh Long và Hậu Giang cho biết: “Giá lúa tăng cao nhưng khó mua được vì các cánh đồng ở TP.Cần Thơ đã thu hoạch xong, ở 2 địa phương lân cận thì bị các thương lái khác tranh giành địa bàn. Để mua được, tôi phải nhờ “cò” và mua với giá cao hơn các thương lái khác”.

“Khó mua lúa lắm mấy anh ơi. Người dân có tâm lý chờ giá tăng lên nữa mới bán mặc dù giá đã quá cao, còn “cò” thì có khi giúp mình mua lúa, có khi cũng như người dân, mua xong đem về sân nhà phơi khô, trữ lại, không chịu bán cho mình” – anh Minh thông tin.

Bà Huỳnh Thị Yến - thương lái thu mua lúa ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho hay: “Cũng do thấy giá lúa đang cao nên nhiều “cò” lúa tại địa phương vay tiền ngân hàng để mua lúa trữ lại chờ giá lên, bán ra thu tiền lời”. Theo bà Yến, trung bình mỗi “cò” lúa trữ từ 50-150 tấn, tình trạng này cũng khiến cho nhiều hộ dân không bán được lúa khô.

Bà Yến giải thích: “Các “cò” chỉ đi mua lúa tươi, về phơi khô bán lại cho thương lái đã có lời ở công vận chuyển và công phơi. Hiện là mùa khô, lúa mới thu hoạch xong chỉ cần phơi 1 hoặc 2 nắng là trở thành lúa khô trong khi đó lúa khô và lúa tươi chênh lệch giá khá cao (lúa khô cao hơn lúa ướt từ 600-700 đồng/kg)”.

Vì sao giá tăng?

Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: Nguyên nhân giá lúa tăng là do nhiều nước bạn bị ảnh hưởng trầm trọng bởi hiện tượng El Nino, nhiều diện tích phải chuyển sang cây trồng khác, kéo theo sản lượng lúa bị giảm. Còn ở Hậu Giang và các địa phương khác còn nhiều diện tích lúa nên lúa đã có giá trị hơn.

Cũng theo ông Đồng, so với nhiều tỉnh khác trong khu vực thì nông dân Hậu Giang thu lợi từ lúa nhiều hơn nhờ đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ đó giá thành sản xuất lúa vụ này giảm đáng kể, chỉ với 2.802 đồng/kg.


Cũng như ông Đồng, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân giá lúa tăng vọt còn do sản lượng lúa sụt giảm mạnh từ tác động của hạn, mặn.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, tổng diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay là gần 139.000ha và dự kiến khoảng 46.000ha sẽ bị ảnh hưởng của hạn hạn, mặn. Thêm vào đó, vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 500.000ha không xuống giống đúng thời vụ. Trước thông tin này, nhiều người có tâm lý tích trữ lúa chờ giá cao hơn mới bán. Liên quan đến giá lúa liên tục tăng trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc Công ty Lương thực Vạn Lợi (Tiền Giang) cho biết thêm: “Một phần là do có sự cạnh tranh quyết liệt giữa xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạnh. Khi doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch cần mua gạo để thực hiện tiếp hợp đồng đã ký thì một nguồn hàng lại được mua đưa ra phía Bắc. Việc này đã khiến cho giá tăng”.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa gạo tăng mạnh từ tác động của nhu cầu giao hàng hợp đồng tập trung 1 triệu tấn gạo với Indonesia (từ tháng 10.2015 đến tháng 3.2016).


Có thể bạn quan tâm

tp-hcm-cang-thang-nguon-nuoc-lam-vu-he-thu TP.HCM căng thẳng nguồn nước… nong-dan-chay-don-chay-dao-tim-thuong-lai-den-mua-nong-san Nông dân chạy đôn chạy…