Mô hình kinh tế Hàng thủy sản Việt Nam gian nan đường vào siêu thị ngoại

Hàng thủy sản Việt Nam gian nan đường vào siêu thị ngoại

Ngày đăng 19/11/2015

Doanh nghiệp bức xúc

Tại cuộc họp của Câu lạc bộ Hàng nội địa (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam-VASEP) vừa diễn ra, nhiều DN phản ánh: Hệ thống phân phối của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang ép họ chi mức chiết khấu rất cao, nếu không chấp nhận sẽ bị cắt hợp đồng cung cấp hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, lãnh đạo một công ty thủy sản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: 20% sản lượng của công ty bán ở thị trường nội địa, trong đó tỷ trọng tiêu thụ qua siêu thị chiếm tới 70-80%.

Tuy nhiên, công ty đang phải chịu chiết khấu tới 20% cho hệ thống siêu thị ngoại.

Thậm chí, có siêu thị yêu cầu chiết khấu 25%.

Không chỉ đòi chiết khấu cao, một số siêu thị ngoại còn yêu sách hưởng mức thưởng lớn.

Lãnh đạo DN này phân tích: Thông thường, siêu thị và nhà cung cấp xây dựng chỉ tiêu thưởng của năm theo thang bậc.

Ví dụ: Nếu năm nay siêu thị bán được 10 tỷ đồng sẽ được thưởng 1%; 11 tỷ sẽ được 2%.

Tuy nhiên, sau 10 tháng đầu năm, dự đoán doanh số bán hàng sẽ không đạt chỉ tiêu trên, siêu thị ép nhà cung cấp phải hạ chỉ tiêu xuống mức tương ứng 8,5-9,5 tỷ đồng để vẫn được hưởng mức thưởng cao.

Ngoài việc chịu mức chiết khấu cao, DN thủy sản hàng năm phải “cõng” thêm vô vàn các khoản phí khác.

Theo VASEP, chi phí này đều tăng liên tục, đơn cử như: Hỗ trợ cho lễ hội khách hàng/1 cửa hàng tăng từ 6,2 triệu đồng (năm 2013) lên 7 triệu đồng (năm 2014); hỗ trợ sinh nhật/1 cửa hàng từ 2,5 triệu (năm 2013) lên 3 triệu (năm 2014); hỗ trợ khai trương siêu thị mới cũng tăng từ 0,5% (năm 2013) lên 1% (năm 2014).

Liên kết – con đường tất yếu

Thực trạng này đang khiến một số DN chuyên xuất khẩu thủy sản muốn chuyển hướng vào thị trường nội địa phải bỏ cuộc vì chi phí quá cao.

Điều này cũng đồng nghĩa người tiêu dùng khó tiếp cận được với sản phẩm thủy sản Việt chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Thắng – Giám đốc Công ty Tân Hải Hòa - nhận định: Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do sự cạnh tranh gay gắt giữa chính các DN nội địa với nhau khiến “người ngoài” dễ dàng lợi dụng.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, không ít DN mới tham gia thị trường, muốn bán được hàng đã chiết khấu cao cho siêu thị.

Mức chiết khấu này tăng lên theo hàng năm mà ít khi giảm.

Điều này dẫn tới hệ quả, các DN khác cũng bị “vạ lây“.

Nhằm hạn chế tình trạng này, các DN thủy sản đã cùng thành lập Câu lạc bộ Hàng nội địa để tạo tiếng nói chung với các siêu thị.

Trước mắt, các DN thống nhất không đồng ý hạ chỉ tiêu thưởng.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, để tránh phụ thuộc vào hệ thống phân phối, DN cần tạo thương hiệu riêng, đồng thời bán hàng ở nhiều kênh khác nhau.

Một số siêu thị nước ngoài đã gửi đề nghị tới DN thủy sản tăng mức chiết khấu từ 0,75 đến 1,2% bổ sung cho hợp đồng đã ký năm 2015, dù mức chiết khấu trước đó đã ở mức 10-25%.

Chưa kể, những siêu thị thường xây dựng biểu giá bán lẻ cao hơn từ 20 đến 35% so với giá bán của nhà cung cấp.


Có thể bạn quan tâm

chuyen-huong-dau-tu-vao-nong-san-chat-luong-cao Chuyển hướng đầu tư vào… xuat-khau-rom-sang-nhat Xuất khẩu rơm sang Nhật