Hạt gạo Việt Nam: Nông dân nghèo trên vựa hạt ngọc trời
LTS: Nhìn vào điều kiện tự nhiên, ít quốc gia nào có lợi thế phát triển ngành sản xuất lúa gạo như Việt Nam. Thực tế, những lợi thế này đã được phát huy khi nước ta từ thiếu ăn, đói nghèo, phải nhập khẩu lương thực đã trở thành một trong những cường quốc hàng đầu về xuất khẩu lương thực. Tuy nhiên, trên thị trường xuất khẩu, hạt gạo Việt đang có dấu hiệu lép vế khi xuất khẩu gạo của nước ta không chỉ gặp khó ở thị trường mới mà cả những thị trường truyền thống cũng yêu cầu nhiều tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, khiến doanh nghiệp “trở tay không kịp”.
Người dân xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh thu hoạch lúa đông xuân 2016-2017. ảnh: Huỳnh Xây
Mặc dù đã được Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất quan tâm, đầu tư nhiều năm qua nhưng ngành hàng lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Theo đó, đời sống người trồng lúa còn khốn khó.
Cánh đồng mẫu lớn chỉ chiếm 5%
Theo ngành nông nghiệp các địa phương, quy mô sản xuất lúa hiện nay vẫn còn quá manh mún. Số diện tích cánh đồng lớn – được xem là mô hình có khả năng vực dậy ngành lúa gạo của ĐBSCL, tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết 4 nhà. Chỉ chiếm dưới 5% diện tích canh tác lúa toàn vùng ĐBSCL. Do số cánh đồng lớn ít, việc áp dụng cơ giới hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Sản xuất manh mún khiến chi phí sản xuất lúa của người nông dân ở ĐBSCL ngày càng cao. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới thu nhập của người dân giảm ngoài tác động của giá lúa. Theo ông Nguyễn Văn Hoàng – người dân có nhiều năm kinh nghiệm trồng lúa ở xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, mỗi ha lúa hiện nay phải mất trên 20 triệu đồng đầu tư cho mỗi vụ, tăng nhiều so với những năm trước đây. Cũng theo ông Hoàng, nhiều nông dân trồng lúa khác không vui khi được hỏi về thu nhập.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cũng cho rằng: Do nhận thức làm ăn tập thể, làm theo hợp đồng còn hạn chế nên người dân trong cánh đồng lớn thường bán lúa cho hàng xáo thay vì bán cho công ty bởi giá bên ngoài cao hơn. Thế nhưng, thực tế là những hàng xáo chỉ mua, lựa những loại lúa có chất lượng cao, bỏ lại những ruộng không tốt và gây khó khăn cho doanh nghiệp tham gia liên kết trong cánh đồng này.
Bên cạnh đó, thông tin dự báo thị trường cho ngành hàng lúa gạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện còn yếu và thiếu. Đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa có chuỗi cung ứng lúa gạo hoàn thiện từ sản xuất đến chế biến theo đơn hàng. Nông dân vẫn chưa quen với cách sản xuất liên kết thị trường, trong khi liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp còn yếu kém, thiếu bền vững và ít về quy mô.
Nghịch lý sản lượng tăng, thu nhập giảm
Theo Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, sự gia tăng về nhiệt độ, rút ngắn thời gian nắng sẽ làm cho cây lúa giảm năng suất. Với diễn biến trên, theo một số kết quả nghiên cứu, vào năm 2030, năng suất lúa đông xuân sẽ giảm 495kg/ha, lúa hè thu giảm 398 kg/ha, đến năm 2050, năng suất lúa đông xuân sẽ giảm 681 kg/ha, lúa hè thu giảm 607kg/ha. Như vậy, vào năm 2030, sản lượng lúa đông xuân ở ĐSBCL sẽ giảm khoảng 755.000 tấn, lúa hè thu giảm 156.000 tấn.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh tại Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững hàng lúa gạo ĐBSCL” vừa tổ chức tại tỉnh An Giang, bên cạnh những thành quả đạt được, ngành sản xuất lúa gạo vẫn đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của ngành trong thời gian tới.
Thứ trưởng Doanh cho rằng, so với nhiều nước xuất khẩu lúa gạo có sản lượng lớn thì chuỗi giá trị ngành lúa gạo của Việt Nam có tỷ lệ thất thoát lên đến 13,7%, cao gấp đôi so với Thái Lan và Ấn Độ. Được biết, nguyên nhân là do người dân để lúa chín lâu ngày mới thu hoạch nên bị rơi rụng nhiều. Trong khi đó khả năng dự trữ, bảo quản lúa tại nhà của nông dân còn rất yếu kém, hệ thống kho chứa rất hạn chế, xuống cấp. Hơn nữa, trong quá trình phơi sấy, vận chuyển có tổn thất đáng kể. Ngoài ra, chất lượng gạo xuất khẩu cũng còn thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm chiếm tới 36%. Vì những lý do trên mà khả năng cạnh tranh thương mại và hội nhập quốc tế của sản phẩm gạo Việt Nam chưa cao, thị trường tiêu thụ thiếu tính ổn định.
GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp của ĐBSCL cho biết: Tăng sản lượng lúa rất dễ, tăng thu nhập người dân mới khó.
“Không chỉ chi phí sản xuất cao mà khi thu hoạch người dân còn gặp cảnh mất giá nên không có lời nhiều, thậm chí còn thua lỗ. Đại đa số người dân trồng lúa không có tiền tích lũy. Bằng chứng là khi thu hoạch lúa xong, người dân mới cầm tiền đi trả cho các đại lý thuốc bảo vệ thực vật vì đã mua thiếu trước đó. Sau đó, lại tiếp tục mua thiếu để sản xuất tiếp vụ sau” - GS-TS Xuân nói.
TS Lê Văn Bảnh – Cục Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) nhận định: Việc sản xuất lúa đến nay vẫn còn nhiều bất cập. ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính, nhưng người trồng lúa lại là người nghèo nhất và gặp nhiều khó khăn nhất. Cụ thể là bình quân diện tích sản xuất nông hộ ngày càng nhỏ đi (khoảng 0,6ha/hộ) trong khi chi phí đầu tư ngày càng cao do giá vật tư nông nghiệp, giá lúa giống không ngừng tăng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ