Tin nông nghiệp Hiệu quả của mô hình nuôi xen ghép tôm – cua - cá

Hiệu quả của mô hình nuôi xen ghép tôm – cua - cá

Tác giả Phan Việt Toàn, ngày đăng 21/11/2019

Để đa dạng đối tượng nuôi, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích theo hướng an toàn và bền vững các mô hình nuôi chuyên canh cá đối mục; nuôi xen ghép tôm-cua; luân canh tôm-rong câu; nuôi xen ghép cá đối mục-tôm-cua xanh đã ra đời và đem lại hiệu quả cao.

Sau 6 tháng nuôi, cua đạt kích cỡ 4 con/kg

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình “Nuôi tôm thẻ kết hợp cá đối mục và cua trong một ao nuôi” tại 3 hộ là hộ ông Trương Hữu Anh, xã Gio Mai (huyện Gio Linh), hộ ông Nguyễn Văn Thuẫn, Trương Văn Hóa, xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong), với tổng diện tích 1,2 ha.

Sau khi chọn hộ thực hiện mô hình, Trung tâm đã tổ chức hai lớp tập huấn. Tại các lớp tập huấn, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông đã cung cấp cho các hộ dân trong và ngoài mô hình hiểu được đặc điểm sinh học của các đối tượng nuôi trong ao theo hình thức nuôi xen ghép; hướng dẫn quy trình cải tạo ao nuôi, cấp nước, xử lý nước, gây màu nước trước khi thả giống; kỹ thuật chọn và thả giống; kỹ thuật chăm sóc và quản lý thức ăn trong quá trình nuôi; một số biện pháp phòng và trị bệnh trên đối tượng nuôi; biện pháp quản lý các yếu tố môi trường trong ao nuôi; nội dung ghi chép và lưu giữ hồ sơ.

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Thuẫn ở thôn Hà La, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong phát triển nuôi tôm theo hình thức truyền thống, quá trình nuôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh, một số ao nuôi anh phải bỏ hoang. Nắm bắt thông tin từ cán bộ Khuyến nông viên xã Triệu Phước, năm 2018, anh đã đăng ký với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị để được thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ kết hợp cá đối mục và cua trong cùng một ao. Tham gia xây dựng mô hình, anh Thuẫn được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn. Với diện tích ao nuôi thử nghiệm 0,4 ha, anh Thuẫn thả nuôi tôm, cua, cá với mật độ 10 con tôm thẻ,  0,5 con cá đối và 0,5 con cua/m2.

Anh Thuẫn cho biết, trong quá trình thả giống, đối với cua, anh đặt các khay cua quanh mép ao cho nước vào rồi để cua từ từ bò ra ao nuôi; đối với cá đối mục, anh  chuyển bao giống xuống ao, để 15 phút cho cân bằng nhiệt độ rồi thả từ từ ra ao, phía trên hướng gió; đối với tôm thẻ, khi vận chuyển về, ngâm bao giống trong ao 20- 30 phút, sau đó nhẹ nhàng thả ra ao.

Chị Hoàng Thị Thùy Trang, kỹ sư thủy sản của Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong chia sẻ thêm về kỹ thuật chăm sóc: Trong một bữa ăn, để đảm bảo cho tôm, cua ăn đầy đủ thức ăn thì ta cho cá đối mục ăn trước sau đó đến cua và cuối cùng là tôm. Quá trình cho ăn phải quan sát sức ăn và thời gian ăn của các đối tượng nuôi để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Khi thời tiết thay đổi đột ngột, sức khỏe tôm, cua, cá yếu... thì có thể giảm cho ăn hoặc ngừng cho ăn. Sử dụng chài, vó để kiểm tra lượng thức ăn cũng như sức khỏe của đối tượng nuôi.

Kết quả, sau 6 tháng thả nuôi, năng suất và hiệu quả kinh tế của mô hình rất khả quan. Tại hộ anh Thuẫn, tôm đạt kích cỡ 100 con/kg, cua đạt kích cỡ 4 con/kg và cá đối mục từ 5- 6 con/kg; sau khi trừ chi phí mang lại cho gia đình anh lợi nhuận trên 35 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Lân - Chủ tịch Hội nông dân xã Triệu Phước nói: “Qua quá trình triển khai mô hình nuôi kết hợp tôm, cua, cá trên địa bàn xã, tôi thấy mô hình cho hiệu quả ổn định. Việc nuôi xem ghép không những tận dụng được diện tích mặt nước mà còn giảm tình trạng ô nhiễm môi trường ao nuôi. Đây là ưu điểm của hình thức nuôi xen ghép so với nuôi chuyên canh riêng con tôm; là giải pháp thích hợp để triển khai trong các ao nuôi tôm thấp triều kém hiệu quả trước đây. Trong thời gian tới, Hội nông dân xã sẽ tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đến tham quan học tập mô hình, đồng thời sẽ có những đề xuất với UBND xã liên hệ, phối hợp với các đơn vị chuyển giao kỹ thuật mở các lớp tập huấn cho bà con, để phát triển các mô hình nuôi mới hiệu quả”.

Từ những hiệu quả ban đầu của mô hình nuôi xen ghép tôm, cua, cá cho thấy, đây là mô hình nuôi khá phù hợp với những vùng nuôi thấp triều thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Việc triển khai mô hình nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế và hướng tới nghề nuôi ổn định. Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này nhằm khôi phục lại một số diện tích nuôi tôm kém hiệu quả, đa dạng đối tượng nuôi và tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích theo hướng an toàn và bền vững.


Có thể bạn quan tâm

nhung-dich-benh-hai-can-chu-y-trong-tuan-tu-19-25-11 Những dịch bệnh hại cần… nu-thac-sy-xay-dung-mo-hinh-nuoi-tao-xoan-de-lam-du-lich Nữ thạc sỹ xây dựng…