Hiệu quả nuôi tôm liên kết ở Thái Bình
Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, gia đình anh Đỗ Quang Bốn ở huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã nâng số vụ nuôi tôm từ 2 lên 4 - 5 vụ/năm, khắc phục những bất lợi do thời tiết gây ra. Không dừng ở đó, mô hình còn được nhân rộng nhờ liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi trên địa bàn tỉnh.
Anh Đỗ Quang Bốn kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: VM
Sự cần thiết
Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình, từ cuối năm 2012, Công ty TNHH Phương Nam chuyên sản xuất, ương nuôi và nuôi thương phẩm các giống hải sản ở huyện Thái Thụy do anh Đỗ Quang Bốn làm Giám đốc đã thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong nhà kín theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại Thái Bình”. Sau hơn 5 năm triển khai, đến nay Dự án đã khẳng định hiệu quả kinh tế - kỹ thuật thuyết phục, đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân trong và ngoài tỉnh.
Dự án đã xây dựng được mô hình hợp tác - liên doanh liên kết theo phương thức thỏa thuận “mềm”: Chủ đầm: Bỏ mặt bằng xây dựng ao nuôi; góp từ 50% đến toàn bộ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi; chi toàn bộ vốn lưu động/vụ nuôi; Công ty Phương Nam: Cung cấp và vận hành kỹ thuật công nghệ từ khâu thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi và quy trình nuôi; đầu tư phần vốn xây dựng cơ sở hạ tầng còn lại; cung ứng con giống, thức ăn tiêu chuẩn và bao tiêu sản phẩm. Với phương thức này, tới nay tổng diện tích “nuôi tôm liên kết” trong nhà kín giữa Phương Nam với các hộ nuôi trồng ở Thái Thụy và đang tiếp tục mở rộng sang các xã thuộc 2 huyện ven biển khác của tỉnh Thái Bình.
Hiệu quả trông thấy
Với việc ứng dụng công nghệ nuôi trồng trong nhà kín kết hợp phương thức “nuôi liên hoàn từ bể ương ra ao nuôi thương phẩm” để giảm bớt thời gian giai đoạn nuôi ao, công nghệ nuôi tôm nhà kín của anh Đỗ Quang Bốn đã đưa từ 2 vụ nuôi/năm (nuôi truyền thống) lên 4 vụ nuôi/năm, nâng năng suất nuôi trồng từ khoảng 10 tấn/ha (nuôi theo truyền thống) lên trên 20 tấn/ha và trọng lượng tôm thương phẩm từ 70 - 75 con/kg (nuôi truyền thống) lên 30 - 35 con/kg chỉ sau 105 ngày nuôi. Theo anh Bốn, nếu thực hiện phương thức nuôi thâm canh cao trong nhà kín thì có thể đưa năng suất tôm nuôi lên 50 - 60 tấn/ha/vụ.
Việc đưa từ 2 vụ lên 4 vụ nuôi/năm không chỉ đơn thuần mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ việc tăng hệ số quay vòng ao nuôi, quay vòng vốn, rút ngắn thời gian khấu hao ao nuôi, sớm thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi… mà điều quan trọng là, 2 vụ nuôi tăng thêm thực chất là 2 vụ nuôi trái vụ nên đã tránh được tình trạng “được mùa thì rớt giá” trong sản xuất. Ông Phạm Văn Chính, một hộ tham gia mô hình cho hay: “Bình thường nuôi tôm theo cách truyền thống, chỉ làm được 2 vụ/năm. Nay làm theo công nghệ mới, nuôi tới 3 - 4 vụ/năm, năng suất cũng tăng gấp đôi, lợi nhuận thu về cao gấp 4 - 5 lần so trước đây”.
Các chủ “ao nuôi liên kết” chia sẻ, nhờ ưu thế sản phẩm trái vụ nên tôm xuất bán vào dịp cuối năm, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, có giá cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi những tháng chính vụ. Cũng nhờ lợi thế công nghệ nuôi nhà kín, chủ động thực hiện việc kiểm soát nhiệt độ, môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi ngoài môi trường tự nhiên nên giảm thiểu bệnh dịch, đảm bảo an toàn sản xuất, giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng, tạo điều kiện nuôi thâm canh và thâm canh cao, chủ động được thời điểm thu hoạch. Theo đó, giải quyết được cả 2 mục tiêu là năng suất và chất lượng tôm thương phẩm, sau đó là giá cả và cuối cùng là “suất lợi nhuận” trên một đơn vị diện tích ao nuôi cũng như trên đồng vốn đầu tư.
Mô hình 3C
Theo anh Đỗ Quang Bốn, phương thức nuôi tôm của mình là áp dụng mô hình nuôi “3 sạch” của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Bí quyết để có thể nuôi tôm quanh năm là các ao nuôi được thiết kế hình chữ nhật với diện tích khoảng 2.000 m2, đáy đổ bê tông hình lòng chảo, giữa đáy ao có hố ga để xả cặn hàng ngày. Mái ao lợp kín bằng lớp plastic đảm bảo che mưa và giữ nhiệt, phía trên có lớp màn che nắng cơ động để điều chỉnh ánh sáng; xung quanh là hệ thống cửa sổ thông gió và điều chỉnh nhiệt độ.
Mái trong nhà kín có hệ thống đèn chiếu sáng vào những ngày tối trời để cho tảo trong nhà nuôi phát triển. Đặc biệt, phải có hệ thống máy cho tôm ăn hoạt động tự động, chế độ ăn được lập trình theo từng giai đoạn phát triển của tôm. Nước cấp cho ao nuôi tôm nhà kín được lấy từ ao cấp nước có diện tích 1.000 m2.
“Tôm là loài rất nhạy cảm với thời tiết, dễ xảy ra dịch bệnh nếu có biến đổi khí hậu. Việc người nuôi chủ động kiểm soát nhiệt độ, môi trường đã hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi, giảm thiểu được dịch bệnh. Bên cạnh đó, người nuôi còn chủ động được thời điểm thu hoạch, tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa” - anh Bốn cho hay.
Anh Phạm Văn Cửu, chuyên viên kỹ thuật của Công ty C.P. Việt Nam cho biết: Mô hình 3C (tôm sạch - đáy sạch - nước ao sạch) đã sản xuất và cung ứng ra thị trường con giống sạch bệnh, có sức đề kháng cao. Khi người nuôi thực hiện chương trình nuôi 3C chỉ cần áp dụng kỹ thuật của Công ty để đảm bảo 2 yếu tố còn lại là nước sạch và đáy ao sạch, sản phẩm cuối cùng là tôm thu hoạch được sạch nâng cao giá trị kênh tế cho tôm thịt xuất bán.
Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất với mô hình này chính là vốn đầu tư ban đầu cao 4 - 5 tỷ đồng/ha và để thực hiện nuôi trồng độc lập thì “hộ nuôi trồng” phải có đủ kiến thức chuyên môn cần thiết trong việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới về thiết kế, xây dựng ao nuôi và công tác vận hành, quản lý kỹ thuật nuôi trồng nhà kín. Vì vậy, liên kết trong thực hiện mô hình giữa doanh nghiệp và người nuôi giúp khắc phục những hạn chế. Đây là hướng đi hiệu quả tại địa phương đang dần được nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ