Hiệu quả nuôi tôm sú 2 giai đoạn
Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn với nhiều ưu điểm vượt trội đang ngày càng “thịnh hành” ở nhiều tỉnh, thành nuôi tôm trọng điểm. Tại Cà Mau, tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để nhân rộng.
Nuôi tôm 2 giai đoạn với nhiều ưu điểm vượt trội đang được nhân rộng
Hỗ trợ thiết bị ương giống
Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau triển khai phương án Hỗ trợ thiết bị ương tôm sú giống trong nuôi tôm 2 giai đoạn tại 9 huyện, thành phố với quy mô 54 bể/54 hộ thực hiện, trong đó mỗi huyện 2 điểm, mỗi điểm 3 hộ. Cụ thể: Nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) 2 giai đoạn triển khai tại huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Thới Bình và Trần Văn Thời với 21 Tổ hợp tác thực hiện, cung cấp khoảng 12 triệu giống, thả cho 816 ha; Nuôi QCCT ít thay nước tại huyện U Minh, Đầm Dơi, Cái Nước và TP Cà Mau với 12 Tổ hợp tác thực hiện, cung cấp khoảng 6,9 triệu giống, thả cho 466 ha; Nuôi tôm - lúa tại huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và TP Cà Mau với 12 Tổ hợp tác thực hiện, cung cấp khoảng 7 triệu giống, thả cho 470 ha.
Điểm nổi bật của quy trình nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn đó là: tôm giống khi đem về ương trong bể có diện tích nhỏ, môi trường được xử lý tốt, quá trình chăm sóc quản lý giống như trại sản xuất giúp tôm khỏe mạnh, mau lớn, đạt tỷ lệ sống cao. Cùng đó, khi ương tôm giai đoạn 1 nước được lấy từ vuông nuôi nên các yếu tố môi trường tương đồng. Khi chuyển tôm xuống ao đất tôm không bị sốc, người nuôi có thể kiểm soát được mật độ tôm nuôi ở từng giai đoạn phát triển, nhờ đó rất dễ dàng chủ động lượng thức ăn bổ sung.
Việc hỗ trợ này tạo bước chuyển biến rõ nét về nhận thức của người dân trong việc ương, thuần tôm trước khi thả nuôi, tôm kích cỡ lớn thích nghi với môi trường để giảm hao hụt trước khi thả ra vuông nuôi ở giai đoạn hai. Kết quả, tổng lượng tôm của 54 bể ương đạt khoảng 30 triệu post, chuyển xuống vuông nuôi khoảng 21 triệu con, có 1.150 hộ sử dụng với diện tích nuôi hơn 2.100 ha. Từ đó, giúp nâng cao năng suất hiệu quả trong nuôi tôm 2 giai đoạn, năng suất tăng 20 - 30 so trước khi áp dụng mô hình.
Nuôi theo công nghệ Biofloc
Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Cà Mau phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn thực hiện, mang lại kết quả khả quan. Mô hình triển khai thực hiện với 6 bể ương tại 6 hộ trên địa bàn hai xã Đất Mới và Hiệp Tùng (3 bể/xã). Bể ương (100 m2/bể) được đặt trên mặt đất, thiết kế khung sắt bao quanh, bên trong lót bạt, thả 100.000 tôm sú giống, mật độ 1.000 con/m2. Các hộ tham gia được ngành chức năng hướng dẫn lý thuyết và hỗ trợ kỹ thuật.
Theo quy trình, sau 12 - 20 ngày, tôm sẽ chuyển ra vuông và tiếp tục quản lý về nguồn nước và có bổ sung thức ăn. Sau 3 - 4 tháng thả nuôi, nhiều hộ đã thu tỉa, tôm đạt đầu con và phát triển tốt. Ông Nguyễn Nghi Lễ, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Năm Căn cho biết: “Tỷ lệ sống giai đoạn một từ 70 - 95% với thời gian ương từ 12 - 20 ngày tuổi. Hiện nay, các hộ đã thả nuôi giai đoạn hai, từ 2 - 4 tháng và các hộ cũng đã thu hoạch tỉa, trọng lượng trung bình 25 - 30 con/kg, ước năng suất đạt trên 700 kg/ha.
Theo ông Nguyễn Minh Đở (ấp Hiệp Tùng, xã Hiệp Tùng) - một hộ tham gia mô hình, trước kia vèo dùng lưới mành hoặc ở trong ao, khi cho ra vuông không xác định được còn bao nhiêu, nay khi thực hiện ương trên bể thấy hiệu quả, đạt 85 - 90%.
Ông Phan Văn Vũ (ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới) cũng cho hay: “Bước đầu mình vèo trong 20 ngày, cỡ tôm đạt từ 2 - 3 cm thì đưa ra vuông. Trước khi đem ra vuông, cần xử lý men vi sinh xuống vuông rồi thuốc cá trước đó 3 ngày. Hiện nay, con nước này đang thu hoạch, trọng lượng tôm cỡ khoảng 32 - 34 con/kg, với giá khoảng 150 nghìn đồng/kg. Tỷ lệ sống khá cao, khoảng từ 70 - 80% trở lên. Mô hình này tôi thấy rất có hiệu quả”.
Từ hiệu quả đem lại, nuôi tôm 2 giai đoạn trở thành một trong những mô hình trọng điểm được Trung tâm Khuyến nông Cà Mau nhân rộng trong thời gian tới.
Ưu điểm của mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn là tôm giống ương trong bể có diện tích nhỏ, môi trường được xử lý tốt, quá trình chăm sóc quản lý giống như trại sản xuất giúp tôm khỏe mạnh, mau lớn, đạt tỷ lệ sống cao; Khi ương tôm giai đoạn một, nước được lấy từ vuông tôm nên khi chuyển xuống ao đất tôm không bị sốc, người nuôi kiểm soát được mật độ tôm ở từng giai đoạn, từ đó chủ động lượng thức ăn bổ sung.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ