Mô hình kinh tế Hiệu quả từ mô hình tôm – cua sinh thái an toàn sinh học

Hiệu quả từ mô hình tôm – cua sinh thái an toàn sinh học

Tác giả Trần Thiện, ngày đăng 08/06/2016

Nhiều năm nay, đa số bà con nuôi thủy sản kết hợp theo hình thức tôm – cua đã đem lại hiệu quả kinh tế khá bền vững, góp phần tăng thu nhập, ổn định và phát triển kinh tế của định phương. Theo ghi nhận của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh thì hiện nay tổng chi phí sản xuất cho 01 vụ nuôi là 20 – 30 triệu đồng/ha/năm, sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận mang lại rất khả quan, từ 50 – 60 triệu đồng (trong đó tôm sú chiếm 60%, cua 30%, cá chiếm 10%).

Hiện nay, đối với hình thức nuôi này, người dân cũng đã quan tâm tác động khoa học, tăng cường quản lý vào sản xuất thực tế, áp dụng các hình thức nuôi tôm – cua sinh thái, thân thiện với môi trường; nhờ đó, tạo ra nguồn sản phẩm sạch, có giá thương phẩm cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng.

Nhiều hộ thành công điển hình

Theo ông Cái Hoàng Bảo, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Để hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm – cua theo hình thức quảng canh cải tiến (QCCT) kết hợp nói riêng thì huyện luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật, thực nghiệm các mô hình trình diễn với quy trình nuôi tiên tiến nhằm góp phần nâng cao hiệu quả cho sản xuất nuôi trồng thủy sản”. Ngoài ra, các ngành chức năng của huyện Đông Hải cũng tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp trong công tác quản lý chất lượng, giá bán các yếu tố đầu vào (thức ăn, thuốc thủy sản…), chủ động đề xuất sên vét hệ thống thủy lợi… nhằm tạo các điều kiện cho hoạt động nuôi trồng thủy sản được thuận lợi, gặt hái được thành công.

Theo Sở Nông nghiệp &PTNT Bạc Liêu, thủy sản (tôm, cua, cá) thường nuôi theo hai hình thức: tôm nuôi QCCT kết hợp trong điều kiện ao nuôi trồng năng tượng và nuôi tôm QCCT kết hợp trong điều kiện có trồng rừng (mô hình tôm – rừng). Ngoài ra, các đối tượng thủy sản nuôi theo hình thức này đáp ứng tốt các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, tôm nuôi đạt chuẩn sinh thái; trong quá trình nuôi người dân thường không sử dụng hóa chất, kháng sinh đã góp phần tiết kiệm chi phí vụ nuôi, thủy sản khi xuất bán có giá cao hơn từ 20.000 – 30.000 đồng/kg so với các hình thức khác, giúp tăng hiệu quả kinh tế.

Điển hình như hộ ông Dương Văn Sở ngụ ấp Cây Giá (xã Định Thành, Đông Hải) có diện tích 6 ha nuôi tôm theo hình QCCT kết hợp cho biết: Gia đình ông đã thực hiện mô hình này hơn 10 năm, ông thả nuôi khoảng 150.000 con tôm sú giống/đợt (3 – 4 đợt/năm) và cua giống khoảng 30.000 con/đợt (1 – 2 đợt/năm). Theo ông Sở hiệu quả mô hình này là khá cao, trung bình mỗi năm cho thu hoạch hơn 600 kg tôm, 400 kg cua, cá loại; với giá trung bình 170 ngàn đồng/kg (tôm loại 30 con/kg), 210 ngàn đồng/kg (cua gạch loại 2 – 3 con/kg), mỗi năm lợi nhuận 80 – 100 triệu đồng.

Cũng sản xuất theo hình thức quảng canh cải tiến tôm – cua kết hợp, ông Tăng Văn Dưỡng ngụ ấp Thạnh An (xã Long Điền, Đông Hải) có diện tích 2 ha, sản xuất theo hình thức tôm – cua kết hợp cho biết: “Nếu áp dụng tốt khoa học – kỹ thuật, quy trình nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên thì sẽ cải thiện năng suất, chất lượng thủy sản nuôi”. Hiện nay mô hình này của gia đình ông cho năng suất khá cao, tôm từ 250 – 300 kg/ha/năm, cua 120 – 150 kg/ha/năm. Ông Dưỡng chia sẻ, để tăng thu nhập ông áp dụng theo hình thức thu tỉa thả bù (trung bình 1 – 2 tháng/lần thả), mật độ thả tôm giống từ 2 con/m2, cua 1 con/m2 , sau 03 tháng nuôi là có thể thu hoạch theo con nước hàng tháng, mỗi năm gia đình ông có lợi nhuận hơn 40 triệu/ha/năm.

Giải pháp kỹ thuật

Theo khuyến cáo cơ quan chuyên môn địa phương: Đối với hình thức nuôi QCCT tôm – cua kết hợp thì tùy thuộc điều kiện từng vùng và của nông hộ mà có thể áp dụng nuôi theo hình thức kết hợp khác nhau: tôm - cua - cá, tôm - cua, tôm - cá (cá chẽm, cá rô phi…). Mô hình này phù hợp với khả năng của bà con nông dân có vốn đầu tư thấp, đòi hỏi kỹ thuật ở mức trung bình; tôm, cua thu hoạch đạt kích cỡ lớn, đảm bảo chất lượng và có giá cao trên thị trường.

Trong quá trình sản xuất, người nuôi tôm - cua theo hình thức QCCT kết hợp cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Tuân thủ lịch thời vụ:

Hằng năm, trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả tuân thủ lịch thời vụ của những năm trước, Ngành Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản theo hướng tối ưu nhất, giúp người dân chủ động hơn trong sản xuất. Cụ thể năm 2016, Ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo nên thả tôm thả giống từ tháng 11/2015 – 8/2016 với mật độ từ 1 – 3 con/m2, thả cua sau tôm 01 tháng với mật độ từ 0,5 – 1 con/m2 (Thông báo số 43/TB-SNN-CCN ngày 26/11/2015 của Sở Nông nghiệp & PTNT Bạc Liêu)

2. Đối với khâu cải tạo ao nuôi:

Khuyến cáo bà con phải gia cố bờ bao bằng cơ giới để chống thất thoát nước nhằm ổn định các yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ mặn, pH...) trong ao nuôi. Lưu ý người dân nên mở rộng diện tích mương (chiếm 25 – 30%) tạo không gian rộng cho tôm hoạt động.

Bờ bao phải đảm bảo chắc chắn không bị mọi, rò rỉ nhằm tránh mất nước trong suốt thời gian nuôi. Chiều rộng mương tối thiểu phải đạt từ 2 – 3 m, chiều sâu mương đạt 1,2 - 1,5m để giữ được mực nước mặt trảng khi nuôi đạt từ 0,5 m trở lên, để đảm bảo các yếu tố môi trường trong ao nuôi được ổn định, để tạo điều kiện cho cua lên trảng tìm thức ăn. Trên bờ ao nên để cỏ không nên dọn trống, dùng lưới rào kỹ bốn góc ao và chỗ lấy nước vào (cua thường thoát ra ngoài tại những góc ao và đường bơm nước).

3. Chọn tôm, cua giống trước khi thả:

Đối với tôm giống cần tuân thủ theo hướng dẫn của ngành chuyên môn theo 03 nguyên tắc: cảm quan, gây sốc, xét nghiệm. Tuy nhiên, do người nuôi tôm theo hình thức QCCT thường mua tôm giống với số lượng tương đối ít, chỉ từ 10.000 – 20.000 post/lần; do đó khuyến cáo người dân nên thành lập các Tổ hợp tác liên kết sản xuất nhằm mua tôm giống chất lượng với giá hợp lý hơn, giảm chi phí xét nghiệm.

Đối với cua giống khuyến cáo không chọn cua giống có kích cỡ quá nhỏ, tốt nhất chọn cua giống có kích cỡ 2 -2,5 cm/con, đồng cỡ, đồng màu, có phản ứng nhanh lẹ, các phụ bộ đầy đủ và không có xác chết trong bể vèo. Bố trí cua vào khay, cua phải phân bố đều và đổ nước vào cua phải phân tán đều khay, khả năng đeo bám giá thể tốt.

4. Ương gièo tôm, cua giống trước khi chuyển ra ao nuôi:

Phần lớn những hộ nuôi thả trực tiếp tôm, cua ra ao nuôi, hạn chế của phương pháp này là nếu trường hợp cá tạp trong ao nuôi chưa xử lý triệt để sẽ dẫn đến làm giảm tỷ lệ sống của thủy sản nuôi. Để khắc phục vấn đề này trước khi thả tôm, cua ra ao nuôi bà con nên diệt cá tạp và gièo tôm, cua trong ao vèo khoảng 15 – 20 ngày để hạn chế tôm, cua bị hao hụt. Thả tôm trước 1 – 1,5 tháng so với thả cua và gièo riêng tôm, cua để tránh hao hụt.

5. Chăm sóc và quản lý:

Định kỳ theo dõi các yếu tố môi trường nước để điều chỉnh vào khoảng thích hợp cho cua phát triển tốt: pH: 7 – 8,5; kiềm: 80 – 150ppm, độ mặn: 15 - 250/00. Trong ao nuôi phải có chỗ để cua trú ẩn và lột xác sinh trưởng (dưới mương bao nên đặt chà, trên trảng có thể trồng năng tượng với mật độ vừa phải để làm nơi trú ẩn cho cua). Trong ao phải có đủ thức ăn cho cua ăn (có thể thả thêm cá rô phi, ốc… vào ao để cho cua ăn). Định kỳ 15 – 20 ngày thay nước 01 lần, mỗi lần thay 20 – 30% lượng nước trong ao để kích thích cho cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt. Thường xuyên kiểm tra bờ, cống, rào chắn để kịp thời sửa chữa, trách để cua thoát ra ngoài.


Có thể bạn quan tâm

trong-chuoi-it-ton-cong-de-cham-soc-lai-lai-cao Trồng chuối ít tốn công,… ong-tran-van-lam-lam-giau-nho-mo-hinh-san-xuat-ech-thai-lan Ông Trần Văn Lâm làm…