Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Việc Thụ Tinh Nhân Tạo Đối Với Đàn Bò Giống Ở Bến Tre

Hiệu Quả Từ Việc Thụ Tinh Nhân Tạo Đối Với Đàn Bò Giống Ở Bến Tre

Ngày đăng 16/09/2012

Hiện nay, đàn bò của tỉnh Bến Tre có trên 180.000 con, lớn nhất trong các tỉnh thành ở ĐBSCL. Chất lượng đàn bò ngày càng được chú trọng với các ưu điểm như: trọng lượng lớn, tốc độ tăng trọng nhanh, tỷ lệ thịt xẻ cao, chất lượng thịt ngon. Có được kết quả này là nhờ công tác thụ tinh nhân tạo được thực hiện thời gian qua tại tỉnh.

Nghề nuôi bò đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho nông dân trong tỉnh. Tại Ba Tri, nuôi bò được xem là kinh tế chủ lực, hiện có khoảng 70.000 con (đàn bò lớn nhất tỉnh). Nông dân nuôi bò luôn tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt được giá trị kinh tế cao. Khi các dự án về cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt được triển khai, nông dân đã nhanh chóng tiếp cận, áp dụng đại trà.

Hiệu quả nhất là Dự án “Cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010” do Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bến Tre triển khai được nông dân Ba Tri nhiệt tình hưởng ứng. Dự án này đã nâng nhận thức của nông dân trong cách lai tạo, chuyển đổi đàn bò.

Hiện nay, đa số hộ dân nuôi bò ở Ba Tri áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò nái sinh sản, nhờ đó sản phẩm tạo ra là những bê lai có từ 50 đến trên 75% máu nhóm bò Zebu (Brahman) và bò siêu thịt (Red Angus) có ngoại hình đẹp, trọng lượng sơ sinh lớn (từ 27 kg trở lên đối với bò Brahman; riêng Red Angus trên 30 kg).

Ưu điểm của các giống bò này là tốc độ sinh trưởng nhanh, thương lái ưa chuộng tìm mua giá cao hơn bò phối giống trực tiếp từ 4 - 5 triệu đồng/con (đối với bò lai Brahman khoảng 4 tháng tuổi giá từ 8 - 10 triệu đồng/con; bê lai Red Angus từ 12 - 15 triệu đồng con). Việc thụ tinh nhân tạo cho đàn bò được người dân Ba Tri tích cực hưởng ứng, từng bước thay đổi cơ cấu giống bò địa phương, loại bỏ dần đàn bò vàng hoặc bò cái lai không đạt tiêu chuẩn vốn tồn tại nhiều năm.

Thay vào đàn bò cái nền của nông dân huyện Ba Tri hiện nay có khoảng 90% bò lai Zebu. Riêng đàn bò đực phối giống trực tiếp, người nuôi cũng đã và đang có sự chuyển đổi, thay các bò đực không đạt tiêu chuẩn bằng các giống bò chất lượng như nhóm Zebu (có máu từ 75% trở lên) để lai tạo, loại bỏ giống bò truyền thống trước đây. Năm 2004, ông Huỳnh Văn Nấp, ở ấp Bờ Bàu, xã Mỹ Chánh đến quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) mua 2 bò nái giống Rahman về nuôi.

Đây là giống bò có trọng lượng lớn, bò cái 350 kg, bò đực 450 - 700 mỗi con và thời gian sinh sản dầy, bình quân 11 tháng/lần. Từ 2 bò nái ban đầu, nhờ áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, ông Nấp đã nhân đàn được hơn 20 con. Với giống bò này, khi một bò nghé tách đàn 6 tháng tuổi, ông thu khoảng 15 triệu đồng. Nhờ áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo mà anh Phạm Văn Vũ, ở ấp Nhơn Thuận, xã Mỹ Nhơn, có được đàn bò trị giá hàng trăm triệu đồng.

Trong số này có 1 bò đực Red Angus hơn 2 năm tuổi, trọng lượng khoảng 1.000 kg trị giá khoảng 50 triệu đồng. Tháng 10-2011, anh Nguyễn Văn Khanh, ở ấp Gò Chùa, xã Mỹ Chánh tham gia Đề tài so sánh con lai F1 giữa các giống bò Red Angus, Rahmanh, Red Angus phân biệt giới tính, bò đực lai sinh với bò cái nền địa phương do Sở Khoa học Công nghệ phối hợp Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre thực hiện. Anh Khanh chọn thụ tinh nhân tạo giống bò Red Angus phân biệt giới tính. Kết quả, bò mẹ sinh ra một bê lai Res Angus đực như mong muốn ban đầu của anh. Với bê lai này, sau thời gian nuôi 5 tháng, anh sẽ bán giá từ 17 đến 18 triệu đồng.

Một số giống bò chủ lực đã và đang sử dụng tốt, có kiểm chứng thực tế tại tỉnh là nhóm bò Zebu, bò siêu thịt, gồm các giống bò: Angus, Charolais, Limousine. Đây là các giống bò thịt đang được sử dụng phổ biến bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và đã mang lại hiệu quả lớn cho ngành chăn nuôi bò tại Bến Tre.


Có thể bạn quan tâm

phu-nu-ap-my-an-b-thoat-ngheo-tu-mo-hinh-nuoi-chim-cut-o-tien-giang Phụ Nữ Ấp Mỹ An… thi-diem-nuoi-thuong-pham-ca-tre-phu-quoc-o-kien-giang Thí Điểm Nuôi Thương Phẩm…