Hỏi đáp thủy sản tháng 7/2017
Hỏi: Xin hỏi liều lượng và cách sử dụng bột bã mía trong ao nuôi tôm? (Lê Hoàng Tuấn, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh)
Trả lời:
Bã mía sau khi đem sấy khô, nghiền thành bột. Bột bã mía có tác dụng ổn định môi trường nước, giúp phát triển hệ vi sinh có lợi, cung cấp chất khoáng cho tảo, bổ sung các chất Fe, Zn cho tôm nuôi… Dùng bột bã mía để gây màu nước với liều lượng 1 kg/100 m3 nước. Đối với ao thuần thì dùng 5 ngày/lần, riêng ao đã bị chai nền đáy thì cần dùng 2 ngày/lần. Trong 2 tháng đầu, không cần sử dụng chế phẩm sinh học hay khoáng bổ sung vào nước mà chỉ bón định kỳ bột bã mía 10 kg/1.000 m3 nước ao. Để ước lượng chính xác liều lượng bột bã mía cần sử dụng, cần kiểm tra các yếu tố môi trường nước (mật độ vi khuẩn trong nước, pH, kiềm…) trước khi sử dụng 1 ngày và sau khi dùng 2 ngày. Sau 2 tháng nuôi, ngoài việc sử dụng bột bã mía định kỳ, cần bổ sung thêm chế phẩm sinh học để môi trường nước luôn ổn định. Trong quá trình nuôi, cần theo dõi kỹ màu nước, các yếu tố môi trường, để có sự điều chỉnh hợp lý lượng bột bã mía cần bón…
Hỏi: Tôm nuôi 40 ngày, nước ao có màu đậm, nhiều con bị mòn đuôi, chết rải rác. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? (Nguyễn Toàn Đại, xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu)
Trả lời:
Theo mô tả, ao nuôi tôm có dấu hiệu tích lũy một lượng lớn mùn bã hữu cơ, trong môi trường nước có nhiều vi khuẩn, nấm ký sinh. Nguyên nhân có thể do dư thừa thức ăn, môi trường nuôi bị ô nhiễm khiến tôm bị một số bệnh đứt đầu, mòn đuôi, thối gãy phụ bộ, bệnh này gây chết rải rác, nặng sẽ gây chết hàng loạt. Để khắc phục, có thể thay 15 - 20% lượng nước ao nếu có điều kiện; trộn men vi sinh, Vitamin C, thuốc bổ gan vào thức ăn cho tôm, liều lượng 5 - 7 g/kg thức ăn, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học bón xuống ao để giảm hàm lượng khí độc và khoáng hóa nền đáy.
Hỏi: Xin hỏi cách phòng và điều trị bệnh mềm vỏ kinh niên trên tôm? (Huỳnh Thi, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau)
Trả lời:
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng mềm vỏ của tôm như: Do trong thức ăn dùng nuôi tôm thiếu chất khoáng hoặc thiếu một số vitamin, nhất là Vitamin D thúc đẩy quá trình hấp thụ các chất khoáng. Thức ăn kém chất lượng, ôi thiu hoặc cho ăn quá ít; Trong ao có nhiều chất độc mà nguyên nhân do sự phân hủy của các chất hữu cơ, do tảo độc hoặc chất độc của nguồn nước thải công nghiệp, sinh hoạt đặc biệt là thuốc trừ sâu trong nông nghiệp; Nuôi tôm trong điều kiện môi trường có nhiều biến động gây sốc làm rối loạn hoạt động trao đổi chất của tôm.
Để phòng trừ bệnh, cần lưu ý một số biện pháp sau: Dùng thức ăn có chất lượng tốt, có hàm lượng P:Ca là 1: 1. Bổ sung một lượng vitamin tổng hợp, không nuôi mật độ quá cao; Đảm bảo độ pH 7,5 - 8,5 trong suốt quá trình nuôi; Tránh nguồn nước thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt chảy vào ao nuôi, tránh hiện tượng tảo nở hoa gây biến động điều kiện môi trường. Khi kiểm tra phát hiện tôm có dấu hiệu mềm vỏ phải nhanh chóng can thiệp ngay bằng cách tăng cường cung cấp ôxy, đồng thời tạt vôi và Dolomite để tăng kiềm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ