Hội tìm lối thoát cho nông sản đặc trưng
Phát huy lợi thế của mỗi địa phương
Hậu Giang là địa phương có lợi thế về nông nghiệp với nhiều loại nông sản nổi tiếng, như cam xoàn, bưởi da xanh, quýt đường, xoài cát Hòa Lộc… Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định với số lượng nhiều, giá trị từ sản phẩm mà người ND hưởng được chưa cao. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Nhằm giúp nhà nông thoát khỏi tình trạng này, Hội ND tỉnh Hậu Giang đang hình thành mô hình đột phá - xây dựng sản phẩm đặc trưng ở mỗi địa phương.
Ông Châu Minh Tiến cho rằng: “Sản phẩm đặc trưng đạt yêu cầu phải là những sản phẩm nhân rộng sản xuất được, tiêu thụ được, mang được hiệu quả kinh tế và dần tạo được thương hiệu hàng hóa, khóm Cầu Đúc và quýt đường Long Trị là một ví dụ. Khi hình thành được vùng nguyên liệu lớn thì người mua sẽ dễ dàng tiếp cận thông qua những tổ hợp tác, đồng thời việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện các quy trình VietGAP cũng thuận tiện hơn”.
Phối hợp nhịp nhàng, linh động
Theo định hướng của Hội ND tỉnh, việc hình thành sản phẩm đặc trưng này không bó hẹp trong một đơn vị hành chính cứng nhắc mà các địa phương có thể linh động. Từ những xã có được sản phẩm đặc trưng có thể nhân rộng ra các xã lân cận, nơi có điều kiện tương tự.
Hiện nay, Hội ND tỉnh đang định hướng xây dựng vùng sản xuất mãng cầu xiêm ở xã Hòa Mỹ liên kết với xã Bình Thành (huyện Phụng Hiệp); cam xoàn ở xã Phương Bình (Phụng Hiệp); mô hình trồng tiêu ở các xã Vị Bình, Vị Thanh (Vị Thủy); xoài cát Hòa Lộc ở thị trấn Bảy Ngàn, xã Tân Hòa (Châu Thành A); mô hình nhãn Ido ở xã Thạnh Hòa; chanh không hạt tại xã Đông Thạnh (Châu Thành); cam sành ở xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy),…
Nói về cách làm cụ thể, ông Tiến cho biết thêm: “Trước mắt, sẽ cho các địa phương khảo sát số hộ trồng loại cây đó tại địa bàn, giao Hội ND tại đó thành lập tổ hội nghề nghiệp. Tiếp đến là tiến hành chuyển giao khoa học kỹ thuật, sau đó giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Về mặt tiêu thụ sản phẩm, Hội ND tỉnh cùng chính quyền địa phương các cấp sẽ hỗ trợ thêm”.
Ông Võ Văn Triệu – Chủ tịch Hội ND xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, chia sẻ: Hiện tại địa phương đang có một tổ hợp tác trồng tiêu với 12 thành viên và có thêm khoảng 10 hộ lân cận đang muốn xin vào tổ. Tổ hợp tác đã tập hợp những ND sản xuất cùng một ngành nghề nhằm dễ dàng hỗ trợ họ về mặt kỹ thuật cũng như hướng dẫn sản xuất, tiêu thụ. Trong tương lai đây sẽ là một mô hình có nhiều triển vọng, xã cũng đang đề nghị lên huyện để được đăng ký thương hiệu riêng.
“Tại một địa phương sẽ có nhiều sản phẩm được ND sản xuất cùng lúc, vấn đề là phải lựa chọn ra một sản phẩm có tính hiệu quả nhất để định hướng bà con tập trung sản xuất tại vùng đất của mình” – ông Nguyễn Thành Quyến – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Phụng Hiệp nêu ý kiến.
Hiện Tỉnh hội đã có biên bản ghi nhớ với một số viện, trường trong khu vực, hướng đến trong tương lai sẽ sử dụng những cây, con giống tại những nơi này để cung cấp cho bà con.
Cũng theo ông Tiến, việc hình thành sản phẩm đặc trưng ở mỗi địa phương là việc làm khó khăn và mang tính lâu dài. Trong thời gian tới, Tỉnh hội sẽ có hướng dẫn thêm đến các địa phương, biên soạn những tài liệu thật cụ thể, súc tích để gửi xuống các Hội ND xã, giúp họ định hình được quy trình, bước đi, thống nhất về nhận thức.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ