Hướng mở cho người nuôi tôm sú
Thời gian gần đây, nhiều thương lái trên địa bàn huyện Cái Nước tìm đến đầm công nghiệp mua tôm sú sống với giá khá cao và được nuôi sống vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh tiêu thụ (gọi là tôm ôxy). Đặc biệt, số lượng tôm ôxy được các thương lái thu mua không hạn chế, đây là tín hiệu vui đối với nông dân.
Trong ảnh: Thương lái phân cỡ tôm ôxy ngay tại đầm tôm công nghiệp.
Điều phấn khởi là với hình thức thu mua này, tôm sú 30 con/kg có giá trên 280.000 đồng, cao hơn 30.000-40.000 đồng so với hình thức mua ướp đá. Ông Nguyễn Việt Khoa, ấp Lộ Xe, xã Phú Hưng, thương lái thu mua tôm sú ôxy, cho biết, thị trường tiêu thụ mặt hàng này mạnh nhất là TP Hồ Chí Minh. Tôm ôxy được bán cho các nhà hàng để phục vụ thực khách và bán tại các chợ.
Cũng theo ông Khoa, khâu thu hoạch tôm ôxy mất khá nhiều thời gian, công sức và chi phí so với tôm ướp đá. Nhưng công đoạn này do người thu mua đảm nhận nên không ảnh hưởng đến người nuôi tôm. Công đoạn đầu tiên là ngay sau khi tôm được thu hoạch dưới đầm mang lên sẽ chuyển cân tính trọng lượng (không để lâu như tôm ướp đá). Kế tiếp cho tôm vào bể nước bằng nhựa có hệ thống ôxy giúp tôm phục hồi sức khoẻ. Công đoạn tiếp theo là chuyển tôm lên chiếc bàn bằng nhôm có kích thước khoảng 3m2 để phân cỡ ngay tại đầm tôm công nghiệp và đóng thành từng sọt hình tròn được làm bằng lưới có trọng lượng từ 7-10 kg. Công đoạn cuối cùng là cho các sọt tôm vào phuy nhựa trên xe, tiếp tục chạy ôxy kết hợp với dùng nước đá hạ nhiệt độ để gây mê cho tôm và chuyển đi tiêu thụ.
Ông Phạm Văn Hoàng, ấp Thị Tường, xã Hoà Mỹ, là người có thâm niên nuôi tôm công nghiệp và thường xuyên bán tôm ôxy, cho biết, trước khi muốn bán mặt hàng tôm ôxy phải cho thương lái đến tận ao đầm kiểm tra. Tôm khoẻ mạnh, không mắc bệnh thì mới được thương lái đồng ý mua. Điều này đòi hỏi người nuôi tôm phải có kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm tôm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Cái Nước, cho biết, để tôm nuôi đạt chất lượng cao và sạch bệnh, bà con nông dân cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ khâu cải tạo ao đầm, chọn con giống sạch bệnh thả nuôi, cho đến khâu chăm sóc và quản lý. Đặc biệt, phải thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện chất lượng môi trường nước trong ao đầm, giúp tôm tăng sức đề kháng để phát triển nhanh và hạn chế dịch bệnh.
Theo dự báo của nhiều thương lái, đầu ra tôm sú ôxy mạnh nhất từ tháng 10 đến cuối tháng 4 âm lịch hằng năm. Do vào thời điểm này trùng vào các dịp lễ và Tết nên sức mua trên thị trường tăng, vì thế giá cũng tăng theo; các tháng còn lại sức mua giảm nên giá tôm ôxy cũng hạ nhiệt.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cái Nước có 2.000 ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp, có trên 600 ha đang được nông dân thả nuôi, trong đó khoảng 50% diện tích tôm sú. Theo dự báo, xu hướng người dân chuyển sang nuôi tôm sú công nghiệp để bán theo hình thức tôm ôxy sẽ tăng trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ