Hướng mở cho nông nghiệp đô thị
Du khách tham quan, trải nghiệm tại làng rau Trà Quế (Hội An) ẢNH: DIỆU HIỀN
Tại nhiều đô thị ở VN, mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đã hình thành, thu hút du khách trong và ngoài nước, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Đủ kiểu thu hút khách
Sáng sớm, làng rau Trà Quế (TP.Hội An, Quảng Nam) đã đón hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về nghề trồng rau độc đáo đã tồn tại hàng trăm năm qua. Những du khách nước ngoài tỏ ra ngạc nhiên thú vị về cách “nông dân đô thị” vun luống trồng rau, bón phân hay gánh nước tưới cho từng luống cải, hành, húng, quế… Rồi chính các du khách cũng xuống ruộng cày, cấy, cưỡi trâu, tự tay tuốt lúa, làm bánh, nấu cơm… trong tour trọn gói “làm nông trên đất Hội An”, tất nhiên là theo… tour du lịch. Những tour du lịch khám phá, trải nghiệm kiểu này đã làm nên sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An, giúp ngành du lịch có thêm điểm đến hấp dẫn, qua đó tăng thu nhập cho nông dân. Dưới góc độ kinh tế du lịch, việc khiến du khách “móc hầu bao” bằng nhiều cách khác nhau được xem là thành công.
Tại Quảng Nam, từ năm 2010 đã hình thành các điểm du lịch mới ở khu vực nông thôn, miền núi gắn với du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề truyền thống kết nối du khách với các làng nghề ở miền núi cao Nam Giang, Đông Giang hay vùng đồng bằng Duy Xuyên, Điện Bàn. Tại TP.Đà Nẵng, các vùng trồng rau La Hường (P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ), Túy Loan (xã Hòa Phong, H.Hòa Vang), trang trại nông - lâm - ngư kết hợp của ông Nguyễn Phước Hùng (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, H.Hòa Vang)… trở thành những điểm đến quen thuộc, thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người nông dân. Tại TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội hay Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, hàng loạt mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn kết với du lịch đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, cải thiện đáng kể đời sống, thu nhập của người nông dân.
Cần sản phẩm đặc thù
Mặc dù giữa ngành nông nghiệp và du lịch có nhiều cơ hội để gắn kết, nhưng khó khăn vẫn “đeo bám” khiến việc mở rộng mô hình nông nghiệp đặc thù, hấp dẫn thu hút du khách chưa được như mong muốn và chưa khai thác hết tiềm năng. Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm khuyến nông Quảng Nam, nhà nước cần có các giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Ngoài ra, các khâu liên kết sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cần có chiến lược cụ thể. Bên cạnh đó, giữa các ngành liên quan như nông nghiệp, du lịch, xúc tiến thương mại, tài nguyên - môi trường và chính quyền địa phương cần phối hợp nhịp nhàng để nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị, phát triển sản phẩm làng nghề gắn với du lịch, đảm bảo an toàn và thuận lợi cho du khách đến tham quan.
TS Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia (Bộ NN-PTNT), cho rằng việc triển khai thành công các mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch tại nhiều địa phương trên cả nước là một tín hiệu khả quan. “Mô hình này giúp ngành nông nghiệp định hướng được sản phẩm cũng như đầu ra, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho nông dân tại các vùng chuyên canh gắn với du lịch. Nhưng quan trọng nhất hiện nay là xác định sản phẩm nông nghiệp đặc thù, hấp dẫn để thu hút khách du lịch. Không thể bê nguyên mô hình thành công ở nơi này đặt vào nơi khác”, TS Khởi nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ