Tin nông nghiệp In code lên quả xoài Cao Lãnh để bảo vệ nhãn hiệu

In code lên quả xoài Cao Lãnh để bảo vệ nhãn hiệu

Tác giả Anh Sa, ngày đăng 07/06/2017

Ngon và rất thơm, xoài Cao Lãnh và xoài cát chu Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã chinh phục nhiều thị trường khó tính như Nga, Nhật, Hàn Quốc... Tuy nhiên, nhiều thương nhân nước ngoài sau khi mang các đặc sản này về nước đã gỡ logo nhãn hiệu chứng nhận và dán nhãn của họ vào.

Xoài cát chu Cao Lãnh được dán logo để chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: V. Hùng

Áp dụng kỹ thuật giúp ra hoa quanh năm

Xoài cát chu Cao Lãnh nặng trung bình 350-450gr/trái, quả thuôn dài, vỏ màu vàng nhạt, năng suất rất cao, dễ trồng. Xoài Cao Lãnh nặng trung bình 400-500g/trái, quả thuôn dài, màu vàng tươi, thịt mềm, thơm, ngọt. Theo ông Huỳnh Thanh Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cao Lãnh, cả hai giống xoài nổi danh lâu đời này đều đã được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận (NHCN).

Hai đơn vị được cấp phép sử dụng NHCN “Xoài cát chu Cao Lãnh” và “Xoài Cao Lãnh” là Hợp tác xã xoài Mỹ Xương và Tổ hợp tác sản xuất xoài khóm Mỹ Thới. Toàn huyện có 3.695ha trồng xoài, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm.

Theo ông Võ Việt Hưng - Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, khó khăn lớn nhất của người trồng xoài là năng suất không ổn định do yếu tố mùa vụ, thời tiết. ThS Nguyễn Thành Trung - Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đồng Tháp - cho biết: “Sở đang hỗ trợ người dân ứng dụng các giải pháp giúp xoài ra hoa quanh năm để giảm áp lực về sản lượng. Như vậy, xoài thường xuyên có mặt trên thị trường”.

Hai hoạt chất đang được sử dụng để “kích” xoài ra hoa quanh năm là Thiourea và Paclobutazol. Ông Trung cho biết, do thế giới có xu hướng không dùng hai chất này và hóa chất nói chung nữa nên Sở KH&CN đang phối hợp với các bên nghiên cứu tìm hoạt chất khác thiên về thảo dược để thay thế.

Nhiều trường hợp “mất tên” khi ra nước ngoài

Hiện các nhà vườn đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất xoài, tuân thủ các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Được nhiều người biết đến như thương hiệu đặc sản của địa phương, việc sản xuất xoài ở Cao Lãnh gắn với phát triển du lịch sinh thái nhằm tăng thu nhập cho nhà vườn. “Nhờ áp dụng GlobalGap, 80% sản lượng xoài Cát Chu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính như Nga, Nhật, Hàn Quốc” - ông Sơn nói.

Ông Hưng chia sẻ: “Từ khi chúng tôi được sử dụng hai NHCN, người tiêu dùng tin tưởng hơn. Đây là nền tảng để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường và xuất khẩu. Hiện toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc xoài của chúng tôi đều theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường. Các nhà vườn phải có hồ sơ, lý lịch ghi chép quá trình canh tác để giám sát, truy xuất nguồn gốc”.

Sản phẩm mang NHCN phải đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng, được kiểm tra định kỳ. Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, cơ quan quản lý NHCN có quyền đột xuất lấy mẫu kiểm tra.

Tuy nhiên, ông Phan Trọng Tường - Trưởng phòng Quản lý KH&CN chuyên ngành, Sở KH&CN Đồng Tháp - phản ánh: “Hiện nay chúng tôi gặp phải tình trạng thương nhân nước ngoài mua xoài có NHCN của Cao Lãnh mang về nước, gỡ logo nhãn hiệu ra và dán nhãn của họ lên. Tình trạng này rất phổ biến. Ở trong nước cũng có thương nhân làm vậy, nhưng không nhiều”.

Để khắc phục, Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh đang có kế hoạch sản xuất mã code và in trực tiếp trên quả xoài đạt chuẩn để tránh tình trạng trà trộn, xoài có NHCN của Cao Lãnh bị dán nhãn khác.


Có thể bạn quan tâm

nhung-dich-benh-hai-can-chu-y-trong-tuan-tu-5-11-6 Những dịch bệnh hại cần… mot-cay-mit-tro-gan-500-trai Một cây mít trổ gần…