Tin thủy sản Khả quan mô hình nuôi cá giò trong lồng tròn HDPE

Khả quan mô hình nuôi cá giò trong lồng tròn HDPE

Tác giả An Nhiên, ngày đăng 02/11/2021

Nằm trong dự án “Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, năm nay, mô hình được triển khai tại khu vực biển thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa đã thu về những kết quả khả quan, cần tiếp tục được nhân rộng.

Được biết, dự án “Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện xây dựng trình diễn 6 lồng tròn với tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng trong 3 năm 2020 – 2022. Trong đó, kinh phí khuyến nông hỗ trợ 3 tỷ đồng, còn lại do người nuôi trồng thủy sản tham gia dự án đối ứng. Năm 2020 mô hình đã xây dựng 1 lồng, năm 2021 xây dựng 2 lồng và năm 2022 là 3 lồng.

Năm 2020, 1 lồng tròn được triển khai cho hộ ông Nguyễn Xuân Hòa tại khu vực nuôi bãi Bà Lễ, (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) đã thu về kết quả rất tích cực. Tỷ lệ cá sống cao hơn, cá có tốc độ phát triển tốt hơn so với bè gỗ truyền thống. 

Năm 2021, thêm 2 lồng được triển khai cho hộ ông Trần Ngọc Sỹ và ông Trần Văn Đạo ở xã Vạn Thạnh, mỗi lồng có thể tích 400 m3. Mô hình đã thả 2.400 con cá giò giống vào tháng 3/2021, kích cỡ từ 18 – 20 cm/con. Kết quả cho thấy, cá giò đều sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt 2,8 – 3,2 kg/con, tỷ lệ sống đạt 98%. Đây là những thông số rất tốt so với lồng nuôi truyền thống với tỷ lệ sống thông thường đạt từ 80 – 90%. Dự kiến đến cuối năm 2021, sau gần 9 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng thu hoạch bình quân 5 kg/con, tỷ lệ sống đạt khoảng 94 – 95%.

Trong suốt quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thường xuyên đôn đốc các hộ nuôi ghi chép nhật ký, cập nhật thông tin cho đơn vị để được hướng dẫn kịp thời, thực hiện theo quy trình kỹ thuật nuôi cá giò đã được Sở NN&PTNT khuyến cáo, hướng dẫn để có biện pháp xử lý kịp thời.

Các lồng tròn HDPE kiểu Na Uy có khả năng chống chịu tốt hơn với điều kiện sóng gió, giúp người dân an tâm đầu tư. Quá trình triển khai mô hình, người dân được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn thêm về các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường vùng nuôi, các biện pháp xử lý ngay khi cá có dấu hiệu dịch bệnh nên đã hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ hao hụt cá, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo chia sẻ của người tham gia mô hình, nuôi lồng tròn có đặc điểm là ô lồng nằm tách biệt với lồng khác, không kết lại thành bè với hàng chục ô nằm liền nhau như bè gỗ truyền thống. Điều này giúp cho môi trường nuôi được thông thoáng hơn, nhờ đó tỷ lệ cá sống cao hơn, phát triển mạnh khỏe, ít dịch bệnh hơn.

Hiện, trên địa bàn huyện Vạn Ninh hiện có 39.000 lồng NTTS, trong đó nuôi cá biển gần 5.000 lồng chủ yếu bằng bè gỗ truyền thống. Địa phương mong muốn Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để từng bước chuyển đổi phương thức nuôi lồng gỗ truyền thống của người dân sang lồng nuôi HDPE thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể nuôi tại các vùng biển hở, xa bờ, chịu được sóng gió lớn nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho nông dân khi thiên tai, bão lũ xảy ra.


Có thể bạn quan tâm

benh-thoi-duoi-tom-dam-va-cach-phong-tri Bệnh thối đuôi tôm đầm… tiem-nang-bao-ngu-9-lo Tiềm năng bào ngư 9…