Mô hình kinh tế Khảo Nghiệm Thành Công Dự Án Nuôi Lợn Rừng Sinh Sản Ở Lào Cai

Khảo Nghiệm Thành Công Dự Án Nuôi Lợn Rừng Sinh Sản Ở Lào Cai

Ngày đăng 24/10/2012

Để góp phần thúc đẩy nghề nuôi lợn rừng phát triển bền vững, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án khảo nghiệm nuôi lợn rừng sinh sản tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát thuộc Chương trình khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ. Dự án khảo nghiệm với 2 mục tiêu chính: Đánh giá sự thích nghi của lợn rừng đã được thuần hóa nguồn gốc Thái Lan tại huyện Bát Xát; cho phối giống tạo ra giống thuần chủng có chất lượng cao. 
Dự án do bà Trần Thị Hoa, thôn Kim Thành, xã Quang Kim, làm Chủ nhiệm, với quy mô nuôi 4 con lợn đực giống (trọng lượng 50 - 60 kg/con); 10 con lợn nái rừng Việt Nam lai Thái Lan (trọng lượng 35 - 45 kg/con); 5 con nái giống lợn Mường Khương thuần chủng để lai tạo (trọng lượng 40 - 45 kg/con). Sau gần 2 năm khảo nghiệm, dự án đạt được kết quả như mục tiêu đề ra, đã bán ra thị trường 700 kg lợn hơi với giá 200.000 đồng/kg; cung ứng cho người dân trong vùng được 110 con lợn giống đảm bảo chất lượng, với giá từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, con giống được người chăn nuôi đánh giá cao; đến nay thu nhập từ dự án là 448.000.000 đồng, trừ các chi phí và khấu hao 30% giống bố, mẹ, cho lãi thuần 80.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, dự án còn đánh giá được tính thích nghi của lợn rừng theo từng chỉ tiêu cụ thể: Tỷ lệ sống; tỷ lệ chết; tỷ lệ nhiễm bệnh; các chỉ tiêu về sinh sản; ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu... Thức ăn dùng trong chăn nuôi lợn rừng là những loại sẵn có, dễ tìm của địa phương, như cám gạo, bột sắn, bột ngô hoặc ngô hạt, thóc nghiền… các loại này chiếm khoảng 30% trong khẩu phần ăn, còn lại 70% là thức ăn thô, xanh, như cây chuối, bí đỏ… 
Qua quá trình khảo nghiệm mô hình nuôi lợn rừng sinh sản tại xã Quang Kim, cho thấy, quy trình kỹ thuật nuôi lợn rừng sinh sản đòi hỏi không cao, dễ nuôi, không tốn kém thức ăn, ít bị bệnh, kinh phí đầu tư ít, lợi nhuận thu được tương đối cao, thị trường tiềm năng. Lai lợn rừng bố thuần chủng với lợn nái địa phương thuần chủng tạo ra con lai có chất lượng tốt, khả năng chống chịu bệnh cao, phục vụ nhu cầu con giống tại chỗ cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện. Đặc biệt, nuôi lợn rừng sinh sản góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao kinh tế gia đình. Việc nuôi được giống lợn rừng lai còn có tác dụng gìn giữ nguồn gen các giống lợn bản địa đang đứng trước tình trạng bị thoái hóa, hạn chế săn, bắt lợn rừng tự nhiên.


Có thể bạn quan tâm

san-xuat-thanh-cong-giong-lua-sieu-chiu-man Sản Xuất Thành Công Giống… tran-tro-tu-nghe-chan-nuoi-heo-o-dong-thap Trăn Trở Từ Nghề Chăn…