Mô hình kinh tế Khi Thuỷ Sản Là Ngành Kinh Tế Mũi Nhọn

Khi Thuỷ Sản Là Ngành Kinh Tế Mũi Nhọn

Ngày đăng 08/11/2013

Với nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, dịch vụ và khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, những năm qua Vân Đồn (Quảng Ninh) đã xác định thuỷ sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Chính vì vậy, huyện đã có chính sách, giải pháp để phát triển ngành Thuỷ sản bền vững.

Là huyện có tiềm năng, lợi thế về biển, Vân Đồn có gần 160.000ha diện tích mặt nước biển. Vùng biển Vân Đồn tiếp giáp với các ngư trường lớn tiện lợi cho tàu thuyền ra vào đánh cá ở ngư trường khơi cũng như ngư trường lộng và trú ẩn khi bão dông. Biển Vân Đồn có nguồn lợi hải sản tự nhiên không những lớn về trữ lượng mà cả chủng loại. Đặc biệt, thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này rất nhiều hải sản quý, có giá trị kinh tế cao như sá sùng, tôm hùm, bào ngư... Hàng năm, từ nguồn lợi thuỷ hải sản tự nhiên, bà con ngư dân Vân Đồn đã khai thác được hàng nghìn tấn tôm, cua, cá, mực, sứa... Theo số liệu thống kê, tính đến nay trên địa bàn huyện có 1.660 tàu, thuyền hoạt động trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản. Trong số đó, đội tàu đánh bắt xa bờ là 138 chiếc, tàu có công suất trên 90CV là 65 chiếc. Trong 10 tháng đầu năm 2013 tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt trên 17.000 tấn, trong đó, khai thác thuỷ sản trên 10.000 tấn, nuôi trồng hơn 7.000 tấn.

Không chỉ vậy, vùng biển Vân Đồn được thiên nhiên ưu đãi có nhiều đảo xen kẽ, tạo nên những áng tùng, vụng ít chịu ảnh hưởng của gió bão, có độ sâu trung bình từ 7-15m rất thích hợp để nuôi hải sản, đặc biệt là nuôi các loài nhuyễn thể như: Ôc, tu hài, bàn mai... Hiện nay, nghề nuôi nhuyễn thể trên địa bàn huyện đã phát triển cả về quy mô và chủng loại. Tu hài và hàu biển là hai đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân tập trung nuôi. Riêng nuôi hàu có bước phát triển mạnh mẽ và mang lại thu nhập cao cho người nuôi. Hiện nay trong tổng số gần 1.000 hộ nuôi trồng thuỷ sản có hơn 100 hộ nuôi hàu, trung bình một ngày cho thu hoạch khoảng hơn 10 tấn chủ yếu xuất đi các tỉnh Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn, Thanh Hoá. Với việc đầu tư nuôi các loài nhuyễn thể không tốn kém, ngoài con giống, người nuôi không phải đầu tư chi phí thức ăn, nên trong những năm gần đây, Vân Đồn xuất hiện nhiều mô hình nuôi nhuyễn thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như mô hình nuôi các loại ốc ở xã đảo Ngọc Vừng, nghêu (Minh Châu), tu hài (Bản Sen)... Đến nay, phần lớn các mô hình nuôi nhuyễn thể được nhân rộng trên địa bàn huyện đảo. Năm 2013, diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện là 3.000ha, trong đó nuôi nhuyễn thể 2.030ha, nuôi tôm 150ha, các loại hải sản khác 820ha. Điều đáng nói, nếu nuôi cá lồng bè nhiều sẽ dẫn đến ảnh hưởng tới môi trường nước, thì ngược lại nuôi nhuyễn thể sẽ không làm ảnh hưởng đến môi trường nước, bởi nguồn thức ăn của chúng là các loại tảo có sẵn trong tự nhiên, nên không làm ảnh hưởng đến nguồn nước, mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường nước biển.

Mặc dù hiện nay ngành Thuỷ sản huyện Vân Đồn đã có sự tăng trưởng đáng kể, song vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế, phát triển chưa bền vững. Đồng chí Nguyễn Quang Ninh, Phó Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Hiện nay, sản xuất thuỷ sản của huyện về cơ bản vẫn chủ yếu khai thác tự nhiên; nghề cá ở dạng quy mô nhỏ, thủ công, manh mún, chủ yếu vẫn tập trung khai thác ven bờ, làm gia tăng áp lực lên nguồn lợi thuỷ sản. Công nghiệp chế biến chưa phát triển, chưa tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, thị trường cho các sản phẩm chưa ổn định. Cho dù nuôi trồng thuỷ sản đã bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, nhưng thiếu định hướng quản lý, quy hoạch khoa học, nên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như điều kiện môi trường, nguồn nước có dấu hiệu suy thoái, phát sinh dịch bệnh gây ảnh hưởng, tác hại lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh nuôi trồng thuỷ sản, làm cho nhiều hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề, tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, vào cuối năm 2011 khi tình hình dịch bệnh xảy ra đã xoá sổ gần hết diện tích nuôi tu hài, gây thiệt hại lớn cho người dân. Theo thống kê thiệt hại dịch bệnh năm 2012, trên địa bàn huyện có khoảng 700 hộ dân và 20 công ty, doanh nghiệp tham gia nuôi trồng, tổng giá trị thiệt hại lên đến trên 200 tỷ đồng.

Đối với nghề khai thác thuỷ sản thực tế cho thấy, so với tổng số tàu, thuyền trên địa bàn huyện làm nghề khai thác thuỷ hải sản, đội tàu đánh bắt tuyến khơi của Vân Đồn vẫn còn hạn chế. Ngư dân Vân Đồn phần lớn vẫn sử dụng những phương tiện tàu thuyền có công suất nhỏ khai thác ven bờ. Điều này dẫn đến tổng sản lượng khai thác thuỷ hải sản tự nhiên hàng năm chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Để nghề khai thác, nuôi trồng thuỷ sản của huyện phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo ở địa phương, thì vấn đề tìm kiếm thị trường đầu ra, xây dựng trạm quan trắc môi trường và hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý môi trường đối với vùng biển huyện Vân Đồn là cấp thiết. Đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thuỷ sản ở Vân Đồn là việc làm rất cần trong tình hình hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

vi-pham-khai-thac-thuy-san-gia-tang Vi Phạm Khai Thác Thủy… san-xuat-thuy-san-co-dau-hieu-phuc-hoi Sản Xuất Thủy Sản Có…