Tin nông nghiệp Khoanh nuôi và phát triển rừng lồ ô

Khoanh nuôi và phát triển rừng lồ ô

Tác giả H.L, ngày đăng 21/07/2016

Ông Cao Nhân (xã Sơn Hiệp) cho biết: “Cây lồ ô gắn bó mật thiết với cuộc sống của nhiều hộ đồng bào Raglai từ bao đời nay. Nhờ khai thác lồ ô bán cho các cơ sở đan lát, làm đũa, làm nhang mà nhiều gia đình bớt phần khó khăn”.

Tuy nhiên, ở xã Sơn Hiệp, bây giờ không còn cảnh người dân tất bật đi khai thác lồ ô. Ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp chia sẻ: “Trước đây, lồ ô ngay cạnh vườn nhà, bên nương rẫy nên khai thác dễ dàng.

Bây giờ, do khan hiếm, người dân phải đi rất xa mới khai thác được nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu nên ít người làm. Hiện nay, cây lồ ô được người dân khai thác bán cho thương lái ở huyện Cam Lâm với giá 3.000 - 6.000 đồng/cây, tùy kích cỡ; thu nhập của một người đi khai thác loại cây này chỉ khoảng 80.000 - 90.000 đồng/ngày”.

Những năm qua, do khai thác quá mức, không hợp lý đã làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng, sản lượng rừng lồ ô. Ngoài ra, người dân xâm lấn rừng để làm nương rẫy nên diện tích rừng lồ ô cũng giảm theo. Từ năm 2010 đến 2015, diện tích rừng lồ ô giảm 128,9ha, trữ lượng giảm khoảng 644.000 cây. Chất lượng rừng lồ ô hiện nay rất thấp, vì hầu hết đã bị tác động quá mức. Riêng tại 2 xã Sơn Hiệp và Thành Sơn, hiện nay còn khoảng 797,85ha rừng lồ ô, trong đó xã Sơn Hiệp có 432,16ha, xã Thành Sơn có 365,69ha.

Trước thực trạng đó, huyện Khánh Sơn đang có chủ trương phục hồi và phát triển rừng lồ ô. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết: “Địa phương đang hoàn thiện Đề án Khoanh nuôi và phát triển cây lồ ô huyện Khánh Sơn giai đoạn 2016 - 2020.

Đề án này được triển khai ở 2 xã Sơn Hiệp và Thành Sơn với tổng kinh phí dự kiến gần 700 triệu đồng. Mục tiêu của đề án là hỗ trợ hộ, cá nhân thực hiện khoanh nuôi và phát triển 175ha rừng lồ ô (năm 2016 sẽ khôi phục 60ha, năm 2017 khôi phục 75ha, năm 2018 khôi phục 40ha) nhằm cung cấp nguyên liệu cho đan lát, sản xuất thủ công mỹ nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng của rừng lồ ô trên địa bàn…”.

Được biết, việc khôi phục, phát triển rừng lồ ô ở Khánh Sơn sẽ giúp nâng cao độ che phủ rừng tại Sơn Hiệp và Thành Sơn thêm 1,6% vào năm 2020, giúp nâng cao tác dụng phòng hộ, cải thiện môi trường, điều tiết nguồn nước. Đề án này còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho các lao động tham gia sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn. Dự kiến, trữ lượng bình quân cho 1ha lồ ô sau 5 năm phục hồi khoảng 8.000 - 10.000 cây, sau khi trừ chi phí đầu tư, khai thác, vận chuyển…, người trồng rừng lồ ô vẫn có thể thu lãi từ 40 đến 50 triệu đồng/ha.

Nguồn tài nguyên, lâm sản phụ dưới tán rừng có vai trò không nhỏ trong đời sống kinh tế của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi. Vì vậy, việc huyện Khánh Sơn xây dựng và triển khai đề án khôi phục và phát triển rừng lồ ô là việc làm hợp lý.

Ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn: Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp với những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít nghệ…, huyện còn chú trọng chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa nước không hiệu quả sang trồng mía tím, quýt đường hoặc trồng cỏ nuôi bò. Trong lâm nghiệp, huyện sẽ tái sinh rừng lồ ô để tăng độ che phủ rừng, làm nguyên liệu, vừa phục vụ du lịch; khôi phục lại các rừng le để lấy măng…

Lồ ô là loài cây rất phổ biến ở Khánh Hòa với khoảng 15.290ha, chiếm 8,41% diện tích rừng toàn tỉnh. Lồ ô ở Khánh Hòa phân bố chủ yếu ở hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn.


Có thể bạn quan tâm

phan-bon-gia-gay-thiet-hai-2-6-ty-usd-moi-nam Phân bón giả gây thiệt… lon-tiem-an-than-ca-nuoi-bien-thanh-ca-dong Lợn tiêm an thần, cá…