Tin nông nghiệp Kiên trì nuôi vịt đẻ

Kiên trì nuôi vịt đẻ

Tác giả Nguyễn Hải Tiến, ngày đăng 14/02/2022

Thông thường cứ nuôi vịt đẻ 5 năm thì lãi 3 năm lỗ 2 năm. Song nếu kiên trì với nghề này, chủ trang trại vẫn có lãi tốt.

Ao cho vịt đẻ tắm mát thường xuyên. Ảnh: H.Tiến.

Ông Ngô Văn Minh là chủ trang trại nuôi và ấp nở trứng thủy cầm nổi tiếng ở xã Ngũ Lão, Kim Động (Hưng Yên). Sau hơn 20 năm kiên trì chăn nuôi vịt đẻ, ông Minh đã tích tụ được 30.000 m2 ao hồ cho thả cá và chăn vịt các loại.

Với tổng đàn nuôi thường xuyên đạt 5.000 vịt lai bơ bố mẹ, mỗi năm ông Minh xuất bán ra thị trường gần 40.000 con giống 1 ngày tuổi. Ngoài ra, ông còn làm đại lý bao tiêu giúp các hộ chăn nuôi khác khoảng 30.000 con giống bóc trứng/ngày.

Ông Minh cho biết: Trước năm 2.000, ông từng gieo cấy 3 mẫu lúa/năm, nhưng vẫn nghèo. Kể từ sau chuyển sang nuôi vịt và ấp nở con giống, cuộc sống của gia đình ông đã có bát ăn bát để.

Khởi nghề ông Minh chỉ dám nuôi 500 con sinh sản, chăn thả theo hướng lấy công làm lãi, cho ăn bán công nghiệp, mang trứng đi thuê ấp rồi tự mang vịt con đi bán lẻ ở các chợ quê. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm vừa học hỏi, năm sau ông Minh đã có được kỹ thuật chăn nuôi tốt hơn năm trước, thua lỗ cũng không mất nhiều, được lãi thì rất đáng kể. Điển hình như năm 2011 ông Minh được lãi tới 4 tỷ đồng, sang năm 2012 chỉ lỗ khoảng trên 1 tỷ đồng.

Nhờ bản tính căn cơ, cần cù, nguồn lợi có được qua các lứa nuôi vịt ông Minh chỉ để mở rộng quy mô sản xuất, tích tụ thêm ao hồ, gia tăng số vịt nuôi đẻ, đầu tư kéo điện lưới ra trại và máy ấp trứng tự động, kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng chăn nuôi theo hướng xanh sạch, thân thiện môi trường.

Vào thăm trang trại vịt của ông Minh, chúng tôi thấy: Ao hồ mặt nước luôn trong sạch. Có cây xanh tỏa mát quanh năm. Đường đi lối lại thuận tiện. Nhiều đàn vịt bầu lai bơ đang bơi lội tung tăng. Riêng ông Minh, lúc nào cười vui viên mãn.

Bởi riêng nguồn thu phụ từ 1,5 ha ao nuôi cá đã cho ông ngoài 100 triệu đồng mỗi năm. Mật độ chăn thả cá rất thưa, kết hợp với thường xuyên thay mới nước ao, cũng giúp cá ít dịch bệnh, không cần mua chế phẩm phòng ngừa.

Nhấn mạnh về bí quyết nuôi vịt đẻ đạt hiệu quả cao, ông Minh dẫn câu Tục ngữ Việt Nam, “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. Nghĩa là muốn thành công trong bất cứ việc gì, đều cần sự kiên trì và quyết đoán. Trong chăn nuôi vịt cũng vậy. Không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Sản xuất thường năm được năm mất. Nhưng bền bỉ chăn nuôi vẫn có lãi.

Thực tế chăn nuôi vịt của ông Minh cho thấy, bình quân cứ 5 năm chăn nuôi vịt chỉ cho lãi 3 năm lỗ 2 năm. Tính ra vẫn “dương” được 1 năm. Nếu chăn nuôi số lượng lớn, chắc chắn sẽ “đổi đời”. Dựa theo bí kíp này, năm 2021 vừa qua, các trang trại chăn vịt đều thua lỗ, ông Minh cũng “ngót” đi gần 1 tỷ đồng nhưng ông dứt khoát không bỏ cuộc, vẫn duy trì thường xuyên 3.000 - 5.000 con vịt đẻ, tùy theo thời điểm.

Theo ông Minh, để vịt nuôi đẻ nhiều trứng, tỷ lệ trứng có phôi cao, sản lượng ấp nở thành công lớn, vịt con sinh ra mập khỏe, cần lựa chọn con giống tốt, chất lượng thức ăn chăn nuôi cao, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, vacxin phòng dịch kịp thời, đầy đủ. Trong đó, vịt nuôi hậu bị phải khỏe mạnh, chọn con giống có mắt sáng, lông bông, đi lại nhanh nhẹn, không dị hình, khuyết tật.

Vịt bố mẹ phải to mập cân đối, con cái nặng từ 2,5 kg trở lên, con đực trên 4 kg. Sau mỗi chu kỳ khai thác trứng khoảng 7 tháng, cần thay giống đực từ nguồn mua của Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi), tỷ lệ nuôi đực/cái là 1/4.

Thức ăn chăn nuôi, tốt nhất là trước khi mua cám công nghiệp của nhà sản xuất nào đó, hãy cho vịt ăn thử 7 - 10 ngày, nếu thấy vịt đẻ đều, trứng to nặng 83 g/quả, vỏ không quá dày hoặc quá móng là đạt yêu cầu. Vỏ trứng quá dày sẽ khó nở, mỏng quá dễ vỡ.

Trứng to cũng cho con giống mập hơn, khỏe hơn. Vịt đẻ đạt năng suất cao nhất là vào tháng 2 - 3 dương lịch, thấp nhất vào mùa hè (tháng 5 - 6). Để khắc phục thời tiết nắng nóng mùa hè, cần bổ sung nước ao cho vịt tắm, trồng cây xanh che mát lán trại vịt ngủ nghỉ và đẻ...

“Thông qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ năm 2018 đến nay, tôi cùng với các hộ ở đây, luôn được các chuyên gia của Tổ chức Nông lương Liên hiệp Quốc (FAO) về thăm, và tư vấn kỹ thuật chăn nuôi vịt an toàn sinh học. Nhờ vậy, đã kéo dài được chu kỳ khai thác giống, tỷ lệ vịt đẻ đạt 85%, tỷ lệ  trứng có phôi 90%, tỷ  lệ trứng ấp nở  85%, cao hơn nhiều so với cách làm trước đó”, theo ông Minh.


Có thể bạn quan tâm

bien-doi-khi-hau-nhu-con-quai-vat-tang-hinh-de-doa-cay-lua Biến đổi khí hậu như… nong-dan-trong-ca-rot-phan-khoi-vi-duoc-mua-duoc-gia Nông dân trồng cà rốt…