Kim An (Hà Nội) Giàu Lên Nhờ Trồng Cam Canh
Dù "bén duyên" với mảnh đất Kim An (huyện Thanh Oai, Hà Nội) chưa lâu nhưng với giá trị thu nhập bình quân 700 – 800 triệu đồng/ha, cây cam Canh đã và đang giúp người nông dân nơi đây nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhiều hộ khá giả.
Trồng cam thành tỷ phúNhững ngày cuối năm, trên tuyến đê dẫn xuống xã Kim An, không khí mua bán cam Canh diễn ra tấp nập. Anh Nguyễn Văn Hoa, ở thôn Tràng Cát, chủ vườn cam Canh có diện tích trên 1ha vui mừng cho biết, năm nay, vườn cam 200 gốc của gia đình anh ước tính sẽ cho thu hoạch khoảng 16 tấn quả.
Với giá bán trung bình 50.000 - 55.000 đồng/kg, anh cầm chắc trong tay gần tỷ đồng. "Thời điểm này, cả xã đã có khoảng 40ha cam cho thu hoạch nên chắc chắn vào dịp giáp Tết sẽ khan hiếm hàng, giá cam có thể lên tới 70.000 - 80.000 đồng/kg" – anh Hoa cho biết thêm.
Được trời phú cho chất đất phù sa màu mỡ cùng với sự cần cù, nhạy bén của người nông dân, ngay từ năm 2001, cây cam Canh đã được đưa về trồng tại địa phương.
Thời gian đầu, do kỹ thuật thâm canh hạn chế nên cây cam cho thu nhập thấp. Song, với ý chí quyết tâm làm giàu và không ngừng học hỏi kinh nghiệm, đến nay, toàn xã Kim An có 200 hộ trồng cam với 60ha. Đặc biệt, từ khi được Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội hỗ trợ về kỹ thuật thâm canh nên cây cam Canh ngày càng tăng nhanh về diện tích và sản lượng.
Năm nay, do thời tiết dịp đầu năm không thuận nên sản lượng cam bị sụt giảm hơn so với năm trước, song vẫn đạt trên 900 tấn, ước tính cho thu nhập trên 50 tỷ đồng. Ông Đỗ Hùng Cường – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Kim An cho biết: "Hiện nay, so với các cây trồng khác thì cam Canh là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân với giá trị canh tác trung bình 700 - 800 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những hộ đạt xấp xỉ 3 tỷ đồng đồng/ha".
Xây dựng thương hiệu cam sạch
Xác định sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng phát triển bền vững cho cây cam nên nông dân Kim An luôn đặt việc đảm bảo quy trình kỹ thuật lên hàng đầu. Hiện nay, hầu hết các hộ đều sử dụng đậu tương làm phân bón, nhiều hộ còn công phu mang đậu tương xay trước khi ngâm.
Theo kinh nghiệm sản xuất lâu năm của người dân nơi đây, việc sử dụng loại phân bón đặc biệt có tác dụng làm cho cam đạt chất lượng cao nhất: Quả mọng, múi đều, độ đường cao và đảm bảo an toàn.
Cam đường là loại cây "khó tính", đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc đặc biệt hơn so với các loại cây ăn quả khác nên không chỉ dựa vào kinh nghiệm đơn thuần mà cần phải áp dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. Do đó, trong 2 năm triển khai dự án thâm canh cây cam đường tại Kim An, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã thường xuyên tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Đồng thời, tuyên truyền để nông dân thay đổi tập quán sản xuất cũ, tạo thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, cây cam cho nhiều trái, hạn chế được sâu bệnh hại mà vẫn đảm bảo chất lượng VSATTP.
Theo số liệu thống kê, đến nay, toàn xã Kim An có 20ha trồng cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mới đây, cam Canh Kim An còn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng công nhận nhãn hiệu tập thể "Cam đường Kim An". Như vậy, giá trị hàng hóa của sản phẩm cam Kim An sẽ tiếp tục được nâng cao, tạo đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho nông dân.
Bí thư Đảng ủy xã Kim An Trần Văn Thuấn cho biết, thời điểm này, xã tập trung quảng bá cam đường Kim An trên các phương tiện thông tin đại chúng để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. Xã cũng mong muốn được TP, Sở NN&PTNT tiếp tục quan tâm triển khai các dự án hỗ trợ thâm canh trên cây cam trong những năm tiếp theo.
Hiệu quả kinh tế cao mà cây cam mang lại chính là động lực để nông dân Kim An tiếp tục mở rộng diện tích. Chắc chắn xã vượt kế hoạch đến hết năm 2015 có 70ha cam Canh. Ông Trần Văn Thuấn Bí thư Đảng ủy xã Kim An
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ