Tin thủy sản Kinh nghiệm sản xuất giống lươn đồng

Kinh nghiệm sản xuất giống lươn đồng

Tác giả Võ Minh Thảo - Sở NN&PTNT Bến Tre, ngày đăng 08/11/2021

Dựa theo mô hình do Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đã tiến hành xây dựng tại xã Tiên Thủy huyện Châu Thành và xã Tân Mỹ huyện Ba Tri với tổng quy mô là 400 m2

Thiết kế bể sinh sản:

Bể có dạng hình chữ nhật, diện tích 2 m2/bể, bể có chiều cao 1m, chiều rộng 1 m, dài 2 m , có đặt ống xả nước, mực nước duy trì 0,3 m, bể nữa nổi nữa chìm. Chọn nơi yên tĩnh, thoáng mát, có nguồn nước tốt không bị ô nhiễm làm bể cho lươn sinh sản.

Chọn giống, mật độ thả: Chọn lươn bố mẹ có thời gian nuôi từ 10 – 12 tháng , khối lượng trung bình lươn bố mẹ: 10 con/kg. Lươn lớn (lươn đực): cỡ 5 – 8 con/kg, lươn nhỏ (lươn cái): cỡ 9 – 14 con/kg. Tỷ lệ đực cái là 1:1 (về số lượng). Mật độ thả: 10 con/m2

Chăm sóc và quản lý:

Sau 5 ngày thả lươn vào bể bắt đầu cho lươn ăn nhưng với lượng ít sau đó tăng dần theo khẩu phần ăn của lươn, ngày cho ăn từ 2 lần, thức ăn cho lươn sinh sản sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm 30 – 40% với lượng thức ăn 3 – 5% tổng khối lượng lươn và kết hợp với trùn quế. Nếu thấy nước bị thất thoát do bốc hơi hoặc chất lượng nước kém thì tiến hành cấp thêm nước.

Vớt trứng, ấp trứng:

Sau khi thả lươn được 20 ngày thì tiến hành kiểm tra xem lươn đẻ chưa, nếu lươn đẻ tiến hành vớt trứng (chỉ vớt trứng khi trứng chuyển sang màu đỏ có tượng hình lươn con), không nên vớt trứng vàng vì tỷ lệ nở thấp, trứng vớt lên có lẫn bùn nên được rửa nhiều lần qua nước sạch. Sau đó dùng thau nhựa, thùng nhựa,…để ấp trứng lươn. Mật độ ấp 1.000 trứng/10 lít nước và có sục khí, hàng ngày thay nước từ 50 – 80% , nước sử dụng phải trong sạch, hàng ngày phải loại bỏ trứng ung (trứng có màu trắng đục) hay vỏ trứng. Ở nhiệt độ từ 26 – 32 độ C trứng được ấp khoảng 5 – 7 ngày thì trứng nở, thả vào bể ấp một số chùm tua nilon làm nơi trú ẩn cho lươn con khi nở. Sau 7 – 10 ngày tiêu hết noãn hoàng chuyển sang bể ương.

Ương lươn bột:

Ương với mật độ 3.000 con/m2, ương trong bể lót bạt, bể được thiết kế nghiêng về một phía và có đặt ống xả nước, mực nước 20 cm, có giá thể là chùm dây nilon, thức ăn cho lươn ăn trong giai đoạn này là trùn chỉ hoặc là trứng nước, ngày cho ăn hai lần sáng và chiều, thay nước sau mỗi lần cho lươn ăn. Sang tháng thứ 2, thứ 3 thì mật độ ương giảm dần và có thể tập cho lươn ăn cá tạp xay nhuyễn phối trộn với thức ăn công nghiêp theo tỷ lệ 30% thức ăn công nghiệp + 70% cá tạp hoặc tập cho lươn ăn hoàn toàn thức ăn công nghiệp.

Sau hơn 9 tháng thực hiện, mô hình đã đạt được những kết quả hết sức khả quan: tỷ lệ sống lươn bố mẹ trên 90%; tỷ lệ sống lươn con 60 – 70%; số lượng lươn con 69.900 con với kích cỡ 8 – 10 cm, tỷ suất lợi nhuận của mô hình 39%. 

Người dân tiếp cận và nắm được quy trình sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề con giống trong quá trình nuôi lươn thương phẩm. Mặt khác, mô hình áp dụng quy trình không sử dụng hóa chất nên nguồn nước thải ít gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng công lao động nhàn rỗi đưa vào sản xuất và sinh lời, ổn định.


Có thể bạn quan tâm

hua-hen-nuoi-moina-chi-phi-thap-tu-phu-pham-bot-tao-do-khu-chat-beo Hứa hẹn nuôi moina chi… ky-thuat-nuoi-luon-trong-be-bat-voi-con-giong-nhan-tao-su-dung-nuoc-ngam Kỹ thuật nuôi lươn trong…