Mô hình kinh tế Kinh Nghiệm Từ Những Mô Hình Nuôi Tôm Có Hiệu Quả

Kinh Nghiệm Từ Những Mô Hình Nuôi Tôm Có Hiệu Quả

Ngày đăng 08/03/2013

Khi tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn diễn biến phức tạp, tác nhân gây bệnh tôm vẫn chưa được xác định, thì ngay tại những vùng nuôi tôm trong tỉnh Sóc Trăng, vẫn có những mô hình nuôi tôm rất thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thành công này là những bài học kinh nghiệm quý báu, là chỗ dựa của người nuôi tôm thêm vững tin bước vào vụ nuôi 2013. 
* Phan Văn Hùng, huyện Trần Đề: Áp dụng đúng quy trình, hiệu quả thành công nuôi tôm rất cao 
Tôi bắt đầu nuôi tôm sú từ năm 1993 với mô hình nuôi đầu tiên là quảng canh cải tiến. Từ năm 2002, bắt đầu chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, nhưng mật độ nuôi cũng chỉ từ 20 - 25 con/m2, nhằm thu hoạch tôm cỡ lớn bán với giá cao. Từ cuối năm 2012, nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng bằng nguồn nước tái sử dụng từ ao nuôi tôm sú và cũng thành công. Tôi rất mê nuôi tôm dù biết rằng có không ít người giàu lên hoặc nghèo đi từ cái nghề này. Với tôi, nuôi tôm tuy có khó khăn riêng, nhưng nếu mình thận trọng, áp dụng đúng quy trình nuôi thì hiệu quả thành công rất cao. Năm 2010, tôi nuôi với mật độ 35 con/m2, thu hoạch đến 45 tấn tôm, nhưng lãi chỉ hơn 1 tỉ đồng; còn năm 2011 chỉ nuôi với mật độ 20 con/m2, thu hoạch chỉ 20 tấn, nhưng lãi đến 1,7 tỉ đồng, nhờ tôm vô cỡ 20 - 21 con/kg nên bán được giá 250.000 đồng/kg. Năm 2012, do giá tôm xuống thấp, nên lợi nhuận cũng giảm đi còn 800 triệu đồng.

Qua 11 năm nuôi thành công, tôi nhận thấy, để nuôi tôm đạt hiệu quả cao không nhất thiết phải nuôi với mật độ dầy, mà quan trọng là công trình nuôi phải chuẩn, chọn con nước tốt (có nhiều tôm, tép tự nhiên…) để lấy vào một lần cho đầy ao, con giống phải qua xét nghiệm ít nhất tại 2 cơ sở có uy tín và chăm sóc tốt tôm nuôi theo quy trình an toàn sinh học. Từ năm 2011, khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành, tôi chủ động lấy nước vào ngay từ tháng 8 - 9 ở độ mặn từ 7 - 8‰ và nuôi nước cho ổn định từ 3 - 4 tháng mới bắt đầu xử lý. Ngoài ra, tôi còn tự ủ chế phẩm vi sinh EM với mật đường để gây màu nước. 
* Kha Sến, thị xã Vĩnh Châu: Đa dạng hóa đối tượng nuôi để cắt mầm bệnh trên tôm 
Với kinh nghiệm nuôi tôm trên 20 năm, trải qua không ít thăng trầm với nghề nuôi tôm, tôi nhận thấy rằng, cần phải đa dạng hóa đối tượng nuôi bằng cách luân canh một vụ tôm với một vụ thủy sản khác như: cá kèo, cá mú hay cua biển… để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cắt đứt mầm bệnh trên tôm nuôi. Cách làm này vừa khắc phục được tình trạng dịch bệnh trên tôm nuôi, lại vừa đối phó được với những khó khăn từ thị trường tiêu thụ. Bằng cách nuôi luân canh này, năm 2010, tôi chọn đối tượng cá mú để nuôi trên diện tích 4.000 m2, thu được 1,6 tấn cá, bán với giá 145.000 đồng/kg, lời được 110 triệu đồng. 
Năm 2012, khi tình hình dịch bệnh tôm vẫn còn gây thiệt hại lớn, tôi quyết định nuôi tôm sú theo kiểu san thưa, để giảm chi phí đầu tư, hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi, giảm rủi ro trong quá trình nuôi và tăng kích cỡ tôm thương phẩm để bán với giá cao hơn, tăng được lợi nhuận. Với cách nuôi kiểu san thưa này, năm 2012 chỉ với 90.000 con giống tôm sú tôi thu được 4 tấn tôm thương phẩm loại 20 con/kg, bán với giá 200.000 đồng/kg, lời được 400 triệu đồng. 
* Tăng Văn Tuối, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Nghĩa (Vĩnh Châu): Nuôi tôm đừng quên cá rô phi 
Sau thất bại ở vụ nuôi 2011, được sự nhắc nhở của cán bộ kỹ thuật, tôi bắt đầu quay lại với mô hình nuôi ghép tôm với cá rô phi từ ao lắng cho đến ao nuôi và thả nuôi rải vụ trong khung lịch thời vụ. Với cách làm này, trên diện tích 4ha, tôi dành ra 2.000 m2 để làm ao chứa, 9.500 m2 để làm 2 ao lắng, phần còn lại chia thành 4 ao nuôi. Thường thì tôi chỉ thả trước 2 ao, sau 2 tháng nếu thấy tình hình khả quan thì thả tiếp 2 ao còn lại. Ở vụ nuôi 2012, bằng cách nuôi ghép tôm thẻ chân trắng (mật độ 40 con/m2) với cá rô phi trong ao lắng và ao nuôi, tôi thu được 11,21 tấn tôm cỡ 40 con/kg, bán với giá 106.000 đồng/kg, thu lợi nhuận 574 triệu đồng. 
Sau khi thu hoạch xong, nước trong 2 ao nuôi được tôi giữ lại làm ao lắng, kết hợp với thả cá rô phi để xử lý nước. Sau thời gian tôi thấy, cá phi xử lý rất tốt các loại tảo có hại và tạo màu nước đạt yêu cầu kỹ thuật. Chính vì vậy, tôi đã thả lại tôm thẻ vụ tiếp theo và hiện tôm đã được 76 ngày tuổi phát triển rất tốt, không dịch bệnh, dù tôi rất ít sử dụng hóa chất hay thuốc thú y thủy sản. Mô hình nuôi ghép với cá rô phi ngay từ ao lắng, ao nuôi cho thấy rất hiệu quả, khi tiết kiệm được chi phí, tôm ít dịch bệnh và có thể nuôi theo kiểu tuần hoàn nước khép kín. Rõ ràng, cá rô phi là người bạn rất hữu ích đối với người nuôi tôm, nên trong quá trình nuôi, đừng bao giờ quên người bạn tốt này...


Có thể bạn quan tâm

thu-nghiem-mo-hinh-nuoi-tom-cang-xanh-toan-duc-trong-ao-dat-o-an-giang Thử Nghiệm Mô Hình Nuôi… hieu-qua-tu-cac-khu-bao-ve-thuy-san-o-thua-thien-hue Hiệu Quả Từ Các Khu…