Tôm thẻ chân trắng Kỹ thuật nuôi tôm sạch

Kỹ thuật nuôi tôm sạch

Ngày đăng 18/07/2015

Xây dựng, cải tạo ao nuôi

Hệ thống ao nuôi tôm sạch bao gồm ao chứa nước, ao nuôi và ao xử lý nước thải.

Ao chứa nước diện tích chiếm 15 - 20% diện tích ao nuôi, ao được nạo vét bùn, tẩy dọn sạch sẽ và phơi đáy. Nên chọn ngày lấy nước sao cho nước có độ mặn cao và ít bị ảnh hưởng bởi nước thải từ khu nuôi khác.

Ao nuôi  nên có diện tích 2.000 - 3.000 m2 để dễ chăm sóc. Ao được thiết kế hố thoát cặn đặt giữa ao, hố hình tròn, đường kính 20 - 30 m, sâu hơn so với mặt đáy ao từ 0,2 đến 0,5 m, xung quanh hố được vây lưới thưa, hạn chế tôm bơi vào hố. Ở giữa hố lắp ống dẫn ra ao xử lý, kích thước miệng ống 20 - 30 cm. Đáy ao phải được san phẳng và có hình lòng chảo, thấp dần về giữa ao.

Ao xử lý nên có diện tích chiếm 10 - 15% diện tích ao nuôi, độ sâu lớn hơn ao nuôi 0,3 - 0,5 m.

Cần căn cứ vào mật độ thả để dự trù  sản lượng tôm nuôi trong ao mà lắp đặt hệ thống quạt khí trong ao nuôi cho phù hợp. Thông thường, một giàn cánh quạt khí lông nhím (14 - 16 cánh) vận tốc vòng quay 120 vòng/phút thì có thể cung cấp đủ ôxy cho 500 kg tôm trong ao. Đối với giàn quạt cánh có số lượng cánh và vòng quay tương đương quạt nhím thì có thể lắp tăng lên 1,3.

Ao nuôi được cải tạo kỹ, gia cố bờ ao chắc chắn không rò rỉ; vét bùn, bón vôi 10 - 12 kg/100 m2, phơi đáy 3 - 5 ngày.

Ao xử lý có bờ chắc chắn, được cải tạo, rải vôi xử lý đáy và có thể được lắp hệ thống thổi khí nếu có điều kiện kinh tế.

Lấy nước, thả giống

Sau khi lấy nước vào ao chứa, nước được khử trùng một lần duy nhất tại ao lắng bằng Chlorine với nồng độ 30 ppm. Nên xử lý nước trước khi thả tôm 7 - 10 ngày. Nước được cấp vào ao từ ao chứa, lọc qua túi lọc dày, độ sâu 1,2 m trở lên.  Trước khi thả tôm cần kiểm tra các thông số môi trường (như độ mặn, nhiệt độ, pH, NH3, NO2, H2S...) để điều chỉnh phù hợp tôm nuôi. Cấp nước xong có thể gây màu cho ao nuôi bằng cám gạo, đậu nành và bột cá với tỷ lệ 2/2/1.

Tôm thả phải còn đủ phụ bộ, khỏe mạnh, rõ nguồn gốc, cung cấp bởi công ty có thương hiệu và phải được kiểm dịch.

Nên chọn thời điểm trời mát trong ngày để thả tôm đạt tỷ lệ sống cao. Mật độ tôm thả vừa phải (tôm sú 20 - 30 con/m2, tôm thẻ chân trắng 50 - 80 con/m2).

Chăm sóc và quản lý

Chọn mua thức ăn cho tôm tại các công ty có uy tín. Hàm lượng đạm và kích cỡ viên thức ăn phải phù hợp với tôm ở từng giai đoạn phát triển. Nên tuân thủ quy trình cho tôm ăn và kiểm tra sức ăn của tôm trên sàng ăn, để tránh thức ăn thừa, gây lãng phí và tăng ô nhiễm nước.

Sau khi thả nuôi tôm được 10 ngày, tiến hành chạy quạt nước để lượng chất thải theo dòng chảy, dồn vào hố lắng đọng. Mở nhẹ van xả chuyển lượng chất thải sang ao xử lý; nên vận hành nhẹ nhàng, tránh tôm bị hút vào hố thải. Định kỳ 7 - 10 ngày mở van xả thải một lần, đồng thời cấp bù lại bằng nước từ ao chứa. Nên tắt quạt khí 15 phút trước khi xả thải, sau khi xả hết chất thải thì khóa van nước và vận hành quạt khí bình thường. Thả cá rô phi giống với mật độ 3 - 5 con/m2 vào ao lắng để cá ăn lượng chất thải và khống chế mật độ tảo trong ao. Đồng thời bón chế phẩm sinh học xuống ao để phân hủy mùn bã hữu cơ, kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và chuyển hóa khí độc trong nước thành dạng không độc. Trong quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ của vi khuẩn, sẽ tạo ra nguồn dinh dưỡng trong nước; nguồn dinh dưỡng này sẽ được tảo hấp thu, do vậy nước sẽ được lọc sạch. Định kỳ 15 ngày/lần nước ở ao lắng được bơm  vào ao chứa với lượng nước bằng 10% lượng nước ao; sau mỗi lần thay nước nên sử dụng chế phẩm sinh học, liều lượng sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Lưu ý: Càng về cuối vụ nuôi, lượng chất thải trong ao nuôi tôm càng lớn; do vậy cần tăng thời gian sục khí và thay nước thường xuyên hơn (5 - 6 ngày/lần). Kiểm tra định kỳ các thông số môi trường như ôxy, pH hằng ngày và H2S, NO2, NH3 hằng tuần, để có biện pháp khống chế kịp thời giúp môi trường nước ao ổn định, khiến tôm sinh trưởng tốt.

Thu hoạch

Với những thao tác kỹ thuật nuôi không quá khó, sau thời gian nuôi 3,5 - 5 tháng thì có thể thu hoạch tôm, đối với tôm sú năng suất đạt 4 - 5 tấn/ha, tôm thẻ chân trắng 8 - 12 tấn/ha.

Hiện nay trong thức ăn công nghiệp cho tôm nuôi hầu hết đều có chất bảo quản Ethoxyquin. Để tôm thu hoạch không có dư lượng chất này, người nuôi cần sử dụng thức ăn tự chế hoặc thức ăn công nghiệp không chứa chất bảo quản đó, cho tôm ăn trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày.

Kỹ thuật nuôi tôm sạch ít sử dụng hóa chất đã và đang được nhiều hộ nuôi áp dụng tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tags: ky thuat nuoi tom sach, nuoi tom sach, ky thuat nuoi tom the, tom cang xanh


Có thể bạn quan tâm

cach-phong-benh-dung-cach-cho-tom-the-chan-trang Cách Phòng bệnh đúng cách… cong-nghe-sinh-hoc-nuoi-tom-sach Công nghệ sinh học nuôi…