Tin thủy sản Kỹ thuật ương lươn giống từ nguồn sinh sản bán nhân tạo

Kỹ thuật ương lươn giống từ nguồn sinh sản bán nhân tạo

Tác giả Huỳnh Thị Hồng Quyên, ngày đăng 08/11/2021

Lươn là loài thủy đặc sản được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng do phẩm chất thịt thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Trong những năm gần đây nông dân trong tỉnh Hậu Giang rất chú ý nghề nuôi lươn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nguồn lươn giống tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp bán nhân tạo là giải pháp giúp người dân đa dạng hóa loài nuôi và giảm áp lực khai thác nguồn giống tự nhiên.

Hiện nay người nuôi đang gặp khó khi muốn mở rộng quy mô sản xuất bởi con giống tự nhiên ngày càng khan hiếm, bên cạnh đó nguồn giống lươn đánh bắt ngoài tự nhiên không đảm bảo đồng cỡ, số lượng và chất lượng. Nhằm tạo điều kiện cho hộ nuôi làm quen dần con giống nhân tạo, Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ giới thiệu kỹ thuật ương lươn giống từ nguồn sinh sản bán nhân tạo (giai đoạn từ sau khi nở đến lươn giống đạt kích cỡ 500 con/kg):

1. Xây dựng bể nuôi

– Bể ương giống được xây dựng khu vực có mái che, thoáng mát, tránh ánh nắng gay gắt, hạn chế sự chênh lệch nhiệt độ trong ngày và không gây tác động xấu đến môi trường xung quanh.

– Bể nuôi là loại bể nổi có hình chữ nhật có diện tích 2 – 6m2/bể, vật liệu xây dựng bể là bạt cao su lót loại 2 mặt hoặc xây bằng gạch và xi măng tùy theo điều kiện của nông hộ, chiều cao bể là 0,3 – 0,5m. Đáy bể có độ dốc nghiêng về phía ống thoát nước để loại bỏ các chất cặn bã trong bể khi thay đổi nước.

– Phương tiện hỗ trợ: Moteur bơm nước, ống cấp thoát nước (đường kính 27 và 60 mm), co, val khóa thích hợp.

2. Điều kiện môi trường nuôi

– Bố trí dây nilon trong bể nuôi dựa theo vách bể để tạo nơi trú ẩn cho lươn. Dây nilon được cột lại thành búi dài khoảng 40 – 50 cm và bố trí chiếm 20 – 30% diện tích đáy bể.

– Mức nước trung bình từ 7 – 10cm; mật độ bố trí 2.000 – 5.000 con/m2

– Nguồn nước sử dụng không bị ô nhiễm bởi các loại chất thải công, nông nghiệp và kim loại nặng. Độ mặn không quá 5‰, pH dao động từ 6,5 – 8,5, nhiệt độ 25 – 30 độ C

3. Quản lý và chăm sóc

– Lươn con mới nở thân rất nhỏ, dưới bụng mang noãn hoàng to, chiều dài tối đa 2cm, ít cử động, chỉ nằm im dưới đáy bể, nên trong thời gian này sục khí phải được duy trì liên tục. Lươn nở được 4 – 5 ngày thì chuyển sang bể ương trong nhà.

– Loại thức ăn sử dụng là: trứng nước (moina), trùn chỉ, trùn quế và thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 40 – 43%. Sau khi hết noãn hoàng bắt đầu cho ăn trứng nước, trùn chỉ (thức ăn chiếm 6 – 10% trọng lượng thân) cho ăn 4 lần/ngày. Sau 20 – 30 ngày thì ăn trùn quế băm nhỏ, thời điểm này nên bổ sung vitamin, khoáng để tăng cường sức đề kháng cho lươn con.

– Khi lươn sử dụng thức ăn công nghiệp thì cần định kỳ bổ sung men tiêu hóa, vitamin C chống sốc 2 lần/tuần nhằm tăng cường sức đề kháng cho lươn trong giai đoạn này.

– Thường xuyên theo dõi lượng thức ăn thừa trong sàn sau khi cho ăn 1 giờ nhằm điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp. Định kỳ 1 tuần/lần nên tạm ngưng cho ăn 1 ngày trước khi tăng lượng thức ăn: tăng 15 – 25%  so với lượng thức ăn của kỳ trước.

– Lươn ương được 1 tháng tuổi thì định kỳ 2 tuần/lần phân cỡ lươn giống nhằm nâng cao tỷ lệ sống và hạn chế phân đàn, cạnh tranh mồi trong cùng một quần đàn.

– Chế độ thay nước 2 lần/ngày, hòa nước muối tạt khắp bể với liều lượng 30 – 50 gram/m2 đáy bể trước khi cấp nước vào bể.

– Thời gian ương dưỡng ước khoảng 60 – 75 ngày, kích cỡ đạt 500 – 550 con/kg; tỷ lệ sống ước khoảng 70 – 80% tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc của hộ nuôi.

– Sau 70 – 75 ngày ương nuôi, lươn đạt trọng lượng từ 500 – 550 con/kg thì có thể xuất bán giống hoặc chuyển qua bể nuôi thương phẩm.

– Tạm ngưng cho ăn 1 ngày trước khi chuyển sang bể nuôi thương phẩm, phân cỡ và bố trí vào bể nuôi với mật độ thích hợp tùy thuộc vào loại giá thể sử dụng. Tùy theo điều kiện từng vùng hộ nuôi sử dụng các loại giá thể khác nhau: đất, vĩ tre, mùn bã thực vật, dây ni lon, lưới,…

4. Những bệnh thường gặp

Trong giai đoạn bắt đầu chuyển thức ăn từ trùn chỉ sang trùn quế và các loại thức ăn công nghiệp nên thường xuất hiện hiện tượng lươn bỏ ăn và suy nhược. Trong trường hợp này, nên bổ sung thêm Vitamin C, men tiêu hóa vào khẩu phần thức ăn để kích thích khả năng bắt mồi của lươn. Ngoài ra còn xuất hiện một số bệnh như xuất huyết toàn thân, nấm thủy mi, xuất huyết hậu môn,… Biện pháp khắc phục trong giai đoạn này:

– Cần lưu ý chênh lệch nhiệt độ trong bể khi thay đổi nước hoặc ngày đêm do mức nước trong bể thấp.

– Thường xuyên tắm muối với liều lượng 2 – 3% và bổ sung vitamin C chống sốc sau khi thay đổi nước (2 ngày/ lần).

– Chỉ sử dụng hóa chất sát khuẩn và kháng sinh (trong danh mục cho phép) khi cần thiết (xuất huyết toàn thân, nấm thủy mi, xuất huyết hậu môn…) theo liều lượng ghi trên bao bì.

Trạm Khuyến Nông thị xã Long Mỹ (Hậu Giang)


Có thể bạn quan tâm

ky-thuat-co-ban-can-luu-y-khi-nuoi-luon-khong-bun-su-dung-thuc-an-vien-cong-nghiep Kỹ thuật cơ bản cần… ky-thuat-nuoi-luon-khong-bun Kỹ thuật nuôi lươn không…